Phát triển vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ giai đoạn 2009 - 2015 theo quy hoạch

Ngày 28/08/2015, tại Hà Nội, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết về môi trường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ giai


Quang cảnh Hội nghị
Vật liệu nổ công nghiệp là một loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là vật liệu không thể thiếu trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công công trình, đồng thời nó tác động, ảnh hưởng đến các mặt an ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội,...

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, năm 2007, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 150/2007/QĐ-TTg (Quy hoạch 150).

Từ năm 2009-2014, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật quản lý Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, như: Rà soát Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và ban hành Thông tư 45 về Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, ban hành 20 Thông tư quy chuẩn về vật liệu nổ công nghiệp, đạt trên 90% so với Danh mục vật liệu nổ công nghiệp đã được công bố; Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng xây dựng 23 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu nguyên vật liệu, sản phẩm và các phương pháp thử vật liệu nổ công nghiệp, yêu cầu 100% đơn vị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở quản lý toàn bộ chất lượng nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm vật liệu nổ công nghiệp...

Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay không để xảy ra cháy nổ, thất thoát vật liệu nổ công nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Qua 8 năm thực hiện chiến lược ngành vật liệu nổ công nghiệp đã phát triển theo đúng định hướng trong Quy hoạch 150, tốc độ tăng trưởng vật liệu nổ công nghiệp trong các năm từ năm 2007 - 2010 bình quân đạt 7%/năm. Toàn quốc hiện có 8 doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, bao gồm Tổng công ty Công nghiệp hoá chất mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam và 7 doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, với các dây chuyền sản xuất vật liệu nổ công nghiệp công suất 130.000 tấn/năm và phụ kiện nổ, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2009-2014 các dây chuyền sản xuất vật liệu nổ công nghiệp lạc hậu, cũ đã dần được thay thế bằng những dây chuyền tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa và mức độ an toàn cao hơn, chất lượng một số sản phẩm tương đương với các loại sản phẩm cùng loại của một số nước tiên tiến. Nguyên liệu cơ bản cho sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trước đây nhập khẩu toàn bộ, hiện nay đã được đầu tư sản xuất, bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu Amoni Nitrat trong nước và còn có khả năng suất khẩu, có tác động tích cực đến kế hoạch đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Nguồn nhân lực để thực hiện nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm của toàn ngành vật liệu nổ công nghiệp khoảng 5.000 người.

Tuy nhiên, việc phát triển vật liệu nổ vẫn con nhiều tồn tại như công nghệ sản xuất thuốc nổ hiện chỉ đạt trình độ trung bình khu vực, còn khoảng cách khá lớn so với các nước tiên tiến trên thế giới, phân bố cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp chưa hợp lý, tập trung chủ yếu ở miền Bắc, gia thành sản xuất Amoni Nitorat vẫn còn cao. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo về an toàn trong sử dụng bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ còn nhiều hạn chế bất cập là nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. Tổng số vụ tai nạn liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp từ năm 2009 đến nay gồm 37 vụ tai nạn với 49 người chết, 10 người bị thương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên vật liệu nổ công nghiệp; phối hợp với các bộ ngành xây dựng Dự thảo Luật về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phân định rõ hơn chức năng quản lý cụ thể hơn giữa các ngành, lĩnh vực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ quản lý, kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển vật liệu nổ công nghiệp từ trung ương đến địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh, trật tự xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.