Phân cấp quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật

ThS. Hoàng Đình Hiển (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa)

TÓM TẮT:
Bài báo bàn về thực tiễn phân cấp quản lí nhà nước đối với cơ sở đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp đẩy mạnh phân cấp quản lí nhà nước đối với cơ sở đào tạo này. Theo quan điểm cá nhân, tác giả trình bày một số ý kiến về việc phân cấp quản lí giáo dục ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật với mong muốn góp phần định hướng cho việc thực hiện công tác này trong thời gian tới.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, phân cấp, cơ sở đào tạo nghệ thuật.

1. Đặt vấn đề
Giáo dục (GD) và quản lí giáo dục (QLGD) là vấn đề nhận được sự quan tâm của mọi quốc gia trên thế giới. Công tác QLGD từ góc độ quốc gia đến các cấp địa phương và cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đều có những ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chính sách GD, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng GD.
Ở Việt Nam, do cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã làm cho GD trở nên “lạc hậu”, “cứng nhắc”, hiệu quả GD không cao, đầu ra không đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vấn đề đổi mới GD nói chung và công tác QLGD nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục nước nhà” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra. Để nâng cao hiệu quả QLGD thì việc phân cấp quản lý đối với GD là một trong những yếu tố quyết định. Phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lí hành chính nhà nước cùng cấp được xem là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính ở nước ta.
Trong hệ thống GD, các cơ sở đào tạo nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển chung của xã hội. Thế nhưng, điều này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một trong những nguyên nhân là do công tác QLGD còn yếu kém, vì vậy cần phải đẩy mạnh phân cấp quản lí trong GD, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
2. Phân cấp quản lý đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật
2.1. Phân cấp quản lý
Hiện nay, có một số quan niệm khác nhau xung quanh khái niệm “phân cấp”. Theo một số tác giả, phân cấp chính là phân quyền giữa trung ương và địa phương. Phân cấp là phân ra, chia thành các cấp, các hạng. Có ý kiến cho rằng, cần phân biệt “phân cấp quản lý” với một số khái niệm gần với nó là phân công, phân nhiệm, phân quyền vì “phân công và phân nhiệm đều để chỉ sự xác định quyền hạn, trách nhiệm cả theo chiều ngang và chiều dọc. Thông thường, người ta sử dụng khái niệm phân công để chỉ quan hệ theo chiều ngang với dụng ý phân biệt nó với phân cấp. Nếu phân quyền được hiểu là phân giao quyền hạn cho một cơ quan hoặc một cấp chính quyền nào đấy thì thực ra sử dụng thuật ngữ phân công và phân cấp là đầy đủ và chính xác hơn”.
Dưới góc độ ngôn ngữ, “cấp” được hiểu là loại hạng trong một hệ thống (xếp theo trình độ cao thấp, trên dưới). Từ đó, phân cấp quản lý được cắt nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lý cho cấp dưới, quy định nhiệm vụ và quyền hạn cho mỗi cấp. Như vậy, ở đây có hai nội dung cần lưu ý là chuyển giao thẩm quyền cho cấp dưới và xác định thẩm quyền của mỗi cấp trong đó.
Bản thân khái niệm phân cấp phải hàm chứa trong đó nội dung phân định thẩm quyền của từng cấp hay nói một cách khác, phân định thẩm quyền là tiền đề cho việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn (hoặc rộng hơn nữa, điều chỉnh khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của mỗi cấp chính quyền).
Trên cơ sở những lập luận đó, có thể đưa ra khái niệm về phân cấp quản lý nhà nước như sau: Phân cấp quản lý nhà nước là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
2.2. Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo
