Quản lý rủi ro trong pháp luật về Hải quan Việt Nam

ThS. ĐINH TIỂU KHUÊ (Trưởng khoa Tại chức - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Trước sự gia tăng các hoạt động giao dịch trên thị trường thế giới, cộng đồng quốc tế yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp từ phía chính phủ khiến hải quan các nước phải đổi mới phương thức quản lý, nhằm đạt được sự cân bằng thích hợp giữa tạo điều kiện thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ sự tuân thủ theo quy định của pháp luật và quản lý rủi ro được lựa chọn như một giải pháp tối ưu nhất. Hải quan các nước, dù hoạt động dựa trên hệ thống tự động hay thủ công, đều có thể áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro. Đây là giải pháp đóng vai trò trung tâm trong tiến trình hiện đại hóa ngành Hải quan.

Hải quan Việt Nam chính thức áp dụng kỹ thuật đánh giá rủi ro từ ngày 01/01/2006, khi Luật Hải quan sửa đổi (năm 2005) có hiệu lực. Công việc này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng không thể chậm trễ, nếu không muốn tụt hậu so với xu thế chung của thế giới.

Từ khóa: Quản lý rủi ro, hải quan, đánh giá rủi ro.

I. Rủi ro trong lĩnh vực Hải quan

1. Khái niệm

Rủi ro tồn tại khắp mọi nơi, trong tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, không loại trừ ai và lĩnh vực hải quan cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, do đặc trưng của mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, rủi ro tồn tại dưới những hình thức khác nhau, rủi ro trong ngành Hải quan cũng được định nghĩa khác nhau:

Theo quan điểm của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO): Rủi ro là sự không tuân thủ pháp luật về hải quan.

Theo quan điểm của Hải quan Mỹ, rủi ro là mức độ không tuân thủ pháp luật làm tổn thất hoặc thiệt hại đến thương mại, công nghiệp hoặc cộng đồng.

Hải quan là cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải, hành lý xuất nhập cảnh qua biên giới nhằm bảo vệ an ninh kinh tế của quốc gia, bảo vệ cộng đồng xã hội và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hợp tác quốc tế dựa trên tính tuân thủ luật pháp về hải quan và các quy định khác có liên quan. Những hành vi tiềm ẩn sự không tuân thủ pháp luật, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hải quan đều bị coi là vi phạm và phải được ngăn ngừa, hạn chế ở mức cao nhất.

2. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực Hải quan

Theo Hải quan New Zealand định nghĩa: “Quản lý rủi ro là việc áp dụng một cách hệ thống các chính sách quản lý, quy trình thủ tục nhằm xác định, phân tích, đánh giá và tiến hành các biện pháp đối phó với rủi ro”.

Ngày 29/11/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 175/2013/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý hải quan, quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan hải quan phân bổ hợp lý nguồn lực, áp dụng hiệu quả các biện pháp quản lý hải quan, quản lý thuế. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải được đánh giá rủi ro để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác ở mức độ phù hợp, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế.

3. Lợi ích của hoạt động quản lý rủi ro

- Giúp tổ chức nhận dạng rủi ro và thực hiện các chương trình ngăn chặn, kiểm soát tổn thất hiệu quả.

- Có cơ sở chặt chẽ, minh bạch trong việc lập kế hoạch chiến lược và ra các quyết định quản lý.

- Giảm chi phí phát sinh không cần thiết.

- Tạo tiền đề thuận lợi cho các khâu nghiệp vụ tiếp theo.

Riêng đối với ngành Hải quan, quản lý rủi ro là phương pháp quản lý khoa học mang tính logic và hệ thống nhằm:

- Giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, thông qua đánh giá, xác định đối tượng có rủi ro cao, tập trung nguồn lực quản lý.

- Tạo được sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp được chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh và xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh và doanh thu.

