Những điểm mới về hoạt động cho vay áp dụng tại các tổ chức tín dụng của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

ThS. HÀ THỊ TRÚC LAN (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2017 và thay thế 08 văn bản liên quan sau: Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001; Quyết định số 28/2002/QĐ-NHNN ngày 11/01/2002; Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005; Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/05/2005; Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/04/2010; Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011; Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 08/10/2011 và Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014.Vì vậy, việc nắm bắt những điểm mới đáng chú ý về hoạt động cho vay từ ngày 15/03/2017 là rất cần thiết, nhất là đối với các TCTD.

Từ khóa: Hoạt động cho vay, tổ chức tín dụng, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN

I. Đặt vấn đề

Hoạt động cho vay đóng vai trò rất quan trọng, đây là nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu của ngân hàng, mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng phát triển. Mặt khác, nhờ hoạt động cho vay mà các đơn vị kinh tế thiếu vốn có thể vay của ngân hàng để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đứng trước vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động cho vay, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định cụ thể về hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Thông tư mới này được ban hành nhằm khắc phục những bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, thực hiện các quy định tại các luật liên quan như Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, Luật Các tổ chức tín dụng 2010; đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Đây được coi là cơ sở quan trọng nhằm giúp các TCTD đưa ra các quy định nội bộ nhằm phát triển và quản trị rủi ro hoạt động cho vay của mình.

Do vậy, Thông tư mới này có tác động rất lớn đối với hoạt động của cácTCTD cũng như với vai trò quản lý hoạt động tiền tệ và tín dụng của NHNN. Vì vậy, các TCTD cần quán triệt nội dung Thông tư này để hoàn thiện những quy trình nội bộ theo quy định mới cho phù hợp, nhằm đảm bảo việc cho vay được thông suốt và thuận lợi.

II. Một số điểm mới của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

Thông tư 39/2016/TT-NHNN được ban hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Theo đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Về chủ thể vay vốn

Theo quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.

Khác với quy định tại Quyết định số 1627nêu trên, trên cơ sở quy định của BLDS 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại BLDS 2015 và Thông tư39/2016/TT-NHNN, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

2. Về mục đích vay vốn

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN không giới hạn mục đích vay vốn như Quyết định 1627 mà chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác.

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).

3. Về nhu cầu không được cho vay

So với quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quyết định 1627 và kế thừa các quy định hiện hành tại Quyết định 1627, bổ sung một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

4. Về lãi suất

Trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cụ thể về lãi suất cho vay như sau:

Thứ nhất, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên doThống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư39/2016/TT-NHNN.

Thứ hai, Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thứ ba, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãitrên phần dư nợ gốc quá hạntương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: Nợ gốc đến hạn không trả được và nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.

5. Về thời hạn cho vay

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm. Quy định này đã thay đổi thời hạn vay tính theo ngày của các loại cho vay. Cụ thể: (Xem bảng)

Theo Quyết định 1627, thời hạn vay được tính từ khi khách hàng nhận vốn vay cho đến thời điểm khách hàng trả hết nợ và lãi vốn vay.

Thực hiện quy định của BLDS 2015 về cách tính thời hạn, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định thời hạn cho vay được tính từ ngày tiếp theo của ngày TCTD giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến hết ngày khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại BLDS 2015 về thời điểm bắt đầu thời hạn.

Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNNcũng quy định thời hạn cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng vay; đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

6. Về điều kiện vay vốn và hồ sơ vay vốn

Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi sau đây: (i) Bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; (ii) Bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Về hồ sơ vay vốn, kế thừa quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN trao quyền cho TCTD hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TDTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống.

7. Về đồng tiền cho vay và trả nợ

Khác với quy định tại Quyết định 1627 không quy định cụ thể đồng tiền cho vay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cụ thể TCTDvà khách hàng thỏa thuận về việc cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định rõ đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.

8. Về phí liên quan hoạt động cho vay

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã kế thừa các quy định về 4 loại phí được thu tại Thông tư 05/2010/TT-NHNN về phí và bổ sung thêm một loại phí là “phí cam kết rút vốn” từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Đây là loại phí mà thông lệ quốc tế, các TCTD đều được thu để bù đắp chi phí thu xếp vốn cho vay của TCTD, hạn chế trường hợp khách hàng đã ký kết thỏa thuận về cho vay và được TCTD bố trí nguồn vốn để vay nhưng không thực hiện rút vốn.

