Rạng Đông: Dám đầu tư, dám chấp nhận thất bại để thành công

Vì sao Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông lại thành công trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chuyên dụng cho nông nghiệp công nghệ cao? Câu trả lời nằm trong bài phỏng vấn PGS.TS Đỗ Xuân Thành –
PV: Thưa ông, trên thế giới, các sản phẩm chiếu sáng trong nông nghiệp công nghệ cao đã có từ lâu, khá phổ biến và được đánh giá cao về chất lượng. Vậy các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng cho nông nghiệp do Rạng Đông nghiên cứu và chế tạo liệu có đủ tự tin để cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Đúng là đã có rất nhiều công ty trên thế giới thành công trong việc nghiên cứu sản xuất các nguồn sáng chuyên dụng cho nông nghiệp. Đối với các lĩnh vực khác nhau như: gây nuôi (nuôi cấy mô), dẫn dụ (bẫy ánh sáng bắt côn trùng…), chăn nuôi (tăng sản lượng sữa, trứng…), vi sinh vật (nuôi trồng tảo...), nông nghiệp (điều khiển ra hoa cây hoa cúc, thanh long…) đòi hỏi một loại đèn chuyên dụng với bước sóng, phổ ánh sáng riêng biệt phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.

Người dân nếu mua các loại đèn chuyên dụng của nước ngoài thường phải chịu mức giá rất cao, và khi đem về Việt Nam sử dụng thì với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hoàn toàn khác cũng không thể phát huy hết được tính năng của đèn để đạt kết quả như mong muốn.

Để sản xuất được các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông phải kết nối với các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực chiếu sáng, sinh học, thực vật học tại các viện, trường và các hộ dân thực hiện nghiên cứu sản xuất các loại nguồn sáng chuyên dụng đặc thù, phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng vật nuôi, điều kiện khí hậu và tập quán sản xuất của Việt Nam, giá thành sản phẩm lại thấp hơn nhiều so với các sản phẩm nhập ngoại, tiết kiệm điện năng. Do vậy, các sản phẩm chuyên dụng cho chiếu sáng nông nghiệp của Rạng Đông hoàn toàn tự tin có khả năng cạnh tranh mạnh với các sản phẩm nhập ngoại.

PV: Việc nghiên cứu các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng trong nông nghiệp công nghệ cao đã có rất nhiều nơi nghiên cứu thực hiện. Vậy xin ông cho biết, đâu là điểm khác biệt của Rạng Đông so với các đơn vị nghiên cứu khác?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề được Nhà nước rất quan tâm thực hiện. Nhà nước cũng đã cấp vốn cho nhiều đơn vị viện, trường để thực hiện các đề tài nghiên cứu các nguồn sáng chuyên dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. Việc nghiên cứu được triển khai theo 2 hướng tiếp cận khác nhau.

Thứ nhất là tiếp cận theo kiểu các đề tài nghiên cứu khoa học, đây là hướng mà các viện, trường thực hiện. Đặc điểm của việc tiếp cận này thường là tìm ra các kỷ lục, các cơ chế, qui trình chiếu sáng và chỉ phù hợp với đối tượng chiếu sáng chuyên biệt khác nhau mà không phù hợp với nhiều đối tượng chiếu sáng, không phù hợp với thực tế sản xuất của bà con.

Tôi ví dụ việc trồng hoa cúc ở Đà Lạt khác với ở Hà Nội, ở miền Nam khác với miền Trung, mỗi loại cây giống ở các khu vực này là khác nhau. Và yêu cầu thực tế là phải nghiên cứu ra loại đèn với các phổ, bước sóng, cường độ chiếu sáng phù hợp cho chiếu sáng các giống cây hoa cúc ở tất cả các vùng này, chứ không phải là mỗi loại giống khác nhau ở các vùng khác nhau, chúng ta lại phải nghiên cứu ra một loại đèn được.

Hay ví dụ như ở Công ty Rừng hoa Đà Lạt, đây là công ty chuyên sản xuất các cây giống để phục vụ cho xuất khẩu (chủ yếu là xuất khẩu sang Hà Lan). Họ sản xuất theo qui mô công nghiệp với khoảng 500 cây giống các loại, nhưng chỉ sử dụng một loại đèn chiếu sáng chuyên dụng trên dây chuyền sản xuất. Họ không thể làm theo khoa học, sử dụng 500 loại đèn khác nhau để chiếu sáng cho 500 loại cây giống khác nhau được. Đó là yêu cầu thực tế sản xuất đặt ra cho việc nghiên cứu. Và đây chính là hướng tiếp cận nghiên cứu của Công ty Rạng Đông.

Trung tâm R&D của Rạng Đông tiếp cận nghiên cứu theo thực tế sản xuất, nghiên cứu các sản phẩm chiếu sáng hướng đến đối tượng sử dụng theo yêu cầu của khách hàng, theo đơn đặt hàng của khách hàng. Nghiên cứu sản xuất được loại đèn đáp ứng được tất cả các loại đối tượng nuôi cấy mô, hoa cúc... khác nhau theo đúng thực tế sản xuất của bà con. Vừa đảm bảo thay thế được các loại đèn nhập ngoại, thích ứng được với tất cả các đối tượng khác nhau và tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân

Và đây chính là điểm khác biệt, độc đáo của Rạng Đông trong hướng nghiên cứu sản xuất đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nông nghiệp công nghệ cao.

