Quản lý môi trường ở Nhật Bản

Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường. Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường phải sớm tìm kiếm các giải p

Chính sách của Chính phủ

Tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng. Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là: "Không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm, mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất".

Thiết lập khung pháp lý và cơ quan quản lý môi trường

Chính từ tư duy là kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Năm 1972, Luật Bảo tồn thiên nhiên chính thức được ban hành. Hệ thống Luật Môi trường cơ bản được ban hành vào năm 1993, đã đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, Hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm...

Trong Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí (Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; Các tiêu chuẩn và quy định phát thải; Tổng tải lượng ô nhiễm ở các thành phố, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng, về đường biên và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí. Đồng thời, Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động, quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường.

Bên cạnh đó, ô nhiễm nước cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với môi trường, với hàng loạt các nhà máy sản xuất điện từ than, các nhà máy sản xuất công nghiệp, đe dọa các hệ thủy sinh và phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Vì thế, Luật Kiểm soát ô nhiễm nước chính thức được thông qua vào năm 1970. Luật bao gồm các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước, quy định cho các nhà máy và hệ thống kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm tại các ao hồ, sông suối, biển, cùng với đó là các phương pháp cụ thể cho những khu vực nước đặc thù, tập trung vào 3 vấn đề: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước; Tiêu chuẩn và quy định phát thải; Kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm.

Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng; đồng thời, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Nước thải công nghiệp được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải chứa trong nước thải. Các nguồn phát sinh ô nhiễm được phân loại tùy theo việc có xác định được địa điểm phát sinh hay không.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường đất, Nhật Bản đã ban hành Luật Ngăn ngừa ô nhiễm đất tại vùng đất nông nghiệp. Luật đã đưa ra các biện pháp đặc biệt nhằm quản lý tài chính quốc gia cho việc ngăn ngừa ô nhiễm và quy định về trách nhiệm của các công ty vận hành, chi phí vận hành; Các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm, cũng như các biện pháp xử lý ô nhiễm; Xây dựng hệ thống xử lý đất ô nhiễm dựa vào "Luật về các biện pháp đặc biệt đối với dioxin".

Sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự

Bên cạnh một hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.

Hoạt động khu vực tư nhân

Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc dính líu đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của doanh nghiệp đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.

Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp cuối cùng đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Kết quả là công nghiệp Nhật Bản đã dẫn đầu những công nghệ môi trường trên thế giới.