Phân cấp quản lý giáo dục là “quá trình thiết kế lại hệ thống và các quy trình trách nhiệm, quyền hạn và tính tự chịu trách nhiệm trong hệ thống giáo dục. Việc thiết kế lại hệ thống và quy trình này có nghĩa là: Xác định lại và phân công lại các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cấp (trung ương, tỉnh , huyện, trường) cũng như quy trình quan hệ trong công việc giữa các cấp khác nhau, giữa các cơ quan có liên quan thuộc khu vực nhà nước và phi nhà nước”. Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo được quy định cụ thể tại: Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục năm 2009; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, ngày 21/4/217 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Thông tư liên tịch số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trên cơ sở các văn bản nêu trên, phân cấp về quản lý trong giáo dục và đào tạo được thể hiện ở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, đó là: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các cấp.
2.3. Cơ sở đào tạo nghệ thuật
Cơ sở đào tạo là một cơ sở giáo dục thực hiện chức năng giảng dạy, giúp cho người học tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời giáo dục phẩm chất đạo đức, thái độ học tập cho học sinh để họ trở thành người lao động có kỷ luật, kỹ thuật, năng suất và hiệu quả cao.
Cơ sở đào tạo nghệ thuật là cơ sở đào tạo thực hiện các công tác giảng dạy và đào tạo các sinh viên và học viên về nghề nghệ thuật.
2.4. Nguồn nhân lực giảng viên nghệ thuật
Có thể nhận định, đội ngũ giảng viên là tập hợp những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Họ được tập hợp thành lực lượng thống nhất, có chung nhiệm vụ là thực hiện mục tiêu đào tạo, có chung nghĩa vụ được quy định của nhà nước và xã hội, có chung lợi ích về vật chất và tinh thần.
Đội ngũ giảng viên đại học ngành nghệ thuật có đặc thù riêng là, vừa tham gia công tác giảng dạy - giảng viên, vừa tham gia hoạt động nghệ thuật (sáng tác, biểu diễn) - nghệ sĩ. Hai hoạt động trên được tiến hành song song, có tác dụng bổ trợ lẫn nhau, song cũng có thể ảnh hưởng, tác động tiêu cực lẫn nhau.
3. Thực trạng phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục
3.1. Những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo
- Về tư duy quản lý giáo dục - đào tạo: Chậm được đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, nên chưa có quyết sách kịp thời cho một số vấn đề mới liên quan đến giáo dục do thực tiễn cuộc sống đặt ra.
- Về việc phân cấp quản lý giáo dục có nhiều chồng chéo, đặc biệt là mơ hồ trong cơ chế phối hợp giữa các ngành giáo dục và đào tạo với các ngành chức năng.
- Về việc quản lý về tài chính: Thiếu một công thức phân bổ chuẩn mực và rõ ràng cho giáo dục - đào tạo; Chưa bảo đảm sự công bằng trong phân bổ ngân sách chi thường xuyên của giáo dục - đào tạo.
- Về bộ máy quản lý ngành giáo dục - đào tạo: Bộ máy quản lý giáo dục còn nặng nề, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
- Công cụ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo đó là pháp luật. Tuy nhiên việc ban hành cũng như thực thi nó còn nhiều hạn chế. Quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục chưa được coi trọng, còn buông lỏng quản lý. Chất lượng đào tạo của ngành Giáo dục là một trong những vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của dư luận và cộng đồng xã hội.
- Công tác quy hoạch, kế hoạch giáo dục và đào tạo còn nặng tính hình thức.
3.2. Nguyên nhân của những yếu kém, bất cập của giáo dục - đào tạo và quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo
3.2.1. Nguyên nhân chủ quan
- Trình độ quản lý giáo dục chưa theo kịp với thực tiễn và nhu cầu phát triển khi nền kinh tế đang chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Cơ chế quản lý của ngành GD-ĐT chưa hợp lý.
- Nội dung, phương pháp giáo dục còn nhiều bất cập.
3.2.2. Nguyên nhân khách quan
- Những năm qua, giáo dục - đào tạo nước ta chịu một sức ép rất lớn về nhu cầu học tập ngày càng tăng do dân số và trình độ dân trí tăng, song lao động dư thừa nhiều, khả năng sử dụng lao động của nền kinh tế còn hạn chế.
- Chậm trễ trong việc cải cách hành chính nhà nước, đổi mới quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng lao động, chính sách tiền lương… là những yếu tố cản trở việc giải quyết có hiệu quả những vướng mắc của ngành Giáo dục trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển giáo dục.
3.3. Những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo
- Quản lý nhà nước đối với giáo dục nước ta đặt trong hoàn cảnh vừa phải chấp nhận sự chưa hoàn thiện của thị trường, vừa phải chịu áp lực của tư duy kế hoạch, chỉ huy quan liêu còn nặng nề.
- Sức ép trong quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo đối với đầu vào và đầu ra của giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
- Quản lý nhà nước đối với giáo dục của nước ta diễn ra trong xu thế quy mô hóa giáo dục đào tạo ở tất cả các loại hình đào tạo, ngành học, ngày càng tăng nhưng bộ máy điều hành còn nhiều bất cập và bị phân tán.
- Quản lý nhà nước đối với giáo dục ở nước ta diễn ra trong trạng thái: Cơ sở đào tạo muốn được tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm song cấp quản lý “trên” ở một số nơi không muốn giao quyền cho cấp "dưới”.
- Quản lý nhà nước đối với giáo dục - đào tạo của nước ta diễn ra trong trạng thái chênh lệch khá lớn về phát triển kinh tế - giáo dục của các vùng đất nước. Xu thế của nền kinh tế tri thức với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi chất lượng nguồn nhân lực của nước ta rất thấp. Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo còn phải chịu sức ép giữa cung và cầu.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phân cấp quản lí nhà nước ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật
4.1. Xã hội hóa giáo dục đại học
Xã hội hóa giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là chủ trương đúng đắn, đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Với hình thức xã hội hóa, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đã phát triển nhanh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Đặc thù của các cơ sở đào nghệ thuật lại càng đòi hỏi sự tập trung cao của các nguồn lực trong xã hội nhằm tìm kiếm và ươm mầm những “nghệ sĩ” trong tương lai.
4.2. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học
Theo Điều 32 Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học được xem là bước cơ bản để chuyển hoàn toàn tư duy bao cấp sang tư duy năng động, sáng tạo trong quản lý đại học. Cơ chế này sẽ bắt buộc các trường năng động, phát huy năng lực sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
Giáo dục đại học trước hết cần thoát khỏi tư duy bao cấp để đào tạo những con người năng động, biết thích nghi với mọi môi trường công tác, có thể cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho mình và tạo ra việc làm cho người khác trên thị trường lao động. Khi các cơ sở đào tạo được tự chủ, sáng tạo ra cách làm mới thì họ cần phải biết ranh giới được phép làm để phát huy hết năng lực, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng trong toàn hệ thống. Tự chủ đại học thể hiện sự trưởng thành của hệ thống. Khi đội ngũ quản lý ở các nhà trường chưa kịp đổi mới tư duy thì mục tiêu mà chúng ta mong muốn đạt được trong đổi mới quản lý vẫn còn rất xa vời. Ví dụ điển hình nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Qua kiểm tra, có trên 2/3 số trường vi phạm quy định. Hoặc như các trường ngoài công lập có quyền tự chủ trong đầu tư, quản lý tài chính tài sản nhưng nhiều trường sau nhiều năm hoạt động vẫn tạm bợ cả về cơ sở vật chất và đội ngũ… Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, quyền lợi của người học chưa thực sự là mối quan tâm hàng đầu của các trường khi thực hiện quyền tự chủ. Vì vậy, để đảm bảo đạt được mục tiêu tự chủ đại học, Luật Giáo dục đại học quy định quyền tự chủ được giao cho các trường phải phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
4.3. Vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục đào tạo
Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục đại học có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, Luật Giáo dục đại học quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng.
Để khuyến khích các cơ sở giáo dục đào đại học huy động ngày càng nhiều các nguồn lực đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng, cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực, nâng cao tính cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Theo Luật Giáo dục đại học, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.
Khi kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch; bình đẳng, bắt buộc, định kỳ (Điều 49 Luật Giáo dục đại học).
Theo Điều 51 Luật Giáo dục đại học, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học là: Chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo; được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Với các điều khoản chặt chẽ, Luật Giáo dục đại học khi đi vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục những vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực để đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
4.4. Kế hoạch hóa trong quản lý giáo dục
Một tập thể lao động, trong đó mọi người liên kết với nhau hoạt động thực hiện nhiệm vụ của tập thể mình và của bản thân mình. Nhiệm vụ cốt yếu của người quản lý là làm thế nào để mọi người biết nhiệm vụ của mình, biết phương pháp hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của tổ chức. Đấy là chức năng kế hoạch hóa của nhà quản lý. Kế hoạch hóa bao gồm việc xây dựng mục tiêu, chương trình hành động, xác định từng bước đi, những điều kiện, phương tiện cần thiết trong một thời gian nhất định của cả hệ thống quản lý và bị quản lý.
Quản lý giáo dục thường xuyên chịu sự chi phối của các nhân tố bên trong và bên ngoài. Những thay đổi về số lượng, chất lượng liên quan đến giáo viên, học sinh; những tác động của kinh tế thị trường, của mở cửa, hội nhập; những mặt tích cực, tiêu cực của xã hội; những thiên tai, bão lụt,… là những biến đổi không lường hết. Chính những biến đổi đó tác động đến giáo dục và quản lý giáo dục, làm cho việc lập kế hoạch trở thành tất yếu. Mặt khác, nếu lập kế hoạch cho một thời gian càng dài, người cán bộ quản lý càng ít có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của kế hoạch. Thậm chí ngay trong tương lai gần, cũng không dám chắc là không có đột xuất xảy ra. Đó là khi nhà quản lý không thấy được xu thế vận động do những tác động quản lý của mình gây ra. Việc lập kế hoạch cho phép nhà quản lý tập trung chú ý vào các mục tiêu. Thực chất của việc lập kế hoạch là nhằm đạt mục tiêu của tổ chức, cũng là mục tiêu của hoạt động quản lý. Kế hoạch sẽ giúp nhà quản lý có cái nhìn tổng thể, toàn diện, qua đó thấy được hoạt động tương tác giữa các bộ phận. Mặt khác, nhà quản lý qua việc lập kế hoạch có thể nhìn thấy tương lai, có thể phải điều chỉnh những quyết định trước đó, bảo đảm hướng vào mục tiêu đã định.
5. Kết luận
Giáo dục và đào tạo là một hoạt động xã hội rộng lớn có liên quan trực tiếp đến lợi ích, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân, mọi tổ chức kinh tế - xã hội, đồng thời có tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển nhanh hay chậm của một quốc gia.
Phân cấp quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật có những tính chất đặc thù, nên tác giả bài viết đề xuất một số những giải pháp trọng điểm sau: Một là, cần phải hoàn thiện thể chế pháp luật về giáo dục - đào tạo nói chung và hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực của giáo dục đào tạo nói riêng như chế độ học phí; quy định về tự chủ, tự chịu trác nhiệm của các cơ sở đào tạo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…; Hai là, phải hoàn thiện tổ chức của một số cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động giáo dục và đào tạo; Ba là, hoàn thiện cơ chế phân cấp cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hiến pháp 2013;
2. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015;
3. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục năm 2009;
4. Luật Giáo dục đại học năm 2012;
5. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
6. Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, ngày 21/4/217 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
7. Thông tư liên tịch số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
8. Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011- 2020”.

DECENTRALIZING THE STATE MANAGEMENT OF ART TRAINING ESTABLISHMENTS

MA. Hoang Dinh Hien

Thanh Hoa University of Culture, Sports and Tourism

ABSTRACT:

This article discusses the practice of decentralization of state management of arts and technology institutions in Vietnam and provides solutions to promote the decentralization of state management of this institution. From his personal point of view, the author presents some ideas on the decentralization of education management in art institutions with the desire to contribute to orienting the implementation of this work in the future.

Keywords: State management, decentralization, art education.