II. Kinh nghiệm của Hải quan các nước về hệ thống quản lý rủi ro

1. Kinh nghiệm của Italia

Hải quan Italia được thành lập từ năm 1859 và là tổ chức hải quan có bề dày truyền thống nhất châu Âu. Hải quan Italia đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống tự động hóa hải quan trên cơ sở tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và các hoạt động liên quan khác theo hướng đơn giản và tuân theo các chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi của WCO.

Là quốc gia có đường biên giới biển dài ở châu Âu, Hải quan Italia đã được đầu tư thích đáng về phương tiện kiểm soát cảng biển và kiểm tra hàng hóa vận chuyển đường biển. Hiện Hải quan Italia có 28 máy soi container (nhiều nhất so với các cơ quan Hải quan trong khối EU) được bố trí tại hầu hết cảng biển của nước này.

2. Kinh nghiệm của Mỹ

Hải quan Mỹ là cơ quan duy nhất và thống nhất quản lý biên giới, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh nước Mỹ và người dân Mỹ.

Cơ quan này đã đưa ra Sáng kiến An ninh Container (CSI) để giải quyết những mối đe dọa an ninh biên giới và thương mại toàn cầu do các phần tử khủng bố có khả năng sử dụng các container vận chuyển bằng đường biển để mua bán vũ khí. CSI đề xuất một cơ chế an ninh đảm bảo tất cả các container có tiềm ẩn rủi ro phải được nhận diện và kiểm tra tại các cảng xuất ở nước ngoài trước khi chúng được chất lên tàu để tới Mỹ. CBP đã đặt các đội quân tinh nhuệ lấy từ CBP và lực lượng kiểm soát Hải quan và Nhập cư để phối hợp làm việc với các cộng sự người nước sở tại. Nhiệm vụ của họ là xác định, kiểm tra trước và chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ để điều tra những lô hàng có tiềm ẩn rủi ro sẽ tới Mỹ.

III. Thực trạng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong quy trình thủ tục hải quan của Hải quan Việt Nam

1. Quá trình tiếp cận quản lý rủi ro của Hải quan Việt Nam

Trước năm 1997, khái niệm quản lý rủi ro còn rất xa lạ không chỉ với các công chức trong ngành Hải quan, mà cả với cá nhân, tổ chức có liên quan.

Trong giai đoạn 1997 - 2001, với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hải quan ngày càng trở nên cấp thiết, Hải quan Việt Nam đã áp dụng phân luồng hành khách tại các cửa khẩu sân bay quốc tế thành 3 nhóm: luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ, nhưng chỉ mang tính chất sao chép thuần túy, tự phát và ở mức sơ khai, chưa thể hiện được các nguyên tắc quản lý rủi ro.

Trong Luật Hải quan (2001) cũng đã quy định về hình thức, căn cứ để tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng chưa chính thức công nhận phương pháp quản lý rủi ro, mà phải đến khi Luật Hải quan sửa đổi năm 2005, đặc biệt với Quyết định số 2148/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2005 đã bổ sung, cụ thể hóa Luật Hải quan, tạo cơ sở để ngành Hải quan áp dụng quy trình quản lý rủi ro - công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý - kể từ ngày 01/01/2006.

Một mặt, chú trọng xây dựng, phát triển và tổ chức áp dụng quản lý rủi ro toàn diện, chuyên sâu trong các khâu hoạt động nghiệp vụ hải quan trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro và thực tiễn hoạt động của ngành Hải quan. Mặt khác, tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý về thu thập, xử lý thông tin và quản lý rủi ro, kiện toàn hệ thống đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ. Từ đó, đảm bảo các yêu cầu về số lượng, chất lượng và có năng lực trình độ chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin hải quan và thông tin nghiệp vụ hải quan đảm bảo cập nhật, chia sẻ, trao đổi cung cấp thông tin trong và ngoài ngành, đáp ứng cơ bản các yêu cầu nghiệp vụ của ngành Hải quan.

2. Phân cấp quản lý rủi ro

Ở Việt Nam, quản lý rủi ro được phân thành 3 cấp thực hiện. Cụ thể là:

2.1. Quản lý rủi ro cấp chiến lược (được thực hiện ở cơ quan Tổng cục Hải quan)

Cơ quan Tổng cục Hải quan phải đảm bảo sự thống nhất trong toàn ngành về xây dựng, ban hành, sửa đổi bổ sung bộ tiêu chí quản lý rủi ro; ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro; xây dựng, thu thập, cập nhật, quản lý, vận hành và kiểm soát bảo mật hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan và cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro theo phân cấp; phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ hải quan phục vụ quản lý rủi ro; và xây dựng hệ thống tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực.

2.2. Quản lý rủi ro cấp hoạch định triển khai (được thực hiện ở các Cục Hải quan địa phương)

Là cơ quan trung gian trong phân cấp quản lý rủi ro, Cục Hải quan địa phương có nhiệm vụ kết hợp thông tin, dữ liệu thu thập được cung cấp bởi Tổng cục Hải quan, với thông tin thu thập dựa vào tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin một cách đầy đủ nhất, phục vụ các chi cục hải quan cửa khẩu trong việc phân định mức độ rủi ro và quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa.

2.3. Quản lý rủi ro cấp chiến thuật (được thực hiện tại các Chi cục Hải quan, điểm thông quan nội địa và bởi các cán bộ hải quan làm nhiệm vụ trực tiếp tại hiện trường)

Căn cứ vào tình hình thực tế và các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu được cung cấp, các đơn vị chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị vật chất, bố trí công việc để đạt được hiệu quả cao nhất và báo cáo ngay Cục Hải quan cấp chủ quản, khi phát hiện thêm các yếu tố rủi ro mới để cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin, làm cơ sở xác định rủi ro cho các lô hàng tiếp theo.

IV. Thành tựu và hạn chế trong hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Việt Nam thời gian qua

1. Thành tựu

- Quy trình thủ tục hải quan mới được đánh giá là hiện đại, phù hợp với quy định, chuẩn mực trong các công ước quốc tế nhằm hướng tới một môi trường lành mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, là điểm đến hấp hẫn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

- Tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nhờ giảm thời gian thông quan hàng hóa.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Hệ thống trao đổi thông tin giữa các cấp quản lý được chú trọng, giải đáp kịp thời các vướng mắc nghiệp vụ, tạo sự thống nhất cao trong toàn ngành.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu đang được hình thành và hoàn chỉnh theo yêu cầu thực tế.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ công chức.

2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

- Các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan còn nhiều, chồng chéo, thường xuyên thay đổi khiến các địa phương hiểu không thống nhất, làm mất thời gian giải đáp vướng mắc và gây phiền phức cho doanh nghiệp.

- Một số quy định trong Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục hải quan cứng nhắc, phụ thuộc nhiều vào kết quả tính toán, phân luồng của hệ thống máy tính, chưa phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, Luật Hải quan chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc, mối quan hệ và vai trò, vị trí, tác động điều chỉnh đối với các hoạt động hải quan, các biện pháp thực hiện; trách nhiệm và giải trừ trách nhiệm trong áp dụng quản lý rủi ro, đây được coi là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro.

3. Bài học kinh nghiệm

Qua tìm hiểu nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong lĩnh vực áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro (QLRR) vào quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) cũng như kinh nghiệm thực tế sau khi áp dụng QLRR vào quy trình thủ tục hải quan Việt Nam, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

- Phải nhận thức việc áp dụng kỹ thuật QLRR là yêu cầu tất yếu của Hải quan các nước trong xu thế hội nhập và phát triển, nhằm cân bằng giữa kiểm soát và tạo thuận lợi cho thương mại, giữa khối lượng công việc của hải quan tăng lên hàng ngày mà nguồn lực không tăng tương ứng. Do áp dụng kỹ thuật QLRR cần nhiều điều kiện tương thích nên cách tốt nhất của Việt Nam là chủ động và khẩn trương chuẩn bị điều kiện để triển khai nhanh kỹ thuật QLRR trong các khâu nghiệp vụ hải quan.