PV: Rạng Đông đã dựa trên cơ sở khoa học nào để sản xuất ra được các loại đèn chuyên dụng phù hợp với tất cả các đối tượng khác nhau, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Cơ sở khoa học nghiên cứu của Trung tâm R&D Rạng Đông chính là liên kết tri thức liên ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trung tâm kết hợp với các chuyên gia ở các lĩnh vực sinh học, chiếu sáng, công nghệ chế tạo vật liệu chuyên dụng, thực vật học, chăn nuôi, chế tạo các loại đèn chuyên dụng và bà con nông dân. Thực hiện liên kết giữa nhà sản xuất - nhà khoa học – bà con nông dân, để tìm ra loại đèn phù hợp với tất cả các loại đối tượng chiếu sáng theo thực tế sản xuất của bà con.

Việc nghiên cứu sản xuất của chúng tôi nhằm giải quyết được 03 vấn đề chính của thực tế sản xuất, đó là: Sản xuất được loại đèn có chất lượng tốt, thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập ngoại; Thích ứng được với tất cả các đối tượng khác nhau ở các lĩnh vực: chăn nuôi; nuôi cấy mô; chiếu sáng điều khiển ra hoa cây hoa cúc, cây thanh long; Đảm bảo tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.

Dây chuyền lắp ráp đèn LED BULB

PV: Là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu nguồn sáng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, ông có thể cho biết các khó khăn mà Trung tâm R&D gặp phải trong quá trình nghiên cứu và cách tháo gỡ khó khăn đó như thế nào?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Khó khăn lớn nhất chính là việc liên kết tri thức liên ngành từ nhiều phía, lôi kéo được người nông dân tham gia nghiên cứu cùng với các nhà khoa học và nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cũng phải hiểu được thực tiễn tập quán sản xuất nông nghiệp, hiểu rõ từng loại đối tượng cây trồng vật nuôi để nghiên cứu ra được loại nguồn sáng chuyên dụng phù hợp. Ngoài ra còn có các khó khăn về vốn đầu tư, doanh nghiệp phải tự bỏ vốn để nghiên cứu thử nghiệm và cũng gặp nhiều rủi ro. Không phải nghiên cứu nào cũng thành công, chúng tôi phải “dám chơi”, chấp nhận rủi ro lớn trong nghiên cứu. Chúng tôi không tự nghiên cứu theo ý hiểu của mình, mà liên kết tri thức khoa học từ nhiều phía, nhiều lĩnh vực, tiếp cận hợp lý với điều kiện sản xuất của Việt Nam và cam kết đền bù cho người dân nếu nghiên cứu thất bại làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của họ.

PV: Ông có thể nói về những thất bại Trung tâm R&D Rạng Đông đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Trong hàng trăm nghiên cứu có khi chúng tôi chỉ thành công với một vài nghiên cứu, chấp nhận tốn kém rất nhiều thời gian, công sức cũng như vốn đầu tư nghiên cứu. Đã có lần, Công ty phải đền bù hơn 50 triệu cho hộ dân trồng hoa cúc khi giai đoạn đầu nghiên cứu thử nghiệm đèn chiếu sáng điều khiển ra hoa cây hoa cúc bị thất bại. Việc thất bại trong nghiên cứu là điều hết sức bình thường trong khoa học, cái quan trọng là chúng tôi dám làm, dám thực hiện.

PV: Nhưng sau những thất bại đó, dường như Rạng Đông đã gặt hái nhiều thành công trong nghiên cứu chế tạo nguồn sáng chuyên dụng cho nông nghiệp công nghệ cao?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Hiện tại, Trung tâm R&D Rạng Đông đã nghiên cứu sản xuất thành công các loại đèn chuyên dụng trong các lĩnh vực chiếu sáng điều khiển ra hoa cây thanh long, cây hoa cúc; chiếu sáng nuôi cấy mô; chiếu sáng rau mầm rau đô thị; chiếu sáng nuôi trồng tảo; chiếu sáng trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Các sản phẩm chiếu sáng của Rạng Đông đã được đưa vào thương mại hóa, bán ra thị trường và được đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả kinh tế đem lại cho bà con.

PV: Định hướng sắp tới của Trung tâm R&D Rạng Đông trong lĩnh vực chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao là gì, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Xuân Thành: Rạng Đông không chỉ đơn giản là sản xuất ra các loại bóng đèn chuyên dụng trong chiếu sáng nông nghiệp, mà cao hơn nữa là chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp chiếu sáng, qui trình chiếu sáng đạt hiệu quả nhất cho sản xuất nông nghiệp. Tìm ra ngưỡng chiếu sáng, qui trình chiếu sáng hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau.

Và tôi kỳ vọng ở Việt Nam sẽ có các công ty dịch vụ chuyên đi làm chiếu sáng. Và khi ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh, người dân sẽ tìm đến các công ty dịch vụ chiếu sáng để tính toán về điện, tính toán đường dây, lượng đèn chiếu sáng. Và khi đó, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ nằm ở các giải pháp chiếu sáng mà chúng tôi đưa vào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.