Petrolimex Sài Gòn: 40 năm liên tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị hiện đại

Ngày nay, ai có dịp về thăm Công ty Xăng dầu khu vực II đều vui mừng trước sự thay đổi to lớn trong nhiều hoạt động của Công ty sau 40 năm thành lập và phát triển. Điều này được thấy rõ nhất trong việ

PV: Thưa ông, năm nay Petrolimex Sài Gòn kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Là một cán bộ gắn bó nhiều năm với Công ty, xin ông vui lòng cho biết những thành tựu của Petrolimex Sài Gòn đạt được trong những năm qua?

Hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của Petrolimex Sài Gòn gắn liền với quá trình lớn mạnh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với từng giai đoạn phát triển, đổi mới và hội nhập của đất nước.

Trong suốt chặng đường đó, Petrolimex Sài Gòn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao: giữ vững vai trò chủ đạo trong tổ chức kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm dầu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; không ngừng đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực và tiên phong áp dụng thành công các chuẩn tiên tiến để quản trị rủi ro, nâng cao năng suất và gia tăng hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh (SX-KD).

PV: Thưa ông, được biết việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại và áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến là yếu tố then chốt tạo nên những thành công của Petrolimex Sài Gòn hôm nay. Xin ông vui lòng cho biết những việc cụ thể trong quá trình đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) 40 năm qua tại Petrolimex Sài Gòn?

Công ty Xăng dầu khu vực II được thành lập ngày 17/9/1975, trong Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, từ cơ sở vật chất cũ của 3 hãng xăng dầu là: Esso, Shell và Caltex, với tổng sức chứa 250.000 m3 và 6 cầu tàu nhập xuất. Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn, do cấm vận của Mỹ nên trang thiết bị đều được sử dụng lại và thay thế một số bằng thiết bị của Liên Xô, Trung Quốc. Bắt đầu từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, ngành Xăng dầu cũng đổi mới mạnh mẽ, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, cải tạo, hiện đại và áp dụng nhiều tiến bộ và ứng dụng KHCN mới.

Tôi xin điểm lại quá trình áp dụng KHCN và trang thiết bị mới tại kho dầu và cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Sài Gòn 40 năm qua như sau:

Tại Kho dầu, nếu trước đây toàn bộ bồn bể cũ được xây dựng bằng móng cừ tràm, đệm cát, sau thời gian sử dụng, bồn lún nhiều và lún nghiêng, gây nguy cơ mất an toàn do biến dạng gây ra nứt đáy và thành bồn, phồng mái và nguy cơ rò rỉ xăng dầu và khả năng cháy nổ cao. Từ năm 1997, Công ty bắt đầu thử nghiệm xây bồn móng cọc bê tông bằng phương pháp ép, đảm bảo các bồn không bị lún nghiêng và nhất là dung tích của bồn được nâng lên đến 10.000m3, 12.000m3 và lớn nhất là 16.000m3, loại trừ được nguy cơ nghiêng lún, rò rỉ xăng dầu của bồn, gây cháy nổ, lại gây hao hụt xăng dầu lớn.

Trước năm 1975, tại kho có 1 bồn chứa nhỏ với dung tích là 1.000m3 có kết cấu mái phao để tồn chứa xăng. Từ năm 1997, thấy rõ cần thiết phải bảo vệ môi trường và giảm hao hụt do xăng dầu bay hơi, Công ty đã lắp đặt phao nổi cho các bồn chứa xăng và sau đó là một số bồn chứa KO, DO, Jet A1. Đến nay, tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đã có 72 bồn thì 23 bồn đã được lắp đặt phao nổi. Qua tính toán và thực tế đo lường, đối với bồn loại 10.000m3, nếu lắp đặt phao nổi khi chứa đầy và nhiệt độ cao, một ngày giảm lượng hao hụt trên 700 lít xăng so với tại các bồn chứa xăng dầu đã lắp đặt thiết bị đo dầu tự động, cảnh báo tràn dầu. Đây là thiết bị tự động tiên tiến có thể kiểm soát mức dầu, nhiệt độ dầu và cảnh báo tràn dầu trong bồn. Thiết bị này đã giảm việc đo dầu bằng thủ công, vừa chính xác, vừa đỡ vất vả cho người lao động.

Đơn vị thiết kế, thi công và sử dụng kiểm tra áp lực để chuẩn bị lắp đặt bồn 2 lớp tại Cửa hàng xăng dầu số 11

Thứ hai, về công nghệ xuất nhập xăng dầu. Từ năm 2005, Công ty đã lắp đặt cần xuất dầu đầu tiên cho cầu 1A, sau đó là cầu 4B, cầu 2C và kho A (1998-2005), vận hành cần xuất chỉ cần 2 công nhân thay cho hàng chục công nhân. Như vậy, sử dụng cần xuất thay cho ống mềm vừa giảm công nhân vận hành, vừa an toàn và gọn gàng cho các cầu tàu. Ngoài ra, năm 1994, Công ty bắt đầu lắp đặt lưu lượng kế điện tử ở kho C, sau đó kho B (năm 1998) và kho A (năm 1999) với độ chính xác cao và được khách hàng đánh giá tốt; Lắp đặt bồn và hệ thống pha chế xăng E5; Lắp thiết bị trộn khuấy xăng dầu; Lắp đặt thiết bị thu hồi hơi cho bên xuất bộ...