- Việc QLRR phải được triển khai gắn với quá trình hiện đại hóa hải quan, trong đó áp dụng tin học vào quá trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ tạo điều kiện triển khai QLRR một cách hiệu quả. Các hoạt động thông quan điện tử, một cửa... sẽ góp phần làm tăng giá trị của việc phân loại doanh nghiệp theo luồng xanh, vàng và đỏ.

V. Giải pháp nâng cao hoạt động của hệ thống quản lý rủi ro của Hải quan Việt Nam

1. Về phía Nhà nước

- Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ

Cần rà soát, đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật Hải quan, quy định hiện hành với thực tiễn quản lý và các điều ước của tổ chức quốc tế có liên quan đến hoạt động Hải quan (WCO, ASEAN, APEC, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ...) đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

- Cải cách đồng bộ các thủ tục hành chính

Cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước khác về cơ chế cấp phép đơn giản giảm bớt giấy phép con... vì hoạt động của ngành Hải quan có liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu chỉ có cơ quan hải quan tiến hành cải cách thủ tục hành chính, mà không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan khác thì không thể có hiệu quả cao cho toàn xã hội và mục tiêu đề ra cho chiến lược cải cách thủ tục hành chính quốc gia cũng khó đạt được.

2. Về phía cơ quan Tổng cục Hải quan

- Xây dựng chiến lược quản lý sự thay đổi theo hướng quản lý rủi ro

Trước sự phát triển nhộn nhịp và biến động thường xuyên của hoạt động thương mại quốc tế, ngành Hải quan Việt Nam phải có những thay đổi kịp thời để thích nghi và không bị tụt hậu. Vì vậy, xây dựng chiến lược quản lý sự thay đổi là việc làm thiết thực và cần tiến hành ngay.

- Tái cơ cấu tổ chức, mạng lưới hải quan

Cần sắp xếp lại cơ cấu tổ chức mạng lưới hải quan trên toàn quốc theo hướng giảm cấp quản lý trung gian, giảm số lượng Cục Hải quan địa phương, tăng tính tự chủ và linh hoạt cho các Chi cục, cải thiện cơ chế liên lạc và phản hồi thông tin giữa các cấp quản lý.

- Xây dựng quy trình thủ tục hải quan hiện đại

Thực hiện thông quan hàng hóa trước khi hàng đến, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giao dịch, khai báo điện tử, giảm bớt các thủ tục giấy tờ trong bộ hồ sơ, giảm chi phí luân chuyển và lưu trữ hồ sơ trong nội bộ hải quan.

Cho phép doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế xuất nhập khẩu, lệ phí thủ tục theo phương thức thanh toán một lần các khoản nợ trong tháng với sự bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính trung gian, thay vì quản lý từng lô hàng riêng rẽ theo thời gian ân hạn thuế như quy định hiện hành.

Thường xuyên tiến hành đào tạo và đào tạo lại dựa trên năng lực, nhu cầu công việc, đảm bảo tất cả các cán bộ hải quan “đa năng”, có đủ trình độ, hiểu biết, khả năng phát triển toàn diện, sẵn sàng tiếp nhận sự cải cách, đổi mới và cung cấp “dịch vụ” chất lượng hoàn hảo cho cộng đồng và các nhà đầu tư.

- Trang bị hệ thống máy móc, thiết bị làm việc hiện đại

Ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị kiểm soát hiện đại tại các sân bay quốc tế, cảng biển, các cửa khẩu biên giới - nơi có lưu lượng hàng hóa và người qua lại đông, khó kiểm soát được bằng các kỹ thuật thủ công.

Rà soát, sửa chữa hoặc thay thế kịp thời, đảm bảo hiệu quả các thiết bị đã lắp đặt.

- Hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro

Quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp quản lý rủi ro trong Tổng cục Hải quan nhằm gắn trách nhiệm của từng cấp với công việc cụ thể họ phải đảm trách, nhất là trong khâu thu thập, truyền, nhận thông tin.

Bổ sung các tiêu chí còn thiếu, hoàn thiện bộ tiêu chí quản lý rủi ro nhằm bao quát đầy đủ hơn các yếu tố rủi ro phát sinh.

