Phùng Anh Hùng tiêu biểu trong lao động và bảo vệ biên giới, hải đảo

Tại Hội nghị biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức năm 2013, anh là 1 trong 2 gương mặt
Anh là Phùng Anh Hùng, công nhân sửa chữa phân xưởng Cơ giới, Than Nam Mẫu - một cựu quân nhân từng tham gia chiến đấu tại cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979.

Năm 1978 khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Phùng Anh Hùng nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 1979 anh xung phong tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc với khí thế sôi sục của một người con chiến đấu vì chính nghĩa bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, anh trở về cuộc sống đời thường và mang trên mình những vết thương. Nhưng bằng phẩm chất, ý chí "Bộ đội Cụ Hồ", anh đã quyết định theo học nghề cơ điện rồi trở thành một công nhân làm việc trong ngành Than. Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế" Phùng Anh Hùng luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn của bản thân, hoàn thành tốt công việc được giao. Đến nay, qua 34 năm tận tụy cùng ngành Than và trải qua nhiều công việc như: thợ hàn, thợ cơ khí, thợ sửa chữa, anh đều đảm nhận tốt và trở thành một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Bởi vậy mà danh hiệu Chiến sĩ thi đua cũng không nằm ngoài những danh hiệu trong bộ sưu tập thành tích cá nhân của anh.

Tâm huyết với công việc, trong cuộc sống gia đình anh cũng dành khá nhiều thời gian chăm sóc, giáo dục các con. Cùng với việc đầu tư, tạo điều kiện cho con cái được học tập theo đúng khả năng, anh luôn giáo dục cho chúng về truyền thống vẻ vang của "Bộ đội cụ Hồ" qua những câu chuyện về sự quả cảm của những người lính trong cuộc chiến tranh biên giới mà anh trải qua. Bản thân anh cũng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống xứng đáng là tấm gương sáng cho các con học tập. Với anh đó là cách giáo dục thiết thực, hiệu quả nhất để con trẻ hiểu và học tập truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, cậu con trai lớn của vợ chồng anh là sinh viên năm thứ 3 tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, Bộ Quốc phòng, còn cô con gái út đang học lớp 3 cũng là học sinh giỏi và rất chăm ngoan.

Phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" không chỉ được anh áp dụng trong chiến đấu, lao động mà ngay cả trong cuộc sống hằng ngày anh cũng phát huy rất hiệu quả. Cho dù còn không ít khó khăn bộn bề của cuộc sống nhưng anh luôn động viên từng thành viên trong gia đình phải nỗ lực và sống lạc quan. Những lúc rảnh rỗi anh thường dành thời gian tập luyện đàn bát (một loại nhạc cụ được làm từ những chiếc bát sứ có âm sắc tương ứng với những nốt nhạc). Tưởng rằng đó chỉ đơn giản là một thú vui để anh giải tỏa stress sau những giờ lao động miệt mài, nhưng chính tình yêu và lòng say mê âm nhạc đã đưa anh trở thành một nghệ sĩ đàn bát đặc biệt với nhiều giải thưởng như: Giải A khu vực phía Bắc trong liên hoan nghệ thuật quần chúng ngành Lao động-Thương binh và Xã hội năm 2002 tiết mục tấu nhạc cụ đàn bát "Nổi lửa lên em"; Giải A Liên hoan tiếng hát thương binh tỉnh Quảng Ninh năm 2007 tiết mục tấu đàn bát "Rừng sáng"…; Huy chương Vàng với tiết mục tấu đàn bát "Tiếng đàn ta lư" tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng TKV năm 2014.

Một chiến sĩ quả cảm trong chiến đấu, một công nhân gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, một nghệ sĩ luôn lạc quan vào cuộc sống, Phùng Anh Hùng để lại một hình ảnh đẹp với những ai đã từng tiếp xúc với anh.