9. Về minh bạch hoạt động cho vay

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của TCTD, trong đó đáng chú ý là: Thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

10. Về thứ tự thu hồi nợ gốc lãi

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung quy định cụ thể thứ tự thu nợ đối với gốc và lãi theo hướng TCTD và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Riêng đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

11. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

So với Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đãquy định cụ thể hơn về trường hợp cơ cấu thời hạn trả nợ bao gồm điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ vay.TCTDxem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

12. Về chuyển nợ quá hạn

Theo Quyết định 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được TCTD đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thìtoàn bộsố dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn. Quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi của người vay và quyền tự chủ của TCTD. Do vậy, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối vớisố dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạntheo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cụ thể về giải thích từ ngữ, nguyên tắc cho vay, yêu cầu đối với quy định nội bộ, thẩm định và quyết định cho vay, miễn giảm lãi, phí, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn, các phương thức cho vay...

III.Những ảnh hưởng của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đến các TCTD

Có thể nói, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có khá nhiều quy định mới quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả TCTD và khách hàng. Thông tư mới này có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các TCTD lẫn khách hàng. Thông tư mới đã nêu rõ TCTD có thể thỏa thuận về lãi suất với khách hàng. Cụ thể, TCTD và khách hàng sẽ thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng; trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Với thông tư mới, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được nới lỏng hoàn toàn.Điều này giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Đây là một tín hiệu tốt cho cả TCTD lẫn khách hàng. Bởi mức lãi suất này sẽ được dựa trên quy luật của thị trường, được cả hai bên bàn bạc và thảo luận đi đến thống nhất. Cũng phù hợp với khả năng đi vay của khách hàng và cân đối lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của TCTD.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu niêm yết lãi suất theo năm trong hợp đồng cho vay sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về mức lãi suất mà họ phải trả, là căn cứ để khách hàng có thể so sánh, cẩn trọng hơn khi quyết định đi vay. Mục tiêu của điều khoản này là nhằm bảo vệ khách hàng cũng như minh bạch hóa hoạt động của các TCTD.

Đồng thời, Thông tư mới cũng đưa ra quy định nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho vay, góp phần giúp giảm thiểu chi phí và phát triển hoạt động cho vay của TCTD, ví dụ như việc bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TDTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống.

Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng bổ sung thêm những phương thức cho vay mới. Đây là một bước tiến lớn trong việc đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định pháp luật với thực tế hoạt động cho vay trên thị trường. Đồng thời, các phương thức cho vay mới cũng đáp ứng những thông lệ quốc tế, đảm bảo lộ trình hội nhập, mở cửa của ngành Ngân hàng. Đối với các TCTD và khách hàng vay vốn, các phương thức cho vay mới đã đem đến sự thuận tiện và giảm thiểu chi phí hơn so với các quy định trước đây.

Tuy nhiên, những quy định mới này cũng đặt ra một số thách thức cho các TCTD. Các quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn… đã buộc các TCTD phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động của các TCTD vì số lượng khách hàng rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động. Các TCTD phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng, quy trình cho vay... Điều này khiến các TCTD phải chạy đua với thời gian và tốn kém không ít chi phí để chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp nhằm tuân thủ các quy định mới.

Tóm lại, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có tác động rất lớn đối với hoạt động của các TCTD. Vì vậy, các TCTD cần nắm bắt những điểm mới của Thông tư để hoàn thiện những quy trình nội bộ, nhằm đảm bảo việc cho vay được thông suốt và thuận lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.

3. Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12.

4. Quốc hội, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

NEW POINTS FOR LENDING ACTIVITIES OF CREDIT

INSTITUTIONSOF CIRCULAR NO.39/2016/TT-NHNN

MA. HA THI TRUC LAN

Faculty of Finance and Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

On December 30, 2016, The State Bank of Vietnam issued Circular No.39/2016/TT-NHNN to promulgating regulations on lending activities of credit institutions. The Circular took effect from March 15, 2017 and replaced 08 relevant documents as :Decision No.1627/2001/QD-NHNN dated December 31, 2001; Decision No.28/2002/QD-NHNN dated January 11, 2002; Decision No. 127/2005/QD-NHNN dated February 03, 2005; Decision No. 783/2005/QD-NHNN dated May 31, 2005; Circular No.12/2010/TT-NHNN dated April 14, 2010; Circular No.05/2011/TT-NHNN dated March 10, 2011; Circular No.33/2011/TT-NHNN dated October 08, 2011 and Circular No.08/2014/TT-NHNN dated March 17, 2014. Therefore, it is important for enterprises to know about the new lending activities which are applied for credit institutions from March 15, 2017.

Keywords: Lending activity, credit institutions, Circular No.39/2016/TT-NHNN, Decision No.1627/2001/QD-NHNN.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây