Phân loại rác thải tại nguồn: Hiệu quả tích cực từ thành phố Quy Nhơn

Thành phố Quy Nhơn - là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bình Định. Với vị thế thuận lợi về địa lý, thành phố biển Quy Nhơn đang thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp phát triển đô thị và du lịch

Trước nguy cơ quá tải… 

Hiện nay, thành phố Quy Nhơn có 17 xã phường nội thành, gần 300.000 dân với lượng rác phát sinh hơn 200 tấn mỗi ngày, chỉ có khoảng 5% lượng rác thu gom được phân loại để tận thu rác hữu cơ chế biến thành phân compost, còn lại hầu hết là rác thải chiếm 95% được đem chôn lấp tại khu vực Long Mỹ, cách trung tâm thành phố về hướng Tây Nam gần 18km. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác của thành phố rất hạn hẹp, bãi chôn lấp hiện tại đang báo động quá tải, hơn nữa việc quy hoạch bãi chôn lấp mới ngày càng khó khăn do mặt bằng và những ảnh hưởng về môi trường đối với các khu vực dân cư.

Thành phố đang triển khai thực hiện việc quản lý chất thải rắn theo xu hướng bền vững, tăng cường rác tái chế, tái sử dụng, giảm diện tích đất chôn lấp. Bằng việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) nhằm tận thu rác hữu cơ để sản xuất phân compost, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy chế biến rác thành phân compost Long Mỹ. Biện pháp PLRTN được triển khai thí điểm tại các nguồn rác lớn trong thành phố như: cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, thương mại, siêu thị, khu công nghiệp, bệnh viện, chợ, cơ quan, trường học… gọi là đối tượng “không thuộc hộ gia đình” trong đó gồm: 19 chợ, 67 nhà hàng khách sạn, 27 bệnh viện, 58 trường học, 45 cơ quan.

Hơn 1 năm triển khai thực hiện PLRTN từ ngày 02/5/2012 đến nay, với quy mô 216 đơn vị không thuộc hộ gia đình tham gia, hoạt động PLRTN đã thu được kết quả khá ấn tượng có thể làm tiền đề tốt để nhân rộng đến các đối tượng khác trong toàn thành phố.

Mở hướng xử lý tích cực:

Được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố về đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phối hợp với các biện pháp hành chính, các đơn vị được chốt danh sách đã tự giác tham gia, Ban quản lý các chợ đã triển khai hưởng ứng, kể cả các cơ quan trung ương trú trên địa bàn. Khối lượng và thành phần rác phát sinh tại 216 đơn vị bình quân đạt trên 26 tấn/ngày. Thành phần rác được tự chia tại đơn vị thành 02 loại cơ bản: rác hữu cơ và rác còn lại vô cơ. Trong đó, thành phần hữu cơ thu được chiếm khoảng 16 tấn/ ngày, chiếm 60%. Đó là các loại rác dễ phân hủy sinh học: thức ăn thừa, xác súc vật, lá cây, vỏ trái cây, rau củ quả, xác lá trà, bột cafe…. 

Một số chất thải có chứa thành phần nguy hại quy định trong danh mục chất thải nguy hại như bùn trong hệ thống xử lý nước thải, vải lau dính dầu mỡ, dầu thải, acqui, pin, các thiết bị điện tử, điện lạnh, máy in, bóng đèn huỳnh quang, dung môi hữu cơ, vỏ chai chứa hóa chất, dầu mỡ xe máy, thuốc bảo vệ thực vật, rác thải y tế được phân loại riêng.

Rác còn lại là các loại rác vô cơ như giấy, nhựa, túi nilông, thủy tinh, vải vụn, khăn, sành sứ, kim loại, xốp, cao su, da, băng bỉm, xỉ than, đất, cát,…

Ngoài 216 cơ sở được chốt bắt buộc phải phân loại rác, thành phố còn vận động thêm 170 hộ cá thể, doanh nghiệp; tận thu được khối lượng vỏ dừa, bả mía, hôm mì, dăm gỗ khoảng 14-19 tấn/ngày.

