Quyết định chưa từng có trong lịch sử, Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh

Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước

Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh được căn cứ trên nguyên tắc:

Thứ nhất: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Thứ hai: Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba: Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Thứ tư: Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Thứ năm: Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Dự kiến sẽ có khoảng 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

Theo báo cáo của Tổ công tác, tính đến ngày 20/9/2017, các đơn vị thuộc Bộ đã đồng loạt gửi kết quả rà soát trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp ngày 15/9. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội. Trong đó, tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28.

Điểm đáng chú ý của đợt rà soát lần này theo Tổ công tác là số lượng điều kiện kinh doanh mà các đơn vị đề xuất cao hơn so với dự kiến ban đầu hơn 60 điều kiện và lên tới con số 675 thay vì 612 điều kiện, chiếm 55,5% tổng số các điều kiện thay cho con số 50,3% dự kiến ban đầu.

Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, vào điểm tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chínhtrong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo (lĩnh vực này đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn); tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.

17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử;vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.

Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nghiêm tục triển khaithực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã giảm được trên 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan, còn lại đều là những mặt hàng mà theo quy định của pháp luật, Bộ không có thẩm quyền bãi bỏ việc kiểm tra trước thông quan. Tuy nhiên, với những mặt hàng này, Bộ đã triệt để áp dụng các nguyên tắc như minh bạch hóa (quy định đầy đủ mã HS), quản lý theo mức độ rủi ro (phương thức kiểm tra giảm hoặc chỉ kiểm tra hồ sơ), quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra.

Kết quả đạt được cho tới nay là khá tích cực, các vấn đề nổi cộm, bị doanh nghiệp phàn nàn nhiều như kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra hàm lượng formaldehyde, kiểm tra chất lượng thép, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khai báo hóa chất… đều đã hoặc sẽ được giải quyết triệt để, dứt điểm. Công tác cải cách thủ tục hành chính và áp dụng thủ tục trực tuyến cũng thu được nhiều kết quả khả quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Những định hướng lớn của Bộ là:

- Tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan.

- Với các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra, tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị tham gia đánh giá sự phù hợp.

- Tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa các TTHC, các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

- Chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN.

Ngoài ra, trong các năm 2015, 2016 và 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành của Bộ, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm các loại giấy tờ, hồ sơ hoặc chuyển sang thủ tục mang tính tự động hơn (trực tuyến) để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Bộ đã triển khai và hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao, cụ thể là:

Giảm lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra trước thông quan: Ngày 8/9/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3648/QĐ-BCT công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, thay thế cho Quyết định số 11039/QĐ-BCT ngày 3/12/2014. Với mặt hàng thép, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012của Bộ KHCN, các mặt hàng thép (trừ thép làm cốt bê tông) đã được chuyển toàn bộ việc kiểm tra chất lượng sang hậu kiểm kể từ ngày 1/10/2017.

Như vậy, Quyết định số 3648/QĐ-BCT và Thông tư 07 đã xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chỉ còn 02 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm là các sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Bộ Công Thương không có sản phẩm hàng hóa thực hiện kiểm tra trong khi thông quan.

Cụ thể hóa mã HS cho các sản phẩm thuộc diện kiểm tra: Toàn bộ các loại thực phẩm và tiền chất thuốc nổ cần kiểm tra an toàn trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đều đã được cụ thể hóa theo mã HS đến cấp độ 8 số.

Xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra: Bộ Công Thương đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành một cách triệt để. Bộ đã chỉ định 11 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hình thức xã hội hóa. Với vật liệu nổ công nghiệp, Bộ đã chỉ định 02 tổ chức thử nghiệm có đầy đủ trang thiết bị và trình độ để đảm nhiệm công việc kiểm tra nhà nước.

Đối với thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Dù là thủ tục sau thông quan, Bộ cũng đã cho phép các tổ chức thử nghiệm trong nước và nước ngoài (bao gồm cả tổ chức thử nghiệm độc lập và phòng thử nghiệm của nhà sản xuất), nếu đáp ứng các điều kiện luật định, đều được tham gia kiểm tra, đánh giá.

Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra: Bộ Công Thương đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm qua 5 lần kiểm tra liên tiếp sẽ được áp dụng phương thức chỉ kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu sản phẩm. Với mặt hàng thép, khi còn thực hiện thủ tục kiểm tra trước thông quan, Bộ cũng đã áp dụng các hình thức kiểm tra giảm và chỉ kiểm tra hồ sơ để giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương đang xây dựng Thông tư sửa đổi một số quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Dự kiến sẽ sửa đổi theo hướng chỉ kiểm tra hồ sơ đối với các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ đã đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm qua 03 lần kiểm tra liên tiếp (trước đây là 05 lần). Trên tinh thần chỉ kiểm tra các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao không bảo đảm an toàn thự phẩm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra hoặc áp dụng ngay hình thức kiểm tra hồ sơ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo đánh giá của Tổ công tác, việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải, sợi, bán thành phẩm và sản phẩm mẫu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 đến 3,8 ngày.

Đối với thực phẩm, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm cho 2.325 lô hàng đủ điều kiện, giúp doanh nghiệp giảm thời gian thông quan trung bình từ 12 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc. Những lô hàng đủ điều kiện "kiểm tra hồ sơ" chỉ mất 2 giờ là hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành (tính từ khi hàng bắt đầu nhập cảng cho đến khi doanh nghiệp nhận được Thông báo kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu).

Đối với thép, Bộ Công Thương đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về quản lý chất lượng. Quy trình kiểm tra giảm giúp doanh nghiệp giảm được thời gian thông quan từ 3 đến 4 ngày, đồng thời giảm được khoảng 2 triệu chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng. Kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2017, khi mặt hàng thép được chuyển sang kiểm tra sau thông quan, dự kiến thời gian thông quan sẽ tiếp tục được giảm xuống.

Bộ Công Thương đã chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với 05 thủ tục hành chính bao gồm:

- Cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi;

- Cấp phép nhập khẩu tự động xe mô tô phân khối lớn;

- Cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn;

- Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

- Cấp Giấy chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim cương thô.

>>>Xem chi tiết phụ lục tại đây