Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/8/2018

Hàng loạt chính sách mới như Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp C/O ưu đãi; Cấm ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu nợ; Điều kiện về kinh doanh khí v.v.. sẽ có hiệu lực từ ngày 1

1/ 3 điều kiện với thương nhân kinh doanh mua bán khí

Theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được Chính phủ ban hành ngày 15/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, thương nhân kinh doanh mua bán khí phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG.

- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Riêng thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.

Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ngoài 03 điều kiện nêu trên, trạm cấp LNG và trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải còn phải đáp ứng điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.

2/ Cấm ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu nợ

Đây là nội dung mới tại Thông tư 15/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung một số nguyên tắc khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:
- Ban hành quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt với những trái phiếu phát hành thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
- Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.Thông tư 15/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 02/8/2018.

3/ Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Thông tư 15/2018/TT-BCT về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 29/06/2018, có hiệu lực từ ngày 15/08/2018.

Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi áp dụng với thương nhân là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hoặc được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Chế độ Luồng Xanh cũng được áp dụng đối với thương nhân đáp ứng các điều kiện sau đây: Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất trước thời điểm đề nghị xét duyệt chế độ Luồng Xanh; Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và điện tử) đầy đủ đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ; Thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua www.ecosys.gov.vn và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.

4/ Mức phí mới thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Ngày 25/06/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định.

Biểu mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tùy mức vốn đầu tư. Cụ thể:

- Với dự án công trình dân dụng: Từ 8 - 84 triệu đồng

- Với dự án hạ tầng kỹ thuật: Từ 8,6 - 86 triệu đồng

- Với dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi: Từ 8,8 - 88 triệu đồng

- Với dự án giao thông: Từ 9,2 - 92 triệu đồng

- Với dự án công nghiệp: Từ 9,6 - 96 triệu đồng

- Với dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các dự án khác: Từ 6 - 61 triệu đồng.

Tổ chức thu phí nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/08/2018.

5/ Hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp đến 10 tỷ đồng

Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quy định dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi…). Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Để được hưởng ưu đãi, các bên liên kết phải đảm bảo một số điều kiện như: phù hợp với quy hoạch; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm chất lương sản phẩm, an toàn thực phẩm; thời gian liên kết tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/8.

6/ Phát hiện tôm bơm tạp chất phải lập biên bản tại chỗ


Ngày 10/07/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07/2018/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm.

Thông tư chỉ rõ, trường hợp tổ chức kiểm tra theo Đoàn, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất, Trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, niêm phong tang vật phương tiện vi phạm hành chính.

Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi niêm phong.

Trường hợp kiểm tra viên được phân công kiểm tra độc lập, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tập chất thì phải lập biên bản; báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để có biện pháp xử lý phù hợp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/08/2018.

Ánh Tuyết