Quẩy tên làng đi khắp non sông

Trong hành trang thiên di, trên đôi quang gánh vượt dặm ngàn, ngoài những vật dụng thiết yếu nhất: bao gạo, con dao, cái bát… không thể thiếu tên làng Thuần Nghệ.

Sơn Tây là một thị xã lạ lùng. Năm 1960 cha tôi lên Sơn Tây “khởi nghiệp” chữa khóa, trong lần trà dư hậu tửu với một thầy tử vi, thầy phán, Sơn Tây thuộc về cung Thiên di (luôn di chuyển theo mệnh trời). Không kể lần xuất hiện đầu tiên gần 6 thế kỷ trước, vào năm 1469 với tư cách thủ phủ của Phủ Quảng Oai dưới đời vua Lê Thánh Tông; chỉ tính từ khi tôi sinh ra và lớn lên, thị xã Sơn Tây có đến mấy lần “đổi chủ”. Tháng 4 năm 1965, Sơn Tây sáp nhập với Hà Đông, trở thành 1 thị xã thuộc tỉnh Hà Tây. Tháng 12 năm 1975, Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Tháng 12 năm 1978, Sơn Tây thuộc TP. Hà Nội. Tháng 8 năm 1991, Sơn Tây trở về tỉnh Hà Tây. Ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thị xã Sơn Tây lại nhập về Thủ đô Hà Nội.

Năm 1991, khi tôi đang là sinh viên năm cuối, anh Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây xuống trường Đại học Tổng hợp xin tôi về làm “nhà đài” ở thị xã. Trong câu chuyện vui, anh bảo, nhờ cung Thiên di, Sơn Tây có cơ hội “giao lưu” với trên 30 quận, huyện xung quanh Thủ đô và một phần các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Dĩ nhiên chỉ là vui chuyện. Nhưng trong lòng Sơn Tây, có một làng tên Thuần Nghệ, đích thực là “vua” của cung Thiên di. Làng thành lập năm 1672 bởi vị quan thông thạo kỹ nghệ Nguyễn Công Hoàn. Vị quan dưới Triều Lê Trung Hưng này dạy dân làng làm gốm, làm mộc, chạm bạc và đan mây tre. Từ đó đến nay, cuộc sống của dân làng trông chờ vào đến 95% làm nghề (nên mới gọi tên làng Thuần Nghệ: chuyên làm nghề), chưa đến 5% làm ruộng.

Sau giải phóng miền Bắc năm 1954, người dân làng Thuần Nghệ thiên di khắp nơi. Chủ yếu là theo các phong trào vận động của đoàn thể, chính quyền. Như phong trào phục hóa nông nghiệp những năm 1956-1958; phong trào khai hoang các tỉnh miền núi phía Bắc 1963-1964. Sau giải phóng miền Nam là phong trào xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong hành trang thiên di, trên đôi quang gánh vượt dặm ngàn, ngoài những vật dụng thiết yếu nhất: bao gạo, con dao, cái bát… không thể thiếu tên làng. Những năm 1956-1970 khi đất đai còn rộng rãi, ở nơi mới đến, người làng được cấp hẳn một khu đất, họ có thể lấy nguyên tên làng Thuần Nghệ mà đặt. Về sau, những năm 1980-1990 ở các khu kinh tế mới phía Nam, người làng Thuần Nghệ ở xen kẽ với người dân bản địa, họ ghép tên làng mình với tên làng bản địa.

Có một sự hiểu lầm vui vui. Tên làng Cát Hành ở Sông Bé ghép với tên làng Thuần Nghệ ở Sơn Tây thành làng Cát Nghệ. Nhiều người ở xa nghe tên làng liền suy đoán làng này có cát vàng(!). Đến nay, sau mấy chục năm thiên di, người dân các tỉnh phía Nam đã nhận diện được, cứ cái tên ghép nào có chữ “nghệ” thì hẳn làng đó có nghề thủ công tinh xảo.

Ngày 25 tháng 2 âm lịch hàng năm, người làng Nghệ ở nhiều nơi trên cả nước lại trở về làng Thuần Nghệ ở Sơn Tây, để giỗ vị quan Triều Lê Trung Hưng, nay đã là Thành Hoàng làng, và mở hội thi 4 nghề đầu tiên được ông truyền cho: Nặn gốm, làm mộc, đan mây tre, chạm bạc.


Châu Giang