Rất nhiều điểm mới tạo nên sự khác biệt trong Quyết định mới hỗ trợ phát triển các dự án điện gió

Điểm mới nổi bật, làm nên sự khác biệt căn bản giữa 2 Quyết định là cơ chế mua điện gió, là một trong những bước đi cụ thể tiến tới hiện thực hóa thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37 năm 2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Ở Quyết định 39, dư luận quan tâm nhiều đến giá mua điện gió, song thực ra, có nhiều điểm mới tạo nên sự khác biệt của Quyết định mới so với Quyết định cũ.

Trước hết, Quyết định 39 (sau đây gọi là Quyết định mới) bãi bỏ các điều 3, 4, và 5 của Quyết định 37 (sau đây gọi là Quyết định cũ). Điều 3, 4, và 5 của Quyết định cũ mang nặng tính chất của chế xin-cho. Chẳng hạn như: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có tiềm năng phát triển điện gió tổ chức lập Quy hoạch phát triển điện gió cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt”. (Khoản 2, Điều 4); hoặc: “Trong thời gian quy hoạch điện gió chưa được phê duyệt, các dự án điện gió cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư”. (Khoản 5, Điều 4); “Ngân sách trung ương cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện gió quốc gia.” (Khoản 1, Điều 5); “Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện gió địa phương”. (Khoản 2, Điều 5)…

Quyết định mới sửa đổi Điều 10 theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính. Ở Quyết định cũ, trong thời gian xây dựng dự án điện gió, hàng quý chủ đầu tư phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án của quý trước, kế hoạch thực hiện của quý tiếp theo. Đồng thời, hàng năm, chủ đầu tư phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án trong năm trước, kế hoạch triển khai của năm tiếp theo gửi Bộ Công Thương để quản lý, theo dõi thực hiện. Còn trong Quyết định mới, chế độ báo được thực hiện 2 lần, định kỳ vào 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.

Nhưng điểm mới nổi bật, làm nên sự khác biệt căn bản giữa 2 Quyết định là cơ chế mua điện gió. