Những chú cá Sông Đà là khởi đầu mùa vụ

Nhắm tới khát khao của các nhà sản xuất tạm được xếp vào loại nhỏ khi chỉ đủ năng lực cung cấp các hàng hóa đặc sản theo thời vụ, năm 2018 Bộ Công Thương đã có một kế hoạch đặc biệt khi kết nối cung c

Ngày 30/6/2018, lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra Tuần lễ cá Sông Đà 2018. Người dân Thủ đô náo nức đi chợ ngắm nghía và chọn lựa cá, tìm hiểu về nguồn gốc, quy trình nuôi, các hoạt động biểu diễn sơ chế cá và trình diễn nấu nướng một số món ăn chế biến từ cá với tất cả niềm hứng khởi của lần đầu tiên trải nghiệm đặc sản mùa vụ của con sông Đà hùng vĩ. Đến với Tuần lễ cá Sông Đà bà con còn phấn khởi hơn khi biết thêm rằng: từ nay trở đi, sẽ liên tục có cơ hội được thưởng thức những đặc sản vùng miền như thế này.

Tuần lễ cá Sông Đà là sự kiện lần đầu tiên Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức nhằm hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng cá Sông Đà - đặc sản của tỉnh Hòa Bình, Sơn La, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng.

Nhưng những chú cá Sông Đà chỉ là khởi đầu mùa vụ, tiếp theo sẽ là các đặc sản của mọi vùng miền trên cả nước mà trước đó người tiêu dùng chỉ có thể được thỏa mãn khi đi du lịch qua vùng, miền đó và đặc biệt là trong tâm trạng “mông lung như một trò đùa” vì hầu như không có gì đảm bảo chắc chắn về mặt chất lượng sản phẩm. Nhắm tới khát khao của các nhà sản xuất tạm được xếp vào loại nhỏ khi chỉ đủ năng lực cung cấp các hàng hóa đặc sản theo thời vụ, năm 2018 Bộ Công Thương đã có một kế hoạch đặc biệt khi kết nối cung cầu cho các sản phẩm này được đặt chân vào sân chơi lớn mà họ hằng ao ước bấy lâu, là hệ thống các siêu thị lớn. Đặc biệt hơn, tất cả các đặc sản này đều được sự chứng nhận chất lượng của VietGAP hoặc chứng nhận organic của địa phương.

Thích thú khi được xem màn trình diễn bắt cá tươi

Đặc sản mùa vụ chính là nét mới của chương trình kết nối cung cầu của Bộ Công Thương năm 2018. Gọi là đặc sản vì chỉ có ở vùng đấy trong thời điểm ấy mới có món ấy. Các nhà tổ chức khi bắt đầu chương trình đã có suy nghĩ rất rõ ràng: cách đưa hàng vào siêu thị năm nay phải có hai khác biệt: thứ nhất phải là đặc sản, thứ hai phải an toàn. Rõ ràng, nhà tổ chức đã đặt mình vào vị trí của một người đi mua sắm. Ví dụ như ở các tỉnh phía Bắc thì nem chua là đặc sản, thế nhưng ai cũng ăn mà trong bụng lo lo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoặc ví dụ có những tỉnh có đặc sản truyền thống rất hấp dẫn như gỏi cá, gỏi thịt, thịt chua… vv… nhưng vì những lo ngại không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ nên đã bị bỏ quên. 

Khi Bộ Công Thương ra văn bản kêu gọi (Công văn số 3397/CTV- TTTN ngày 2 tháng 5 năm 2018 về việc kết nối thực phẩm an toàn và đăc sản vùng miền năm 2018) thì 63 tỉnh, thành phố gửi về đăng ký sản phẩm rôm rả, ví dụ như cá lăng sông Đà, cá ở biển hồ, có những thứ sơ chế, có những thứ tươi sống trong ngày… Rồi chẳng hạn như táo vùng Ninh Thuận đạt Vietgap rồi chẳng hạn, nhưng chỉ bán trong các siêu của vùng đó, giờ đưa vào các siêu thị lớn, rồi luân phiên hết mùa đặc sản này đến đặc sản mùa tiếp theo. Chỉ cần nhìn vào bản đăng ký đặc sản mùa vụ của các tỉnh đã thấy “chết thèm” như: cam xoàn, gạo thơm, mắm cá rô, mãng cầu gai, khô trâu... Đây là một ý tưởng nhằm hướng tới lợi ích của người tiêu dùng khi được sử dụng các sản phẩm thực phẩm đặc trưng của vùng miền theo đúng kiểu “mùa nào thức nấy”.

Ăn thử thoải mái rồi rinh cá về nhà

Thực hiện ý tưởng này thực sự Bộ Công Thương đã cho các doanh nghiệp nhỏ, lẻ những cơ hội lên kệ siêu thị lớn mà trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Để ý tưởng biến thành sự thật, Bộ Công Thương với vai trò và sự ảnh hưởng của mình phải làm việc với các siêu thị lớn như Big C, Lotte... để họ dành ra một góc đặc sản cho các đặc sản mùa vụ này, đó có thể như một chợ quê xinh xinh nằm ở trong các siêu thị. Bản thân các siêu thị rất thích các ý tưởng này vì đây chính là thêm một con đường dẫn hướng cho người tiêu dùng đến nhiều hơn với siêu thị của họ. Thật là hào hứng khi vào siêu thị ngoài việc thưởng thức đặc sản Tây Bắc còn được nhìn thấy các chị người Mường ngồi dệt cửi… Tất cả tạo ra một khung cảnh tái hiện nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất thú vị. Đi đầu trào lưu hưởng ứng này là hệ thống Siêu thị Tứ Sơn ở An Giang bởi đã nhiều năm nay họ đã làm thực hiện rất tốt điều này. Khách đến nườm nượp, quạt chả thơm lưng lên, nướng đặc sản cho nếm ngay tại chỗ… Rồi cứ thế lần lượt các đặc sản vùng miền đều được trình diễn. Long An trù phú thì thanh long, ổi lê đài loan, rau củ, khoai mỡ, thịt bò giống úc tại Việt Nam, chanh không hạt, chùm ngây… Chính cái cách bán hàng đặc sản theo kiểu mùa vụ đã kích thích vào tâm lý cố gắng tận dụng “cơ hội ngàn năm có một” của người tiêu dùng.

Người Hà Nội đang trong tuần lễ hào hứng với Tuần lễ cá Sông Đà. Và, những chú cá sông Đà tuần này chỉ là sự khởi đầu của cả một mùa vụ đặc sản của mọi vùng miền trên dải đất hình chữ S.


Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương:

Việc kết nối đưa các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, kể cả các hộ nông dân vào hệ thống phân phối bán lẻ, hiện đại chính là nét mới của Chương trình Tự hào Việt Nam trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Công Thương. Đến giờ đối với doanh nghiệp thì đây vẫn là kênh kết nối hữu hiệu nhất vì từ doanh nghiệp to đến bé đều mơ ước được hiện diện trên quầy kệ của những “ông lớn” trong ngành bán lẻ. 
Ở chiều ngược lại, sự kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp này vào các siêu thị lớn đã cho thấy điểm nhấn về sự xoay chuyển nhận thức của những ông lớn FDI về lợi nhuận của việc kinh doanh hàng Việt. Điển hình nhất là Lotte. Giai đoạn 2 năm đầu, Lotte bán hàng cực chậm vì bán đồ Hàn Quốc quá nhiều. Sau này nhận thức ra từ chính nhu cầu tiêu dùng, giá cả và chất lượng ngày càng tốt hơn của hàng Việt, bên cạnh đó cũng hiểu hơn về thị hiếu "dạo chơi" khi sử dụng hàng Hàn Quốc đắt tiền của người dân trên một đất nước có nền kinh tế nhiều khó khăn, Lotte đã chuyển hướng tỷ lệ 80% hàng Việt - 20% hàng Hàn Quốc thay vì tỷ lệ ngược lại. Và họ đã thắng. Tương tự như vậy là Aone và Big C. Bà Phó giám đốc Big C kiêm tổng giám đốc Big C miền Bắc đã từng tâm sự với tôi rằng: mọi người đã từng ngộ nhận rằng siêu thị FDI là để bán hàng ngoại, nhưng thực chất là có hàng ngoại chỉ để thể hiện sự phong phú, đa dạng thôi chứ thực ra chỉ đáp ứng một lượng nhu cầu cực thấp vì giá cao và nhu cầu rất ít so với nhu cầu rất thường xuyên đối với hàng Việt Nam”.