Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công Thương

Từ năm học 2012-2013 trong cơ cấu của Bộ Công Thương có tổ chức mới, là Vụ Phát triển nguồn nhân lực- cơ quan tham mưu, giúp lãnh đạo bộ thực hiện chức năng QLNN về phát triển nhân lực. Nhân dịp năm h

Sự phân tuyến giữa các trường

 TCCT. Thưa ông, năm học 2012-2013 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn đối với công tác tuyển sinh trong hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương, vấn đề này được nhìn nhận như thế nào?

 Ông Phương Hoàng Kim: Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 51 trường đại học, đào tạo bồi dưỡng, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó:

- Trực thuộc Bộ có 34 trường, bao gồm: 8 trường đại học, 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 21 trường cao đẳng, 3 trường cao đẳng nghề và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp.

- Trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty có 17 trường và cơ sở đào tạo, bao gồm: 2 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 7 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp, 1 trường trung cấp nghề và 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Ngoài ra, có 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng được Bộ Công Thương chấp thuận cho tham gia một số hoạt động trong khối các trường thuộc Bộ.

 Năm học 2012-2013 vừa qua, các trường đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, chỉ có hệ đại học là hoàn thành chỉ tiêu. Các hệ cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn này, sự phân tuyến giữa các trường trở nên rõ ràng hơn. Một số trường có thuận lợi, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh tiếp tục phát huy ưu thế của mình để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đó là Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Điện lực, Đại học Dầu khí, Cao đẳng Công Thương TP Hồ Chí Minh, Cao Đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Thương mại, Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP HCM… Trong khi đó, số trường khác dù đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhưng kết quả tuyển sinh không đạt như mong đợi.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề, trong điều kiện có nhiều cơ sở đào tạo cùng tuyển sinh và số lượng học sinh đăng ký học nghề giảm, nhiều trường đã làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề, như Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Du lịch và Thương mại, Cao đẳng nghề Điện... Cùng với đó, một số trường vẫn đặc biệt khó khăn trong tuyển sinh như trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu nghị, Cao đẳng nghề Công nghệ giấy và cơ điện, Trung cấp nghề Xây lắp điện, Trung cấp Công nghệ chế tạo máy…

Sở dĩ có khó khăn trong tuyển sinh là do có sự gia tăng số lượng các trường đại học, cao đẳng kể cả công lập và ngoài công lập (đây là khó khăn chung, không riêng gì của các trường thuộc Bộ Công Thương); trên cùng một địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo cùng tuyển sinh một số ngành nghề như nhau; vùng tuyển sinh bị hạn chế; các trường đại học được tuyển sinh đào tạo nhiều cấp trình độ, trong đó có trình độ cao đẳng; quy định mới về đào tạo liên thông từ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp lên đại học; do suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh quy mô sản xuất hoặc bị phá sản, nhu cầu sử dụng lao động giảm đáng kể; tâm lý về bằng cấp cao khá phổ biến; chế độ chính sách cho người tốt nghiệp hệ đào tạo nghề không hấp dẫn; tính hấp dẫn đối với các ngành nghề khối kỹ thuật công nghệ suy giảm rất nhiều…

TCCT. “Đầu vào” có nhiều khó khăn như vậy thì các trường cần và đã làm gì để sản phẩm “đầu ra” đáp ứng tốt với nhu cầu của xã hội?

Ông Phương Hoàng Kim: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ trong thực tế sản xuất, kinh doanh, các trường có rất nhiều việc phải làm.

Trên thực tế, đối với các trường thuộc bộ, chất lượng đào tạo luôn được quan tâm, được xem là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của HSSV sau tốt nghiệp. Vì vậy,  việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HSSV được thực hiện nghiêm túc, đúng qui chế; được thực hiện thông qua các hoạt động như lập ngân hàng đề thi, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý điểm, đổi mới nội dung đề thi gắn với thực tiễn, đòi hỏi HSSV phải có khả năng sáng tạo, có kỹ năng và kiến thức vững… nhằm đánh giá đúng hiệu quả công tác đào tạo của nhà trường.

