Nỗi niềm “trai cao thế…”

Tiếng đọc thơ nghêu ngao của những người thợ đang dựng cột, lắp dây trên công trình Đường dây 110 kV Hà Đông - Sơn Tây dường như càng tha thiết hơn trong bóng chiều chạng vạng.

“Anh không có quặng đồng, quặng sắt để gửi tặng em như những chàng trai địa chất gửi người yêu

Khi lên cao bắt puly chống sét, anh gửi tình anh theo ngọn gió chiều

Thế đó em ơi làm trai cao thế

Mỗi cột dựng nên là mỗi bước xa nhà…”

Thi đua 55 ngày đêm nước rút

55 ngày đêm nước rút

Tuyến đường dây 110 kV Hà Đông - Sơn Tây, truyền tải điện từ TBA 220kV Hà Đông đến các trạm 110kV Sơn Tây, Phúc Thọ, Phùng Xá để cấp điện cho toàn bộ phía Tây Hà Nội, hiện đang được Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (Vneco) thi công cải tạo khắc phục tình trạng quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong khu vực.

Đặc thù của tuyến này là phải cắt điện cô lập đường dây mới triển khai thi công cải tạo được khiến nhà thầu phải chịu áp lực lớn, trong thời gian ngắn cắt điện phải vừa tháo dỡ cột cũ, vừa đúc móng bằng 100% bê tông tươi và dựng cột kéo dây mới. Do đó mỗi đợt cắt điện để triển khai thi công, đòi hỏi Tổng công ty phải tập trung lực lượng nhân công và máy móc thiết bị, để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo an toàn về người và vật tư thiết bị trong suốt thời gian thi công.

Dựng cột

Cùng chúng tôi vào thị sát tận chân các công trình, ông Trần Văn Huy – Phó tổng giám đốc Vneco cho biết, để đảm bảo tiến độ thi công giai đoạn 1 (từ ngày 07/4-31/5/2017), hoàn thành tháo dỡ cột cũ để đúc móng, dựng cột 31 vị trí mới và hoàn thiện kéo dây từ xã Trạch Mỹ Lộc - huyện Phúc Thọ đến xã Thanh Mỹ - thị Xã Sơn Tây, Tổng giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn Vneco đã phát động chiến dịch thi đua 55 ngày đêm nước rút với mục tiêu “Tiến độ - Chất lượng – An toàn lao động”. Cụ thể, Tổng giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn Tổng công ty sẽ khen thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu, hoàn thành trước tiến độ đối với khối lượng công việc mà đơn vị đã ký kết với Tổng công ty và đảm bảo các mục tiêu thi đua đã đề ra, mức thưởng từ 500.000-5.000.000 đồng.

Hối hả thi công

Hiện nay, Tổng công ty cũng đang tập trung lực lượng, khẩn trương triển khai thi công hoàn thiện công trình Nhánh rẽ vào trạm 220 kV Sơn Tây, đấu nối vào điểm cuối của đường dây 110 kV Hà Đông – Sơn Tây.

Trót yêu cái nghiệp đường dây

Vào những ngày căng nhất của chiến dịch thi đua 55 ngày đêm nước rút, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo Công trình DZ110kV Hà Đông - Sơn Tây, chúng tôi đã có dịp đến thăm và tặng quà anh em công nhân đang thi công trên tuyến. Từ điểm nọ đến điểm kia cách nhau vài cây số, xe chúng tôi luồn lách trong những con đường làng nhỏ hẹp, có những đoạn cuốc bộ theo sườn dốc lầy lội, trơn trượt để vào tuyến.

