Những cuộc “cho đi” phiêu lưu ký

Đã tổ chức nhiều chuyến từ thiện lắm rồi nhưng toàn tập trung vào việc cứu trợ mà chưa bao giờ đoàn thiện nguyện của Tạp chí Công Thương có dịp tổng kết chuyện hậu trường khó khăn và cả những trận cườ

Tên với cả tuổi

Nhớ chuyến đi Hà Giang. Tại xã Cao Mã Pờ, quà tặng bà con dân tộc khó khăn là đôi lợn giống để bà con nuôi lớn rồi gây dựng thành cả đàn lợn giúp cho họ vừa có “cần câu” vừa có “con cá”. Trên sân khấu là các quan chức địa phương, các nhà tài trợ và ban tổ chức đang phát biểu, chia sẻ, ân cần. Giữa thời khắc trang trọng ấy, phía dưới là các cặp lợn chuẩn bị sắp thành bị từng đôi, các lợn chú lợn thím nằm trong bao tải từ sáng giờ được thả ra sướng quá ủn ỉn ầm ĩ và thi nhau… xả hàng khoan khoái đến nỗi Ban tổ chức dù rất sốt sắng cũng phải dừng lại vài nhịp để chờ. Nhìn lũ lợn giống khỏe mạnh, chắc như nắm cơm, mầu đen thẫm lần lượt được trao tay và lũn cũn đi theo ông chủ bà chủ mới bỏ lại đằng sau một bãi chiến trường đầy mầu sắc ai cũng không nhịn được cười.


Cũng tại chuyến đi này, vì cận Tết nguyên Đán, Tạp chí Công Thương lên kế hoạch tổ chức cho bà con ăn tết sớm bằng cách phục dựng tục lệ thi gói bánh chưng truyền thống. Không khí tất bật vô cùng, nào nếp nào đỗ nào thịt nào lá dong bầy la liệt trên các chiếu… Rồi củi, lửa tập nập người chuẩn bị cứ gọi là vui như tết. Và một phần không thể thiếu đó là các nghệ nhân gói bánh. Đến giờ bắt đầu rồi mà hình như một chiếu vẫn chưa thấy nghệ nhân đâu cả, tiếng loa rè phát ra giục giã: Mời nghệ nhân Vi Văn Lìn, nghệ nhân Lìn đâu, ông Lìn đâu, giời ơi giờ này mà ông còn đi đâu không biết, à đây rồi, mời nghệ nhân Lìn lên đây. Dân thành phố được một phen cười rung rốn vì cái tên rất chi là “tục giảm thanh”. Đến chuyến từ thiện ở huyện Gia Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nguyên phó bí thư Đoàn của Tạp chí Công Thương tên là Lan thường hay gọi là Lan còi vì rất nhỏ nhắn xinh xắn mỗi tôi cân vội được có hơn 40 kg. Thử thách không ngờ lại đặt ra cho Lan vào buổi đêm cả đoàn nghỉ chân tại nhà nghỉ Trung tâm chính trị thị trấn Gia Bình, trên đồi, ban ngày thì được phóng tầm mắt rất xa nhìn phong cảnh thị trấn phía dưới, nhưng ban đêm thì xung quanh quạnh vắng, gió thổi ào ào qua những ô cửa kính bị vỡ trống hoác. Và dĩ nhiên rất nhiều côn trùng chui vào nhà qua các lỗ thủng đó nên ai cũng phải mắc màn. Lan tìm mãi mới thấy dưới gầm giường một cây gậy có đóng ngược sẵn 2 cái đinh. Nhanh trí lắm nên Lan hiểu là hai cái đinh này sẽ được gắn vào thành giường bởi hai cái lỗ có sẵn nào đó. Thế là sau khi tìm ngay ra lỗ nàng lắp hờ hờ rồi đạp mạnh một phát, chuẩn lỗ, nể thật! Hôm sau ai cũng ra sờ nắn chân tay xem có lên được tí bắp nào không…

