Những vấn đề về môi trường Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh miền núi với điều kiện tự nhiên khá đa dạng của ba vùng sinh thái: đồng bằng, trung du, vùng núi, nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn, là cửa ngõ nối liền đồng bằng với các tỉnh phía Bắc Tây

1 - Mục tiêu môi trường của Phú Thọ đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020

Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu, chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đây được xem là giải pháp, nhằm phát triển kinh tế gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, khắc phục, tiến tới kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái; đảm bảo chất lượng môi trường sống.  

Phú Thọ luôn coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xác định đúng và phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác môi trường. Tỉnh tập trung cải thiện môi trường ở vùng đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, làng nghề; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng; xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho bảo vệ môi trường...    

Mục tiêu môi trường của Phú Thọ đến năm 2015 là: 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sạch hoặc có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải bệnh viện được thu gom xử lý tập trung. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu 30% số gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu dân cư có thùng rác tập trung; phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường... Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường thông qua việc hoàn thành cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị, nước thải khu, cụm công nghiệp; 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; phục hồi 100% các khu vực khai thác khoáng sản theo đề án được duyệt, độ che phủ rừng đạt trên 50%... Phú Thọ còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường và phục hồi hệ sinh thái; tiến tới ngăn chặn và kiểm soát mức độ gia tăng ô nhiễm ở giai đoạn năm 2015 – 2020; tất cả đô thị, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, phấn đấu có 30% chất thải thu gom được tái chế.       

Từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh tập trung ngăn chặn cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh chủ động kiểm soát và xử lý môi trường bằng việc hạn chế nhập khẩu và lưu hành các loại phương tiện giao thông, máy móc đã quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong việc bảo vệ môi trường...  

2 - Những vấn đề môi trường bức xúc

Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá nhanh đạt bình quân 10%/năm, với cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 27,6% - công nghiệp 38,1% - dịch vụ 34,36% đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh, nhưng cũng đã có những tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái của tỉnh, đặc biệt là chất thải do sản xuất công nghiệp và đô thị. Là tỉnh có nền công nghiệp phát triển khá sớm, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội từ thế kỷ trước đã hình thành ba khu công nghiệp chính là: Việt Trì; Bãi Bằng - Lâm Thao; Thanh Ba - Hạ Hoà. Phần lớn các cơ sở công nghiệp của tỉnh đều sử dụng hệ thống công nghệ cũ từ những thập niên 60 của thế kỷ trước, qua thời gian sử dụng thiết bị máy móc cũ rão, sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiên liệu thải ra nhiều chất thải như nước thải, khí thải, chất thải rắn .... với sự thiếu đồng bộ hoặc không có công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải vào môi trường đã gây tác hại xấu đến chất lượng môi trường khu vực xung quanh

Hiện nay, môi trường nước mặt ở Phú Thọ đang ô nhiễm ở mức báo động do tiếp nhận nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 6 triệu m3/năm, đặc trưng ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, NH4+, coliform…Theo báo cáo, Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao và Công ty Ắc quy - Pin Vĩnh Phú mỗi ngày thải 12.000 m3 nước thải, Công ty Pang Rim neotex thải 2100 m3 nước thải/ngày, Công ty Giấy Việt Trì thải 2000 – 2500 m3 nước thải/ngày. Hầu hết các nhà máy sản xuất và khu đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc nếu có thì việc xử lý chưa đạt hiệu quả. Nước thải sinh hoạt chảy theo các mương, cống rãnh tập trung rồi đổ vào các ao, hồ, sông. Hàm lượng BOD5 trong nước thải đô thị tại khu vực Thành phố Việt Trì khoảng 65 mg/l, tại thị xã Phú Thọ khoảng 54 mg/l.  

Chất lượng nước các đầm, ao, hồ trong các khu công nghiệp và đô thị cao hơn nhiều so với các ao hồ ít chịu tác động bởi sản xuất công nghiệp và thành thị. Đặc biệt là nước đầm lầy Hạ Hoà, do ảnh hưởng nước thải của Công ty Giấy Lửa Việt nên nước bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối, hàm lượng BOD5 lên tới 180 – 670 mg/l (vượt Tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 7 – 27 lần), COD từ 350 – 790 mg/l (vượt TCCP từ 10 – 23 lần). Các đầm, hồ tại Thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao, huyện Thanh Ba, huyện Thanh Sơn cũng có dấu hiệu ô nhiễm, hàm lượng các chất hữu cơ vượt TCCP từ 2 – 3 lần.

