Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Kinh nghiệm của các nước thực hiện quá trình công nghiệp hóa như Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, hay các nước tương đồng với Việt Nam hơn là Thái Lan, Trung Quốc đều bắt đầu từ phát triển công nghiệp nô

Tính nền tảng của nông nghiệp đối với phát triển nền kinh tế nước ta rất lớn. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tháng 8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, mặc dù có nhiều thành tựu quan trọng từ khi đổi mới đến nay, nhưng nhìn chung sản xuất ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vẫn còn khiêm tốn.

Do đó, để nông nghiệp có đủ cơ sở và nguồn lực làm bệ đỡ phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì phải đẩy tới một bước phát triển công nghiệp nông thôn.

Trong gần 30 năm đổi mới, công nghiệp nông thôn đã được chú trọng, góp phần đưa tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong giai đoạn 1986 - 2014 đạt bình quân 3,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014. Song quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua diễn ra còn chậm so với mục tiêu cũng như so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển.

Nhìn rõ hạn chế này, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đưa ra nguyên tắc được xem là bước đột phá căn bản nhất từ trước đến nay trong phát triển công nghiệp nông thôn là “chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Trước nay, chúng ta rất quan tâm đến phát triển công nghiệp nông thôn. Xin điểm qua những định hướng lớn qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc:

- Đại hội Đảng lần thứ VI: “Ra sức phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp, đáp ứng cho được nhu cầu về hàng tiêu dùng thông thường, về chế biến nông - lâm - thủy sản”.

- Đại hội Đảng lần thứ VII: “Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến”.

- Đại hội Đảng lần thứ VIII: “Đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển toàn diện nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản”.

- Đại hội Đảng lần thứ IX: “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn… Tiếp tục phát triển và đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp lên một trình độ mới”.

- Đại hội Đảng lần thứ X: “Đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân”.

- Đại hội Đảng lần thứ XI: “Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là công nghiệp sản xuất trang thiết bị, máy móc làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản, sản phẩm xuất khẩu; sản xuất phân bón, thức ăn cho chăn nuôi và thuốc bảo vệ động, thực vật...”.

Từ những định hướng trên có thể thấy, qua mỗi kỳ Đại hội, sự quan tâm đến đầu tư nguồn lực cho phát triển công nghiệp nông thôn ngày càng mạnh mẽ và cụ thể. Và chính từ việc giám sát đưa những định hướng trên vào thực tiễn, chúng ta thấy rằng, việc tăng cường nguồn lực đã giúp cho việc phát triển công nghiệp nông thôn một cách vững chắc, nhưng không thể tiến nhanh, tiến mạnh nếu bên cạnh đầu tư vào nguồn lực không có được sự trợ giúp của môi trường phát triển. Vì thế, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thêm vào 7 chữ: “chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. 7 chữ ấy là cả một quá trình chuyển biến nhận thức trong đưa Nghị quyết của Đảng liền qua 6 kỳ Đại hội vào cuộc sống.

Vì sao nói “gắn với xây dựng nông thôn mới” là môi trường tốt cho công nghiệp nông thôn phát triển mạnh mẽ? Có 2 lý do sau:

Thứ nhất, do kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, chợ, hệ thống kho bãi... còn nhiều khó khăn, nên không hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư cho khu vực này, hiện mới chiếm khoảng 8% đầu tư toàn xã hội.

Thứ hai, trong bối cảnh đó, những bộ phận tạm gọi là “ưu tú” nhất khu vực nông thôn cứ đều đặn “ly nông, ly cả hương” qua mỗi đợt thi cử hàng năm. Theo một thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, trên 90% số sinh viên cao đẳng và đại học tốt nghiệp không có nguyện vọng trở về quê hương bản quán. Vì thế, các dự án công nghiệp ở khu vực nông thôn thường khó tuyển nhân lực tại chỗ, phát sinh thêm hàng loạt các công trình hạ tầng dành cho công nhân, khiến cho tính hấp dẫn, tính khả thi của dự án không cao.

Xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Trong môi trường ấy, người dân có điều kiện hơn để có thể “ly nông, bất ly hương”, vừa giúp cho công nghiệp nông thôn phát triển, vừa hạn chế được hiện tượng di dân cơ học ra đô thị, đang gây nên sự quá tải và hệ lụy về dân số, môi trường, giao thông, an ninh trật tự ở khu vực thành thị.


 

Ông Vũ Hy Thiều - Chuyên gia cao cấp lĩnh vực sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Phó trưởng Ban Giám khảo bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, năm 2015:

"Vận động rộng rãi để tất cả các cơ sở sản xuất được tham gia"

100 sản phẩm được Ban giám khảo bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015 đều là những sản phẩm đã được bình chọn từ những cuộc bình chọn cấp xã, cấp tỉnh, cấp khu vực nên đều là những khuôn mặt quen thuộc và có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, so với sản phẩm có mặt trên thị trường chưa chắc đã tốt hơn vì chấm là tuyển chọn từ những sản phẩm dự thi nên nếu sản phẩm tốt mà không mang đi dự thi thì cũng chẳng có cách nào. Một cuộc thi như thế này, quan trọng nhất là tạo ra sự vận động rộng rãi để tất cả các cơ sở sản xuất biết được rồi tham gia. Vậy vai trò thông tin của các xã, các huyện là vô cùng quan trọng, cán bộ tích cực hay không thể hiện ở việc có nhiều cơ sở biết đến cuộc thi hay không.

Tôi cảm thấy các địa phương chưa được tích cực lắm, nên khi hỏi đến sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhiều người còn “ngớ” ra. Vì hiện nay chúng ta có quá nhiều cuộc thi, do vậy, việc tuyên truyền ngoài tích cực phải cần có kiến thức để tuyên truyền cho chính xác. Đối với mỗi cuộc thi lại có mỗi tiêu chí khác nhau. Tôi nói ví dụ như tại chính cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia này, tiêu chí quan trọng để được giải là ưu tiên đặc biệt cho sản phẩm biết chuyển từ sản xuất thủ công sang quy mô công nghiệp. Vậy mà có nhiều nơi vẫn mang sản phẩm đơn chiếc đi thì làm sao đoạt giải được. Giải do Bộ Văn hóa tổ chức thì tiêu chí đẹp đặt lên đầu. Còn giải do Phòng VCCI tổ chức là chọn sản phẩm có khả năng chiếm lĩnh thị trường mạnh. Có thể nói cán bộ tuyên truyền các cấp xã, huyện hời hợt, không chịu đọc cho rõ để nhắc bà con. Vì vậy nên nhiều sản phẩm không biết mà tham gia, hiểu ra thì đã muộn.

Tôi thấy đối với những cuộc bình chọn như thế này, rất cần phải tuyên truyền sâu rộng, có nhiều thời gian để bà con còn tham gia được rộng khắp hơn. Như vậy sẽ thành công hơn nhiều.

100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia năm 2015

1. Theo nhóm sản phẩm:

- Nhóm thủ công mỹ nghệ: 25 sản phẩm

- Nhóm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống: 40 sản phẩm

- Nhóm thiết bị máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí: 25 sản phẩm

- Nhóm khác: 10 sản phẩm

2. Theo khu vực:

- Khu vực phía Bắc: 39 sản phẩm

- Khu vực phía Nam: 31 sản phẩm

- Khu vực miền Trung - Tây nguyên: 30 sản phẩm