Nụ cười trao đi của Lan

Trong một chuyến đi khác, ngồi xe lâu quá mỏi lưng, tranh thủ lúc xe dừng, chị Loan đầu bếp say sưa uốn dẻo ôn luyện bài yoga để thư giãn ngay tại cửa xe ô tô. Không ngờ “phút múa cột” này của chị đã bị chị Thảo ghi lại rồi tung lên zalo. Bà con được một trận cười nghiêng ngả còm qua còm lại suốt vì tư thế “khó đỡ” của chị cùng thần thái càng nhìn càng thấy toát lên tinh thần “vượt khó” của học viên gương mẫu không quên tập luyện trên mọi địa hình.


Tín đồ yoga có tâm nhất vịnh Bắc Bộ

“Phi mỳ tôm bất thành từ thiện”

Cho con em mình tham gia đi từ thiện là một truyền thống tốt đẹp mà vài ba năm nay Tạp chí Công Thương đã thực hiện được. Bống học lớp 11, được mẹ Nga đồng ý đã rủ bạn Nguyên thân như hình với bóng đi cùng chuyến đi thiện nguyện. Hình như có ai đó đã từng nói “Phi mì tôm bất thành từ thiện” không rõ chỉ muốn nói rằng món mì tôm thường hay được mang đi cứu trợ hay còn bao gồm cả ý nghĩa là “Không (được ăn) mỳ tôm thì không là được đi từ thiện” vì bọn trẻ luôn thèm thuồng món ăn thần thánh này và mỗi khi đi cứu trợ đoàn đều xin tài trợ mỳ tôm thì kiểu gì “nhà trồng được” các bạn cũng sẽ được chén ké. Sở dĩ ban tổ chức biết được điều này vì chính các bạn nói ra. Một trong các bạn đó chính là bạn Tộ. Khi được “phỏng vấn” về ấn tượng của chuyến đi thăm và tặng quà Trường Tiểu học Bản Khoang ở Sa Pa là gì thì bạn ý liệt kệ ra nhiều lắm nhưng cuối cùng thì chốt: “Ôi các bạn ý sướng hơn con vì các bạn ý được ăn cả bát mỳ tôm Vifon to đùng. May mà con được đi chuyến này chứ không thì biết bao giờ con mới được thưởng thức hương vị của nó”.


Mỳ Vifon theo cô vào trường

Chuyến đi Lạng Sơn này cũng vậy. Vì tranh thủ thời gian nên cả đoàn ăn nhanh gói xôi cho bữa sáng, Chị Bống, chị Nguyên, chị Nai và em Mỡ tha thiết xin các mẹ vào quán bên cạnh úp hộp mỳ ăn nhanh, ai dè, vội vàng, trong lúc chắt bỏ nước cho thành món mỳ xào chị Bống vụng về đổ tuột cả cái lẫn nước đi toi xuống đất làm mẹ Nga tức không nói được lời nào. May mà vì chả có thời gian nên ai cũng khẩn trương tác nghiệp hộp khác để bê lên ô tô vừa đi vừa ăn. Kết thúc chuyến đi, về đến nhà rồi buổi tối nằm trên giường rồi Mỡ lại đề xuất với mẹ: Sáng mai mẹ lại cho con ăn mỳ nhé. Sáng hôm sau nằm trên giường bố mẹ bạn Mỡ nghe bạn í giảng cho anh của bạn í cách nấu mỳ không quên kể chuyện chị Bống đánh đổ hộp mỳ. Anh của Mỡ thì thào: Anh mà thế là anh nhặt lại ăn luôn đỡ phí!