 Các đơn vị phân loại tại nguồn đã tự trang bị 3 loại thùng rác theo thể tích tùy theo khối lượng rác thải hàng ngày của đơn vị với quy định màu sắc khác nhau:

 Thùng rác màu xanh chứa rác thải hữu cơ;

Thùng rác màu xám chứa rác vô cơ;

Thùng rác màu cam (hoặc đỏ) chứa rác có thành phần nguy hại, rác thải y tế .

Việc thu gom rác trên địa bàn đã được giao cho Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn đảm nhiệm. Rác hữu cơ được thu gom hàng ngày bằng việc bố trí 05 xe đặc chủng, bình quân vận chuyển 06 chuyến/ngày; riêng các ngày 14 và ngày 30 âm lịch, khối lượng rác phát sinh tăng thêm 01 chuyến thu gom rác ở các chợ, theo lộ trình cụ thể.

Rác còn lại thu gom chung với rác chưa phân loại, trong đó rác vô cơ các chợ, nhà hàng khách sạn thu gom hàng ngày; và thu gom cách nhật đối với các đơn vị còn lại theo hợp đồng.

Riêng đối với rác thải y tế nguy hại: có lịch thu gom theo phương án riêng.

Và kết quả bước đầu:

 Khối lượng rác thu gom tại các đơn vị thực hiện PLRTN bình quân trong ngày tăng lên: 16,1 tấn rác hữu cơ và 10,32 tấn rác vô cơ. Trong đó, khu vực các chợ có lượng rác thải cao nhất 12,29 tấn/ngày rác hữu cơ chiếm gần 50% và 4,54 tấn rác vô cơ, tiếp đến là khu vực nhà hàng khách sạn, các trường học, cơ quan và bệnh viện.

 Toàn bộ lượng rác hữu cơ được phân loại đã được đưa vào nhà máy chế biến phân Compost Long Mỹ: 34,99 tấn/ngày, đạt 117% kế hoạch.  

Qua thực hiện PLRTN cho thấy đây là hoạt động môi trường mang tính khả thi, do công tác tuyên truyền, giám sát được thực hiện liên tục và có biện pháp bắt buộc, cương quyết kịp thời đối với những đơn vị chưa triển khai nghiêm túc. Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn ngừng hợp đồng vận chuyển rác nếu rác không được phân loại tại nguồn.

Lợi ích trước mắt mà PLRTN mang lại trong giai đoạn vừa qua là: chất lượng rác đầu vào nhà máy sản xuất phân compost có thành phần hữu cơ cao, giảm tải cho việc phân loại rác trên dây chuyền phân loại tại nhà máy, tỷ lệ phân compost thu được cao hơn và giảm tỷ lệ rác chôn lấp so với trước khi thực hiện PLRTN.

Định hướng lâu dài cho một Quy Nhơn sạch

Để duy trì và nhân rộng thực hiện PLRTN tại thành phố Quy Nhơn đạt hiệu quả, có tính khả thi và mang tính bền vững, trong thời gian tới, thành phố cần duy trì thực hiện một sô nội dung:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp biện pháp hành chính để duy trì hoạt động trên. Công tác này giao cho UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở.

Hai là, xây dựng cơ chế bắt buộc thực hiện PLRTN cho các đối tượng không thuộc hộ gia đình địa bàn thành phố Quy Nhơn. Mở rộng đến các hộ gia đình. Có cơ chế khen thưởng để khuyến khích các đơn vị và gia đình thực hiện tốt.

Ba là, tăng cường đầu tư các thiết bị, xe chuyên dùng đủ năng lực để thu gom rác không để tồn rác dài ngày tại các khu vực dân cư, nhất là trong mùa mưa bão. Với mạng lưới tuyên truyền viên hiện tại: cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng truyền thông và hỗ trợ kinh phí cho tuyên truyền viên.