Xây dựng phương pháp tính toán, thang điểm tiêu thức rủi ro trong hệ thống cơ sở dữ liệu để có kết quả sát thực tế nhất.

Đồng bộ hệ thống dữ liệu giữa phần mềm quản lý rủi ro với các chương trình phần mềm đa chức năng hiện đang triển khai.

- Tăng cường hợp tác quốc tế

Tăng cường hỗ trợ, hợp tác với hải quan các quốc gia có hoạt động thương mại chính đang diễn ra, phát triển các mối quan hệ ngoại giao biên giới, hướng tới các thỏa thuận thực hiện quy chế thủ tục kiểm tra hải quan đơn giản, thuận lợi hơn như phối hợp kiểm tra một lần đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước láng giềng, tránh kiểm tra trùng lặp 2 lần tại 2 quốc gia.

Tích cực hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng thành công phương pháp quản lý rủi ro như Mỹ, EU, Singapore...

3. Về phía cộng đồng doanh nghiệp

- Chủ động cập nhật kịp thời, thường xuyên các văn bản pháp quy

Hiện nay, trên website chính thức của Tổng cục Hải quan luôn có sẵn các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất về thủ tục hải quan, chính sách thuế xuất nhập khẩu, cơ chế điều hành hoạt động xuất nhập khẩu... để doanh nghiệp tiện tra cứu, theo dõi và chủ động khi khai báo và làm thủ tục hải quan.

- Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật

Tuy không phải là hình thức khuyến khích tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm thuế, miễn thuế hay thưởng xuất khẩu, nhưng ưu tiên doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật gián tiếp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thủ tục và hậu cần, nhất là các chi phí bất hợp lý có thể phát sinh do thời gian thông quan bị kéo dài. Doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện kinh doanh “kịp thời”, không cần phải tốn chi phí để lưu trữ hàng tồn kho, tăng cơ hội quay vòng vốn, thu lợi nhuận do chi phí giảm.

VI. Kết luận

Quản lý rủi ro là công cụ then chốt giúp cơ quan Hải quan đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của môi trường thương mại quốc tế. Trong môi trường này, cơ quan Hải quan phải nỗ lực chủ động phát hiện, xử lý trước những rủi ro tiềm ẩn trong từng công đoạn, từng mắt xích trọng yếu, dễ bị xâm hại trong dây chuyền cung ứng vận tải thương mại quốc tế.

Do vậy, hướng đến mục tiêu bảo vệ cộng đồng, ngành Hải quan xây dựng lực lượng làm công tác QLRR chuyên nghiệp hóa-chuyên sâu về nghiệp vụ, đó là nguyên tắc dẫn đường trong hoạt động của cơ quan Hải quan hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Các website:

www.customs.gov.vn

www.baohaiquan.vn

www.baomoi.com

www.thuvienphapluat.vn

www.taichinhdientu.vn

2. Một số luận văn thạc sĩ của Trường Đại học Kinh tế quốc dân

3. Luật Hải quan năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005.

4. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005.

5. Luật Quản lý thuế năm 2007.

6. Thông tin nội bộ Cục Kiểm tra sau thông quan (2007), thực tế của lực lượng kiểm tra sau thông quan tại các nước phát triển.

RISK MANAGEMENT IN LAW ON CUSTOMS OF VIETNAM

Master. DINH TIEU KHUE

Head of Faculty of Postgraduate, Banking Academy

ABSTRACT:

In the context of a boom of trade activities around the world, some international business communities have called for minimizing governmental intervention in trade activities. This phenomenon has prompted some customs administrations to implement the risk management method which could help them both facilitate and regulate trade activities. The risk management method could be effectively applied to both automatic and manual mechanisms of customs administrations. This method has been implemented by Vietnamese customs since January, 2006 when the revised Law on Customs took effect in 2005. The risk management method is playing a central role in the modernization progress of Vietnamese customs.

Keywords: Risk management, customs, risk assessment.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây