Phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh

Đó là nội dung cuộc Hội thảo "Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh" diễn ra vào ngày 28/11/2016 mới đây do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạc

Chưa khai thác đúng tiềm năng

Là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với chiều dài bờ biển 3.400 km, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm: mặt trời, gió, sinh học, địa nhiệt, thủy triều… Tại Hội thảo, ông Lê Đồng Hải - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng:  Việc ứng dụng và phát triển năng lượng tái tạo có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế Việt Nam một cách phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, theo bà Vũ Chi Mai - chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ): Tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất lớn, song khai thác thực tế vẫn còn rất khiêm tốn. Ví dụ, tiềm năng của năng lượng sinh khối của Việt Nam lên tới 8.500 MW nhưng mới khai thác được 375 MW; năng lượng gió là 27.000 MW, mới khai thác được 164 MW…

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng (ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến khác nhận định: Năng lượng tái tạo là nguồn phù hợp nhất giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn do có khả năng điều chỉnh linh hoạt và mở rộng trong thời gian ngắn (2 năm). Trong đó, điện gió sẽ đóng vai trò chủ đạo, tiên phong dựa trên mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có (với trên 4,4 GW công suất lắp đặt của các dự án đã đăng ký) và chính sách hỗ trợ ưu đãi hiện nay của Chính phủ.

Thực tế, năng lượng tái tạo có khả năng điều chỉnh linh hoạt về quy mô, có thể tăng quy mô cung cấp khi hòa lưới điện quốc gia. Do vậy, rất cần để hiện đại hóa lưới điện cũng như các nỗ lực để lưới điện có thể sẵn sàng kết nối với các nguồn cung năng lượng tái tạo quy mô lớn, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất và khách hàng sử dụng điện.

Khó phát triển vì thiếu cơ chế

Chiến lược phát triển điện năng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu Điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (kể cả thủy điện lớn) dự kiến tăng từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050, đưa tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng từ 35% năm 2015 lên khoảng 38% năm 2020, khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.

Tiềm năng nhiều là vậy, nhưng việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng do tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo

Để phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng môi trường thuận lợi và thu hút đầu tư để ngành này phát triển – đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo. Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế trong việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, ông Lê Đồng Hải cho hay, hiện cơ chế đấu thầu cạnh tranh đang trở thành một xu hướng và lựa chọn tối ưu của nhiều quốc gia để phát triển năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2015, trên thế giới đã có ít nhất 64 quốc gia đã thực hiện cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Việc đấu thầu cạnh tranh sẽ cho phép các đơn vị phát điện tham gia chào thầu để cung cấp điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Với cơ chế này, giá điện năng lượng tái tạo được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh hơn, phản ánh chính xác kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như các điều kiện thị trường một cách minh bạch và công bằng hơn. Từ đó, giá điện năng lượng tái tạo cũng dễ được xã hội chấp nhận hơn.

Ông Hải cũng cho rằng, Việt Nam là nước đi sau trong phát triển năng lượng tái tạo, nên cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện tái tạo và xác định giá năng lượng tái tạo qua cơ chế này nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.

Hà Minh