Những chính sách có hiệu lực từ 1/9/2018

Hàng loạt chính sách mới về tài chính, doanh nghiệp nhà nước, khoa học công nghệ... sẽ có chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2018.

1. Ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước
Đây là quy định tại Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước trong các trường hợp sau:
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động,… để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm;
- Trường hợp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 19 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015;
- Trong thời hạn áp dụng mức vốn điều lệ điều chỉnh lại: Mức vốn điều lệ của DNNN được phê duyệt điều chỉnh áp dụng tối thiểu trong thời hạn 03 năm kể từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ.
Thông tư 59/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.
2. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia
Từ ngày 01/9/2018, Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó:
- Thanh toán Nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị NHNN phải có hợp đồng ủy quyền trước.
- Thanh toán Nợ giữa các thành viên là đơn vị NHNN với các thành viên không phải là đơn vị NHNN phải có văn bản thỏa thuận trước.
- Nợ giữa các thành viên trong hợp đồng ủy quyền trước hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán phải bao gồm tối thiểu các yếu tố sau:
+ Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán Nợ giữa các thành viên;
+ Hạn mức tối đa của một Lệnh thanh toán Nợ không cần xác nhận nợ;
+ Thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận.
Xem chi tiết Hệ thống biểu mẫu về thanh toán điện tử liên ngân hàng tại Phụ lục Thông tư 37.
3. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Đây là nội dung tại Thông tư 67/2018/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản công.
Cụ thể, quyền khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về tài sản công được quy định như sau:- Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong CSDLQG;
- Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong CSDLQG;- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong CSDLQG có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc (nếu có) trong CSDLQG.Nội dung chuẩn các thông tin quy định trên CSDLQG được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 67/2018/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 01/9/2018).
4. Công bố điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài
Thông tư 19/2018/TT-BCT quy định về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương ban hành ngày 19/7/2018.
Theo đó:
- Thời hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nội dung công bố điều kiện đầu tư - kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là 05 ngày làm việc (quy định hiện nay là 5 ngày) kể từ ngày văn bản pháp quy được ban hành.
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trình văn bản hợp nhất cho Bộ trưởng ký xác thực trong thời hạn:
+ Đối với VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung do Văn phòng Chính phủ gửi đến;
+ Đối với Thông tư/Thông tư liên tịch: 05 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm hoàn thành việc hợp nhất và trình Bộ trưởng ký xác thực văn bản hợp nhất.
Thông tư 19/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 03/9/2018.

5. Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành

Theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ 6/9/2018, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.

6. Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ

Ngày 31/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 30/2018/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ.

Cụ thể: Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Khoa học Công nghệ. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ sẽ xem xét và thông báo nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi.

Trong 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ có văn bản trả lời, trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ; trường hợp từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp cần thẩm tra, Bộ sẽ trả lời không quá 20 ngày.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/09/2018.

Thanh Xuân