Những xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2018

Lĩnh vực công nghệ đang chứng kiến không ít sự đổi mới, sáng tạo và nhanh chóng chuyển từ phần mềm ứng dụng tiêu dùng sang kinh doanh và ngược lại. Vì thế, điều quan trọng là các công ty không ngừng t
Theo tờ CXO Today, một số xu hướng công nghệ thông tin được dự báo sẽ gây tác động mạnh đến doanh nghiệp trong năm 2018 này.

Từ đám mây đến đám mây

Điện toán đám mây vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng công nghệ thông tin, thể hiện qua việc có ngày càng nhiều “đám mây” được sử dụng trên toàn cầu. Khi số lượng công ty cung cấp dịch vụ dựa trên đám mây gia tăng, hệ sinh thái đám mây sẽ trở thành điểm hội nhập được ưa thích, thay vì các hệ thống truyền thống được cài đặt trên máy tính doanh nghiệp.

Một trong những lợi ích của việc tích hợp các đám mây là sự lược giản đáng kể nhu cầu về dịch vụ công nghệ thông tin tại doanh nghiệp. Hơn nữa, các dịch vụ hỗn hợp tiên tiến từ nhiều nhà cung cấp sẽ được tạo ra và triển khai thông qua các API (giao diện lập trình ứng dụng) hỗ trợ nhiều dịch vụ, như phân tích dữ liệu, quản lý nội dung và lưu trữ. 

Điều này giúp rút ngắn thời gian “thai nghén” và tung sản phẩm ra thị trường. Bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ dựa trên đám mây cũng được khuyên là cần tìm hiểu các cơ hội tích hợp vào những dịch vụ có liên quan để tăng thêm giá trị cho khách hàng và đối tác.

Học sâu và học máy

Người ta bắt đầu nhận ra một cách đầy đủ các lợi ích của các công nghệ học sâu (deep learning) và học máy (machine learning). Nhờ sức mạnh xử lý và thuật toán phức tạp, chúng ta giờ đây có thể phân tích nhiều dữ liệu trong các khung thời gian hợp lý. Sự hữu hiệu của những công nghệ này được thể hiện rõ và ấn tượng nhất trong những tính năng như nhận biết hình ảnh, giọng nói và hỗ trợ việc ra quyết định.

Trong thời gian tới, chúng còn sẽ phát huy tiềm năng trong lĩnh vực bảo mật và an ninh, như cải thiện chất lượng của việc “đọc” những sự chuyển động trong video, khuôn mặt, theo dõi cá nhân và nâng cao khả năng ngăn chặn các lời báo động giả. 

Nó sẽ hỗ trợ trong hoạt động thiết kế hệ thống, thiết lập cấu hình, tối ưu hóa và quản lý thiết bị. Ngoài ra, khi ứng dụng ngày càng được hoàn thiện, có nhiều cơ hội sử dụng công nghệ phân tích dự đoán để giúp ngăn ngừa những chuyện không hay, như khủng bố, tai nạn, nạn ăn cắp trong cửa hàng…

Dịch vụ cá nhân hóa cao

Một trong những ứng dụng tiềm năng của công nghệ học sâu (deep learning) là cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cao. Chẳng hạn như khi một khách hàng đặt chân vào cửa hàng, khuôn mặt của họ được nhận biết ngay lập tức. Sau đó, thông tin khuyến mãi - dựa trên những lần mua hàng trước đó, sở thích hoặc thậm chí lịch sử duyệt web gần đây - được gửi đến thiết bị di động của họ.

Code Eight, một công ty con của nhà bán lẻ Walmart (Mỹ), gần đây đã thử nghiệm một dịch vụ mua sắm cá nhân dành cho “những người mẹ bận rộn” ở thành phố New York. Mục đích của dịch vụ là giúp người sử dụng nhận được những sự gợi ý về sản phẩm và mua sắm thông qua tin nhắn. Tuy nhiên, những dịch vụ loại này cũng nêu bật nỗi lo ngày càng tăng về vấn đề riêng tư và cách các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng.