Thứ ba, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các kho xăng dầu và cửa hàng xăng dầu để đảm bảo an toàn SXKD là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vì xăng dầu là loại nhiên liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Để phòng cháy, tại các nhà hóa nghiệm xăng dầu, Công ty đều lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, tại các khu vực bến xuất bộ, lắp đặt camera báo cháy kết nối với Trung tâm kiểm soát PCCC. Để sẵn sàng chữa cháy, cùng với 7 trạm bơm PCCC bố trí ở 3 kho A,B,C chữa cháy cho toàn Tổng kho, còn lắp đặt hệ thống tưới mát, hệ thống Foam chữa cháy cố định đến từng bồn chứa và các trạm bơm, cầu tàu xuất nhập và bến xuất bộ. Trong đó, việc lắp đặt Monitor chữa cháy nước và hệ thống tạo Foam là áp dụng tiên tiến mà các kho dầu của các hãng lớn như Shell, BP sử dụng.

Cửa hàng xăng dầu số 30 có lắp đặt hệ thống nhập dầu kín, đo bồn tự động và áp dụng thực hành 5S

Thứ tư, trong công nghệ xử lý nước thải (XLNT) nhiễm dầu, Công ty đã cải tạo và đầu tư hệ thống XLNT cho từng kho theo hướng tập trung và kiểm soát chặt chẽ nước thải khi xả ra bên ngoài. Đến nay, nước thải đã được kiểm soát chặt chẽ tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, đáp ứng tiêu chuẩn xả thải.

Trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu: Với sức chứa tăng lên 730.000m3 và lượng hàng hóa qua kho 4,5 triệu tấn/năm, số lượng tàu vào nhập hàng và nhận hàng ngày càng tăng. Để đảm bao an toàn chống tràn dầu và xử lý sự cố tràn dầu, cháy nổ, Công ty đã thành lập Đội Dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu với 20 cán bộ công nhân viên cùng 02 tàu, hàng ngàn mét phao cố định và di động, thiết bị hút tràn dầu dưới nước, trên cạn. Khi tàu vào nhập, nhận hàng đều được rải phao quay và trực sẵn sàng, xử lý sự cố theo phương án đã được Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt. Tại các cửa hàng xăng dầu, một trong những áp dụng công nghệ mới hiệu quả tại các cửa hàng xăng dầu đó là lắp đặt hệ thống nhập kín và trang bị cột bơm điện tử, thiết bị đo dầu tự động; Lắp đặt hệ thống nhập kín xăng dầu, đo bồn tự động tại tất cả 65 cửa hàng hạn chế tối đa lượng hơi xăng dầu thoát ra từ van thở, đảm bảo an toàn môi trường và giảm nguy cơ cháy nổ; Thay thế toàn bộ cột bơm xăng cơ khí bằng cột bơm điện tử, cột bơm điện tử vừa chính xác, đảm bảo quyền lợi khách hàng và khi nối mạng theo dự án EGAS-ERP sẽ giúp quản lý hàng hóa tại các cửa hàng một cách tập trung và chính xác hơn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ quản lý mới đã thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty như ISO, OHSAS, 5S và gần đây nhất là phần mềm quản lý ERP cho kho dầu và EGAS-ERP cho cửa hàng xăng dầu, mang lại hiệu quả to lớn trong toàn Công ty.

PV: Là một cán bộ có thâm niên trong công tác KHCN của Công ty, xin ông chia sẻ ý kiến của mình về những định hướng phát triển KHCN của Petrolimex Sài Gòn trong thời gian tới?

Trước hết phải khẳng định, quá trình đổi mới KHCN và áp dụng trang thiết bị hiện đại luôn song hành cùng hoạt động SX-KD của Công ty và góp phần to lớn tạo nên thành công của Petromilex Sài Gòn ngày nay. Cùng với phát triển không ngừng của Công ty, quá trình đổi mới KHTK cũng diễn ra liên tục chưa một ngày ngừng nghỉ, đồng thời với đó là đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN của Công ty đã trưởng thành về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, tư tưởng. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư đã có nhiều đóng góp quan trọng trong kết quả nghiệm thu, ứng dụng về các lĩnh vực chống tràn dầu, khắc phục sự cố tràn dầu, chống bay hơi xăng dầu, chống tĩnh điện trong quá trình nhập xuất xăng dầu, ứng dụng từng bước tự động hóa và tin học vào quá trình nhập - xuất - giao nhận xăng dầu bảo đảm an toàn, đo đếm chính xác; thủ tục chứng từ và số liệu nhanh hơn, chính xác hơn,… từ đó góp phần tạo nên hiệu quả SX-KD.

Có thể nói rằng hoạt động đầu tư KHCN Petrolimex Sài Gòn đang đi rất đúng hướng, có hiệu quả. Phát huy thành tựu đạt được, trong thời gian tới, Petrolimex Sài Gòn sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến, giải pháp ứng dụng KHCN vào SX-KD, PCCN, bảo đảm an toàn môi trường, an toàn cho người lao động trực tiếp, đem lại các hiệu quả thiết thực và cao hơn nữa cho đơn vị.

PV: Vâng, xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này!