 
Giờ thực hành cơ khí tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Kết quả đào tạo hệ chính quy trong năm học 2012 - 2013 đạt được kết quả khá tích cực; tính bình quân các hệ như sau: Tỷ lệ lên lớp đạt 98,96 %, trong đó đạt loại khá giỏi về lý thuyết: 54,21 %, thực hành: 52,16 %; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 93,88 %, trong đó loại khá, giỏi đạt 36,68 %; tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng đạt trên 50 %.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo được các trường hết sức quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng là tổ chức và tham gia hội thi tay nghề, thi học sinh giỏi các cấp. Nhiều trường đã tổ chức thi tay nghề, thi học sinh giỏi để lựa chọn học sinh tham gia các Kỳ thi tay nghề, Kỳ thi học sinh giỏi các cấp do các địa phương, Bộ, Quốc gia tổ chức. Ở đây cũng cho thấy có sự phân tuyến khá rõ, các giải thưởng ở tầm quốc tế và quốc gia phần lớn rơi vào các trường lớn ở hai đầu đất nước là Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần 9 được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) tháng 11/2012, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh có 8 HSSV tham dự và đạt 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng, góp phần cùng đoàn Việt Nam xếp thứ Nhì toàn đoàn. Tại Kỳ thi tay nghề Thế giới diễn ra trong tháng 6 năm 2013 tại Cộng hoà Liên bang Đức: 1 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (nghề Thiết kế trang web) và 1 sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (nghề Điện tử) đạt Chứng chỉ nghề xuất sắc trong số 7 Chứng chỉ nghề xuất sắc của đoàn Việt Nam.

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường rất chú trọng đến vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội và xã hội hóa giáo dục. Hầu hết các trường đã thành lập bộ phận chuyên trách có chức năng liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp khảo sát nhu cầu đào tạo và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đáng phấn khởi là nhiều trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, ký kết hợp đồng với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đào tay nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý… Loại hình đào tạo theo hợp đồng này có sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội nên sát với thực tế sản xuất, giúp cho người học nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc sau khi ra trường.

 Xây dựng các mô hình mới về đào tạo, dạy nghề

TCCT. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động giáo dục, trong năm học 2013-2014, các trường chú trọng đến những nội dung nào, thưa ông?

Ông Phương Hoàng Kim: Đi đôi với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất… thì các trường cần đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo theo những yêu cầu cụ thể sau:

- Chủ động khảo sát thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp để có giải pháp triển khai đào tạo phù hợp đối với từng ngành nghề đào tạo.

- Đẩy mạnh loại hình đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ theo nhu cầu xã hội. Tích cực tham gia Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương.

- Thành lập trung tâm, bộ phận chuyên trách để đánh giá tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu xã hội, hỗ trợ tìm việc làm cho HSSV.

- Triển khai các biện pháp nâng cao uy tín của nhà trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm huy động mọi nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, trí tuệ đầu tư cho giáo dục, tăng cường điều kiện thực hành, thực tập và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho HSSV.

- Giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh.

- Các cơ sở giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công thương, đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội.

TCCT.Với tư cách là bộ chủ quản, Bộ Công Thương định hướng các trường thuộc bộ như thế nào trong phát triển  nguồn nhân lực chất lượng cao?

Ông Phương Hoàng Kim: Quy hoạch là một trong những chức năng quan trọng của quản lý nhà nước. Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch). Đây là văn bản bao quát, xuyên suốt toàn bộ hoạt động liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng và đào tạo, dạy nghề của Bộ Công Thương.

Ngay sau khi Vụ Phát triển nguồn nhân lực đi vào hoạt động (tháng 4/2013), với phương châm cần phải có một kế hoạch hành động cụ thể của Bộ Công Thương để thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch, Vụ đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong bộ  thực hiện một số hoạt động: Thành lập tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch; khảo sát bằng phiếu với 53 cơ sở đào tạo thuộc bộ; xây dựng Khung kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch và Đề án thí điểm trường trọng điểm; hướng dẫn cơ sở đào tạo đăng ký thực hiện Quy hoạch.

TCCT. Và hiện tại các trường đã có đủ nguồn lực thực hiện tốt quy hoạch này?

Ông Phương Hoàng Kim: Theo tính toán của Vụ Phát triển nguồn nhân lực, mỗi năm có thêm khoảng 900 ngàn lao động tham gia vào lĩnh vực Công Thương, với mục tiêu 80% số này được đào tạo, tương đương 720 ngàn người. Theo tính toán của bản Quy hoạch, giai đoạn 2012-2015 mỗi năm nhu cầu đào tạo để đạt mục tiêu quy hoạch là 775 ngàn người; giai đoạn 2016-2020 là 940 ngàn người. Trong khi đó, theo khảo sát của Vụ với 53 cơ sở đào tạo thuộc bộ vào tháng 6/2013, số lượng HSSV tốt nghiệp năm 2013, 2015 và 2020 lần lượt là 202 ngàn, 199 ngàn và 263 ngàn. Như vậy, so với nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Công Thương thì đến năm 2020, các trường thuộc bộ mới đáp ứng 30% nhu cầu.

TCCT. Nếu vậy các trường sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch?

Ông Phương Hoàng Kim: Qua con số trên có thể thấy các trường thuộc Bộ cần điều chỉnh quy hoạch và chiến lược phát triển sao cho đạt được mục tiêu về số lượng HSSV tốt nghiệp theo Quy hoạch. Đây cũng chính là nhiệm vụ của Đề án tổ chức, sắp xếp các cơ sơ đào tạo thuộc bộ mà Vụ đang tiếp tục hoàn thiện.

TCCT. Vụ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch, thưa ông, chuỗi hoạt động trọng tâm nhất của Kế hoạch này là gì?

Ông Phương Hoàng Kim: Đồng thời với việc tổ chức, sắp xếp các trường thuộc bộ; hướng dẫn chỉ đạo việc điều chỉnh Chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển của các trường, bản Kế hoạch dành một phần nỗ lực đáng kể vào việc xây dựng các mô hình mới về đào tạo, dạy nghề sao cho phù hợp với từng nhóm cơ sở đào tạo. Có thể kể ra mấy mô hình sau:

- Mô hình Đại học trọng điểm: Chọn một trường đại học có năng lực đào tạo, là nơi tập trung sức mạnh trí tuệ và cơ sở vật chất, làm đầu tàu góp phần thực hiện những mục tiêu của Quy hoạch. Đây là trường hàng đầu của bộ về cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, có khả năng thu hút mọi nguồn lực xã hội để phát triển, làm đầu tàu cho các trường khác.

- Mô hình trường Cao đẳng đào tạo kỹ sư ứng dụng (mô hình KOSEN- Nhật Bản): Mô hình này đang được quan tâm và triển khai thí điểm tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, chi nhánh Thanh Hóa. Mô hình KOSEN đã cho thấy hành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Mô hình trường Dạy nghề chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam: Đào tạo theo năng lực thực hiện (tiêu chí, tiêu chuẩn) để hình thành các kỹ năng theo vị trí công việc, thay cho cách dạy truyền thống từng môn học trước đây.

- Mô hình liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, KCN, KCX: Phối hợp với các doanh nghiệp trong tuyển dụng và thực tập; hợp tác với doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ và đào tạo, đầu tư các phòng thí nghiệm, thực hành theo định hướng sản xuất.

- Mô hình ứng dụng tin học trong đào tạo: Hỗ trợ các trường trong ứng dụng CNTT vào quản lý đào tạo, quản lý HSSV, quản lý giáo viên, quản lý thông tin trong trường thông qua cơ chế phối hợp giữa 3 bên: Nhà trường, Doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

- Mô hình liên kết đào tạo với nước ngoài và liên kết đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành, đào tạo ký thuật bằng ngoại ngữ: Đây là mục tiêu quan trọng do đòi hỏi của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 TCCT. Hiện việc thực hiện Quy Hoạch và Kế hoạch hành động thực hiện quy hoạch có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

 Ông Phương Hoàng Kim: Về cơ bản, việc thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch hành động có nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc thành lập Vụ chuyên trách có trách nhiệm chủ trì thực hiện Quy hoạch; Bộ cũng quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thực hiện Quy hoạch, xây dựng Kế hoạch hành động, cũng như các hoạt động của Vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch hành động còn gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất hiện nay là các cơ sở đào tạo thuộc bộ đang gặp nhiều khó khăn về định hướng phát triển, nhân lực, tuyển sinh, tài chính. Để tạo điều kiện thực hiện tốt mục tiêu của quy hoạch, Bộ Công Thương có một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành như sau:

- Chính phủ chỉ đạo chủ trương và phê duyệt Đề án trường đại học trọng điểm của Bộ Công Thương; trước mắt là Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

- Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng và trình phê duyệt đè án Chính phủ về phát triển nhân lực ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp trong quá trình CNH và HNKTQT

- Các bộ ngành đảm bảo kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng CBCC ngành Công Thương và TW; đảm bảo kinh phí đầu tư cho các trường thuộc bộ để thực hiện các mục tiêu quy hoạch; bố trí kế hoạch tài chính hàng năm thực hiện Quy hoạch; tạo điều kiện để Bộ Công Thương tham gia tích cực hơn vào các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án do các bộ, ngành chủ trì.

 TCCT. Xin trân trọng cảm ơn ông!