An ninh mạng

Việc tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh mạng Internet, hệ thống mạng doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ không hề ngơi nghỉ vì tội phạm mạng sẽ không bao giờ thôi tìm cách khai thác lỗ hổng trong bất kỳ công nghệ mới nào. Với số lượng thiết bị có thể kết nối Internet gia tăng theo cấp số nhân, những lỗi tiềm ẩn cũng gia tăng với tốc độ tương tự. Nếu không được vá lỗi kịp thời, những lỗ hổng này sẽ bị tội phạm mạng khai thác để tiến hành các vụ tấn công gây nhiều thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp.

Năm 2018 chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công và lỗ hổng hơn nữa, đòi hỏi sự chủ động và một quy trình hệ thống để bảo đảm các bản vá lỗi được thực hiện ngay khi chúng có sẵn.

Nền tảng IoT

Nền tảng Internet kết nối mọi thứ IoT cho phép các thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau cùng tồn tại và dễ dàng trao đổi thông tin để hình thành những hệ thống thông minh sử dụng cơ sở hạ tầng mạng có sẵn. 

Không ít doanh nghiệp, gồm những tên tuổi thành danh và cả những công ty mới, cho phép các nền tảng hỗ trợ nhiều thiết bị IoT khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có những tiêu chuẩn quốc tế mới để cho phép sự tương tác giữa các nền tảng IoT khác nhau.

Thành phố thông minh

Khái niệm thành phố thông minh không phải là quá mới. Trong vài năm qua, có đủ loại thiết bị tích hợp các bộ cảm biến được sử dụng với số lượng ngày càng nhiều trong môi trường đô thị, giúp ích cho việc thực thi pháp luật hoặc giám sát chất lượng không khí. Xu hướng sử dụng bộ cảm biến để tạo ra nhiều môi trường sống động, bền vững và an toàn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhất là khi ngày càng có nhiều người sống tại thành phố.

Không dừng lại ở đó, một thành phố thông minh thực sự sẽ kết hợp thông tin, dữ liệu, thông tin liên lạc và xu hướng Internet kết nối mọi thứ IoT theo một cách an toàn để quản lý những “tài sản” của thành phố, như hệ thống thông tin dữ liệu của chính quyền, trường học, thư viện, hệ thống giao thông, bệnh viện, nhà máy điện, mạng lưới cấp nước, quy trình quản lý rác thải, việc thực thi pháp luật, những dịch vụ khẩn cấp và các dịch vụ cộng đồng khác.

Hầu hết dịch vụ này lâu nay thường hoạt động tách biệt, làm cản trở nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố thông minh. Một đô thị chỉ có thể thực sự “thông minh” khi tất cả dữ liệu của nó là mở và sử dụng được trên mọi dịch vụ. Việc đối phó với những sự thách thức ở khu đô thị đòi hỏi sự phối hợp phân tích những khối dữ liệu có sẵn để đưa ra những cách thức ứng phó phù hợp và có hiệu quả.

Trợ lý ảo

Với sự đón nhận của người tiêu dùng, những trợ lý ảo như Amazon Alexa, Google Assistant, Siri của Apple, Cortana của Microsoft… đều trở thành những công nghệ giúp người sử dụng quản lý cuộc sống hàng ngày. Hướng phát triển khó tránh sắp tới là những công nghệ tương tự sẽ bắt đầu tìm đường vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Lý do là nhân viên trong các tổ chức doanh nghiệp hay người sử dụng nói chung muốn có những sự hỗ trợ về công nghệ tại nơi làm việc không khác gì khi họ ở nhà.

Thực tế tăng cường

Là công nghệ chèn vật thể ảo vào thế giới thật quanh chúng ta, thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) đã tồn tại trong một số lĩnh vực như quân sự và hàng không. Giờ đây, AR đang cho thấy tiềm năng to lớn của nó trong việc kinh doanh, nhất là khi công nghệ này hiện diện trên thiết bị di động và các thiết bị mang trên người (wearables). Một trong những cơ hội rõ ràng cho AR trong lĩnh vực kinh doanh là giúp đỡ công việc cài đặt và bảo trì các giải pháp công nghệ. Những hướng dẫn trực quan có thể được chồng lên tầm nhìn của chuyên gia kỹ thuật trong thế giới thực để hỗ trợ họ làm việc.


Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn