Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Để hội nhập tạo lợi ích bền vững

Cùng với chiến lược củng cố vị thế ở châu Á của Nhật Bản, triển vọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản cơ bản sẽ vận động theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới, nhưng không chỉ mộ

Đôi bên cùng lợi, hạn chế cạnh tranh

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy Nhật Bản hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 năm trở lại đây đạt trung bình 13,9%, đồng thời cũng đứng thứ 2 về FDI vào Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan

Về lý thuyết, với đặc điểm trình độ kinh tế và thế mạnh hàng hóa khác biệt, cơ cấu mặt hàng của hai nước có sự bổ sung cho nhau, theo đó, Nhật Bản có thế mạnh về các mặt hàng công nghệ cao, máy móc thiết bị trong khi Việt Nam có lợi thế về nhóm hàng nông lâm thủy sản và công nghiệp nhẹ. Sự bổ sung đó giúp quan hệ thương mại tạo thế đôi bên cùng có lợi, hạn chế cạnh tranh trực tiếp và dễ tìm được tiếng nói chung hơn trong các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, nếu trong quan hệ thương mại với các nước có kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và EU, Việt Nam thường ở thế xuất siêu thì gần đây, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản lại nghiêng về nước bạn. Theo đó, nếu như giai đoạn 2011-2014, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản, thì từ năm 2015 trở lại đây lại có xu hướng nhập siêu. Việt Namluôn duy trìxuất siêu sangthị trườnEU và Hoa Kỳ, trong năm 2016 giá trịxuấtsiêu củaViệt Namsang thị trườngEUđạt 23 tỷ USD, sang Hoa Kỳ đạt 29 tỷ USD, nhưng nhập siêu từ Nhật Bản 392,6 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2017, cán cân thương mại vẫn nghiêng nhẹ về nhập khẩu với mức nhập siêu khoảng 500 nghìn USD. Điểm khác biệt này có thể lý giải như thế nào?

Trước tiên, về cơ cấu hàng hóa trao đổi

Dệt may, phương tiện vận tải và máy móc thiết bị phụ tùng là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản. Riêng 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đã chiếm trên 18%, phương tiện vận tải 13% và máy móc thiết bị khoảng 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Ở chiều nhập khẩu, máy móc thiết bị phụ tùng chiếm 27,5%, máy tính và linh kiện điện tử chiếm 17,7% và sắt thép các loại chiếm gần 9% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm. Ngoài ra Việt Nam còn nhập khẩu nhiều sản phẩm chất dẻo và linh kiện phụ tùng ô tô từ Nhật Bản để phục vụ việc lắp ráp ô tô.

Hoạt động của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam đang tạo ra sự trùng lắp hơn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU, theo đó nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh như điện tử, máy móc thiết bị, phụ tùng, túi xách, điện thoại và linh kiện là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng lên trong những năm gần đây.

Nhưng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn bao gồm những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh truyền thống như đồ gỗ, thủy sản, rau quả và đặc biệt là dệt may, giày dép… Trong khi đó, Nhật Bản là thị trường có truyền thống “đóng” hoặc áp tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao đối với hàng nông thủy sản, khiến việc thâm nhập thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn.

So sánh cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể thấy điểm chung là dệt may là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất. Nhưng nếu mặt hàng này chiếm tới trên 27% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2016 thì tỷ lệ này chỉ là 13,09% đối với xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài ra, gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,35% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ nhưng chỉ chiếm 4,43% trị giá xuất khẩu sang Nhật Bản. Việt Nam còn xuất khẩu 1,76 tỷ USD cà phê, hạt tiêu, hạt điều sang Hoa Kỳ với tổng trị giá trong năm 2016, chiếm 4,58% kim ngạch xuất khẩu. Các con số này chỉ là 256,5 triệu USD và 1,74% đối với thị trường Nhật Bản.

Hoạt động của doanh nghiệp FDI.


Ngoài ra, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc cũng một phần tác động đến cán cân thương mại. Lũy kế đến tháng 5/2017, Hàn Quốc dẫn đầu về FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 57,27 tỷ USD Mỹ, đứng thứ hai là Nhật Bản với 40,69 tỷ USD, Hoa Kỳ chỉ đứng thứ 8 với khoảng 12 tỷ USD. Tính đến nay, mặc dù đang có xu hướng giảm dần để chuyển sang lĩnh vực bất động sản, du lịch… nhưng vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam. Hoạt động chế biến, lắp ráp và xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản góp phần làm tăng nhập khẩu hàng hóa máy móc thiết bị phụ tùng và nguyên vật liệu từ Nhật Bản vào Việt Nam, đồng thời làm cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giảm dần tính bổ sung rõ ràng so với trước đây.

Tỷ lệ tận dụng các FTA còn hạn chế

Có hai hiệp định thương mại (FTA) lớn tác động đến thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).Trong khuôn khổ Hiệp định VJEPA, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018.Ít nhất 86% hàng nông - lâm - thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế. Đổi lại, Ở chiều ngược lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cắt giảm thuế quan mạnh nhất.

Tuy nhiên,thực tế cho dến nay tỉ lệ tận dụng ưu đãi của AJCEP và VJEPA mới đạt 35%do quy tắc xuất xứ AJCEP và VJEPA có nhiều quy định khắt khe về nguồn xuất xứ, ví dụ quy tắc “từ sợi trở đi” khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Để lợi ích song phương bền vững

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của các cam kết FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong 10 năm tới, hai nước sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Một số mặt hàng sẽ có lợi thế khi tiếp cận các ưu đãi mà các FTA mang lại gồm có rau quả, thủy sản, nhựa và sản phẩm từ nhựa, giày dép... nhưng cần lưu ý đây cũng là những mặt hàng phải đối mặt với nguy cơ rất cao về chống bán phá giá và các hàng rào kỹ thuật. Kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình phục hồi, nhưng chậm chạp và bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động của giá dầu mỏ. Tuy nhiên sự trì trệ của thị trường trong nước có thể tạo sự ổn định cho dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng doanh thu tốt hơn.

Cùng với chiến lược bảo vệ vị thế ở châu Á của Nhật Bản, triển vọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản cơ bản sẽ vận động theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì một cán cân thương mại cân đối lợi ích giữa hai bên và giảm nguy cơ gia tăng nhập siêu từ Nhật Bản không phải là một việc đơn giản. Nhất là khi các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đủ mạnh để đáp ứng quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA song phương và đa phương.