Hoàn thiện

Trên vị trí số 150 do Đội thi công Công ty Vneco 4 đảm nhiệm hôm nay vắng hơn thường lệ. Anh Nguyễn Văn Giáp – Đội trưởng Đội thi công cho biết, thời tiết giao mùa khá khắc nghiệt, hôm qua nắng quá nên đội có 12 anh em, thì 4 anh bị cảm, hôm nay phải nằm nhà, chỉ còn mấy anh em trên tuyến. Thời gian làm việc cũng tùy vào thời tiết. Hôm nào nắng quá phải làm sớm, có khi 9-10h sáng đã phải nghỉ, chiều muộn mới làm tiếp. Hôm nào mát trời thì làm được đến 11h trưa mới nghỉ. Tại công trình, anh em dựng tạm lán nghỉ che mưa, che nắng, đến bữa có người lo cơm. Đêm cắt cử nhau ở lại lán trông thiết bị. Còn lại tối về nhà dân quanh công trình nghỉ trọ. Dân công trình “đầu đội trời, chân đạp đất”, chuyện thế là thường.

Duy chỉ có điều “đằng sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, thì với các chàng trai làm nghề xây lắp đường dây cao thế, đằng sau họ là những người phụ nữ biết hy sinh. Bởi công to, việc lớn trong nhà, đối nội, đối ngoại, một tay họ lo toan, thu vén. Như Nguyễn Văn Giáp, 12 năm lênh đênh trong nghề, cơm đường cháo chợ, mãi vừa cưới được người vợ hiền thì lại nhận nhiệm vụ lên đường làm công trình DZ110 kV Hà Đông - Sơn Tây. Quê ở Nam Đàn, Nghệ An, đường sá xa xôi, Giáp bảo từ Tết đến giờ chưa được về thăm vợ. Cầu nối tình yêu duy nhất của hai vợ chồng là chiếc smartphone mà họ cùng nhau trò chuyện mỗi tối cho vơi nỗi nhớ, nỗi nhọc nhằn, nỗi buồn của mồ hôi và nước mắt mặn đắng. Thương vợ, nhưng Giáp bảo, đã lấy chồng đường dây, thì người phụ nữ phải biết hy sinh và chấp nhận thôi. Không chỉ vợ Giáp, mà những người vợ khác cũng đều chấp nhận và hy sinh như vậy.

Vóc người nhỏ bé, nhanh nhẹn, ít ai nghĩ ông Trần Xuân Hòe là công nhân già nhất tuyến. Quê Thanh Hóa, hơn 20 năm qua, người đàn ông 52 tuổi này đã đặt dấu chân của mình đến hầu hết mọi miền đất nước theo những công trình. Ông quan niệm rất giản dị, mỗi người mỗi nghề, gắn bó rồi yêu nên chấp nhận. Nên lúc nào rảnh thì ở nhà với vợ con, khi có việc là lên đường. Tình già nên không như Giáp, ông Hòe chỉ thỉnh thoảng mới gọi về, riết rồi quen, đời ông là những chuyến đi.

Nụ cười hiền của ông Trần Xuân Hòe - người đàn ông già nhất tuyến

Gắn bó và lăn lộn với anh em trên công trình từ khi bắt đầu đi khảo sát thực địa, anh Dương Văn Bình – Phó Chủ tịch Công đoàn Vneco chia sẻ, một trong những yêu cầu của anh em làm việc trên tuyến là phải có máy phát điện, không phải để thắp sáng mà để sạc điện thoại. Do đó, với các công trình như ở đây anh em ở nhà dân đã có điện thì thôi, còn với các công trình trên núi, không có điện lưới là các công ty đều trang bị máy phát để anh em sạc điện thoại, giữ liên lạc với người thân. Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê trọ và tiền tàu xe về thăm nhà. Tất cả những điều đó là để giữ chân người lao động trong thực tế thu nhập của công nhân đường dây còn chưa cao, trung bình hơn 6 triệu đồng/tháng.

Rời công trình khi mặt trời lặn xuống thấp hơn sau mấy bụi tre, hắt lên chùm sáng màu cam đỏ, anh em công nhân bắt đầu thu dọn đồ đạc, tiếng nghêu ngao của ai đó vọng lên, “Thế đó em ơi làm trai cao thế…” càng làm chúng tôi thêm quyến luyến. Nỗi niềm của những “chàng trai cao thế” hẳn cũng là niềm đau đáu của hậu phương, nơi những người phụ nữ chỉ có thể bên người mình yêu thương khi tuổi đã xế chiều.


Hồ Nga