Ở tỉnh Phú Thọ thì vấn đề về môi trường không khí bị ô nhiễm hiện nay chủ yếu là bụi và khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt. Theo tính toán, tổng lượng phát thải vào không khí trong năm 2004 khoảng 500 tấn bụi, 1.200 tấn SO2, 500 tấn CO, 150 tấn NO2. Ô nhiễm không khí chủ yếu được sinh ra từ các ngành công nghiệp: vật liệu xây dựng, hoá chất, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, ô nhiễm bụi chưa phải ở mức cao vì nồng độ bụi lơ lửng từ 0,33 – 0,42 mg/m3, vượt 1,1 – 1,4 lần TCCP.

Có lẽ nhiều người dân đánh giá môi trường thông qua việc nhìn thấy chất thải rắn (CTR). Người ta ước tính lượng CTR phát sinh ở Phú Thọ khoảng 400 nghìn tấn/năm (theo số liệu năm 2009 thì: tổng lượng chất thải rắn đô thị 232.773,13 tấn/năm; chất thải rắn nông thôn 3.559 tấn/năm; chất thải rắn công nghiệp 130.304 tấn/năm; chất thải rắn nguy hại: 48.000 tấn/năm (trong đó có cả rác thải Y tế nguy hại).
          Tình hình thu gom và quản lý CTR mới chỉ thực hiện ở các đô thị và một số thị trấn. Đối với các hộ nông thôn trong tỉnh chưa có biện pháp thu gom rác thải tập trung mà chỉ do các gia đình tự đổ vào ao, hồ hoặc chôn lấp ở vườn. Đối với rác thải công nghiệp, việc thu gom và xử lý cũng chưa đạt hiệu quả, các doanh nghiệp chủ yếu tự thu gom và xử lý tại cơ sở. Đặc biệt, vấn đề môi trường ở các làng nghề đáng báo động. Tại một số các làng nghề như: Chế biến thực phẩm An Thọ, sản xuất tương Dục Mỹ, chế biến rắn Tứ Xã, chế biến nông lâm sản Tiền Phong, chế biến thực phẩm Việt Tiến… cũng đang bị ô nhiễm khá nặng về môi trường nước. Nguồn nước thải từ các hộ làm nghề không được xử lý triệt để và thải trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước của làng. Những chất thải sinh hoạt, chất thải từ các dịch vụ, sản xuất: Xay xát, nấu rượu, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi cá, đốt gạch… đều tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt những năm gần đây, do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân ngày càng tăng, song ý thức chưa cao nên các loại bao bì, túi ni lon, lọ đựng thuốc bị vứt bừa bãi ra ruộng, kênh mương, lề đường, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây ngộ độc đối với người, gia súc, gia cầm và các loại thủy sản.

Một vấn đề bức xúc nữa là tại các khu công nghiệp Thuỵ Vân và Trung Hà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và không có thiết bị, dụng cụ thu gom và địa điểm tập trung chất thải rắn thông thường và độc hại. Đặc biệt tại khu công nghiệp Thuỵ Vân hiện đã có 44 dự án đã được cấp phép đầu tư, trong đó có 39/44 cơ sở đã hoạt động, nhưng chỉ có 22 cơ sở thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Nước thải tại khu công nghiệp này có khối lượng khoảng 1.500 m3/ngày đêm, màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, không được xử lý, thải trực tiếp ra sông Hồng, gây ô nhiễm rất nghiêm trọng .

3 -  Thách thức môi trường của tỉnh Phú Thọ

Theo các chuyên gia thì vấn đề môi trường của tỉnh Phú Thọ có nhiều thách thức, nhưng xin nêu một vài thách thức tiêu biểu:

- Công tác quy hoạch, thu gom và xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Môi trường không khí đã và đang bị ô nhiễm, đặc biệt tại khu công nghiệp Việt Trì, Thuỵ Vân và khu vực xã Thạch Sơn.

- Môi trường nước mặt đã có dấu hiệu ô nhiễm do chất thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và nước thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường.

- Năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá (nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí).

4 – Một vài khuyến nghị

- Tỉnh Phú Thọ cần có kế hoạch cụ thể và quyết tâm cũng như tìm đủ kinh phí để thực hiện những mục tiêu về môi trường đã đề ra cho năm 2015 và năm 2020.  

- Tỉnh Phú Thọ nên sớm quy hoạch các khu vực xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý các nguồn chất thải phát sinh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường nhằm từng bước cải thiện môi trường của địa phương.

- Tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ môi trường./.