                                         Bốn "tín đồ mỳ tôm" chụp ảnh cùng các bạn nhỏ

“Gia vị” mang tên bác tài

Còn một nhân vật không thể thiếu trong những chuyến thiện nguyện của chúng tôi, chính anh đã làm nên một không khí đặc biệt cho những chuyến đi thêm những trận cười không "nhặt được răng", đó là anh Đức Cao, bác tài của công ty du lịch mà lần nào chúng tôi cũng “đặt hàng”. Nhìn anh Đức Cao ai cũng trầm trồ vì có body cơ bắp và phong cách ăn mặc rất chi là “play boy” của cánh lái xe container mà ta vẫn thán phục trên phim nước ngoài, nhưng anh lại ăn nói rất nhẹ nhàng, vui tính. Trên xe anh trang bị cực kỳ đầy đủ các loại phương tiện điện tử để phục vụ quý khách yêu âm nhạc, đó là ipad, là blutooth, là micro, là wifi… sẵn sàng ca hát. Lần đầu tiên gặp anh chưa hết choáng vì sự chuyên nghiệp của anh thì tiếp tục “ngất trên cành quất” bởi giọng ca bolero ngọt ngào đến lịm người của anh. Tính tình vui vẻ, xốc vác, kinh nghiệm sống tràn đầy nhưng cực kỳ từ tốn, anh luôn là thành viên cứng của đoàn khiến chúng tôi không thể không yêu quý anh được. Đi từ thiện là phải vất vả khuân vác và ngoại giao đáp lễ bà con dân tộc, bác tài Đức Cao thoăn thoắt bốc vác và quán xuyến hàng hóa với sự vui vẻ hào hứng. Chặng đường đi xa như thế, đường lên vùng núi lại còn xấu tệ hại, hàng hóa thì lủng củng nhiều vô kể, vậy mà từng ấy chuyến đi với nhau chưa bao giờ thấy anh bực bội. Kể cả tình huống nguy hiểm nhất của chuyến đi vừa rồi, đường xấu đến nỗi rơi cả bánh xe phụ xuống đất mà xe đã đi qua cả trăm mét mới phát hiện ra, bác tài phải cùng với Bí thư Trung xuống khiêng về. 

Rất ngầu và rất nhiệt tình 
Nhưng tính hài hước của anh mới khiến chúng tôi té ghế. Một lần xe của đoàn phải tránh một xe khác, nhìn thấy bác tài của xe đó chị Loan lẩm bẩm với cô em gái làm cùng cơ quan: “Trông ông này giống chồng cái Tình thế nhỉ” thì ngay lúc đó hai xe đi qua nhau anh Đức Cao liền hỏi vống lên “Có phải chồng Tình không?”. Cả xe cười nôn ruột khi thấy ông tài xế xe bên kia dĩ nhiên chả nghe thấy gì nhưng cứ gật đầu lia lịa… Rồi những khi xe đi qua ngôi nhà sàn có dăm ba thiếu phụ mặc đồ dân tộc đứng ngẩn người nhìn xe ô tô thì bác tài vui tính lại thốt lên những câu đến chết vì cười đại loại: Đứng trên đấy làm gì mà cao thế, hoặc Mặc cái áo đẹp quá chồng mới mua cho hả... Có lần, đoàn đang đi thì bác tài thò cửa chổng mông gào lên “Bà Lìn ơi bà Lìn ơi, thò cái mặt ra đây xem nào”. Cả đoàn còn ngơ ngác và dấm dứt cười vì một lần nữa lại gặp cái tên “tục giảm thanh” đó thì đến đoạn bác tài gào tiếp “Có cà chua sạch bán không” trong sự ngơ ngác của khổ chủ bên đường là không ai nhìn được nữa, cười đến nỗi xe rung bần bật… Cứ thế những tràng cười, những chuyện vui rôm rả dải khắp đường thiên lý.Khi dừng tay lái là bác tài tự nguyện làm cameraman cho đoàn
Nói đến chuyện tài xế lại không thể không nhắc lại chuyến đi Hà Giang năm đó trời mùa đông, đoàn đi từ xã Thắng Mố ra lại thị trấn để nghỉ ngơi lúc trời đã nhá nhem tối và sương mù giăng khắp lối. Cả đoàn xe ai cũng lạ lẫm đường xá nên đều phát sốt phát rét khi bác tài cứ liên tục hỏi: Phía trước là đường hay là gì nhỉ? Sao em chả nhìn thấy cái gì thế nhỉ? Mãi đến khi xe ra khỏi con đường lạ lùng, sương đã bớt mù thì ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm. Chuyện về một bác tài thiếu chuyên nghiệp bi như thế nhưng lúc về đến nhà đã trở thành chuyện hài kỷ niệm cho một chuyến đi thiện nguyện không thể quên.

Toát mồ hôi giữa mùa đông lạnh giá

Nói đến chuyện tài xế lại không thể không nhắc lại chuyến đi Hà Giang năm đó trời mùa đông, đoàn đi từ xã Thắng Mố ra lại thị trấn để nghỉ ngơi lúc trời đã nhá nhem tối và sương mù giăng khắp lối. Cả đoàn xe ai cũng lạ lẫm đường xá nên đều phát sốt phát rét khi bác tài cứ liên tục hỏi: Phía trước là đường hay là gì nhỉ? Sao em chả nhìn thấy cái gì thế nhỉ? Mãi đến khi xe ra khỏi con đường khó khăn, sương đã bớt mù thì ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm. Chuyện về một bác tài thiếu chuyên nghiệp bi như thế nhưng lúc về đến nhà đã trở thành chuyện hài kỷ niệm cho một chuyến đi thiện nguyện không thể quên.



Nhưng cung đường khó khăn nhất khiến chúng tôi toát mồ hôi giữa mùa đông lạnh giá chính là chuyến đi đến với các bạn học sinh nghèo Trường Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Lũng Luông, tỉnh Thái Nguyên. Đường đi rất vất vả, đường xấu kinh khủng, ô tô của đoàn không lên được vì mấy hôm trước trời mưa, đường đất lầy lội, bùn quánh dẻo ngập sâu lút bánh xe. Tại UBND xã, anh em đã định hạ đồ xuống để trao tại xã nhưng rồi sau khi thăm dò tình hình và nghĩ đến cả chặng đường dài đã vượt qua, giờ chỉ cần cố lên một chút là được tới tận nơi, chúng tôi lại bốc đồ lên xe để vào tận trường trên đỉnh núi. Phải thuê một xe tải chuyên dụng để chở đồ, nhưng chưa hết, đường đi do quá trơn nên phải rải hàng chục bao tải trấu để chống trơn trượt. Cả đoàn không kể nam nữ gầy béo phải ngồi hết trên thùng xe, thậm chí cả nóc xe vì chỗ tốt đã nhường cho hàng. Đường giống như độc đạo, một bên là núi và một bên là vực sâu. Thần kinh mọi người ai cũng căng như sợi dây đàn. Giữa lúc đó anh Tuấn còi buột mồm đổ một câu: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, chưa chắc xuân này con đã về được đâu mẹ ơi”. Nghe câu hát, hot boy Tưởng da đã đen chợt tím tái, nhợt nhạt hơn hẳn vì nó lo câu hát của ông Tuấn còi là điềm gở mà trở thành sự thật. Tưởng rên lên: “Em xin anh đấy, anh đừng hát như thế nữa, nhà em độc đinh, em lại là con cầu tự”. Dù đang rất căng thẳng nhưng không ai nín được cười vì cái thằng nhát gan. Cả đoàn được một trận nhớ đời và ấn tượng về một chuyến đi không thể nào quên, về một ngôi trường mà các con hàng ngày hàng giờ phải sống trong sự ngặt nghèo, gian khó đến thế cứ mãi ám ảnh chúng tôi. Thật may, Trường Lũng Luông sau đó  nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng và nhờ vậy Trường đã được xây lại và hiện nay trường đã rất khang trang, các con cũng đỡ vất vả hơn.

Chẳng thể kể hết những gian nan, vất vả, hiểm nguy của mỗi chuyến đi nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng lên đường, để được sẻ chia, được cho đi và để nhận về những niềm vui, trong đó không thể thiếu những trận cười đến mệt lả.


Thuy Miny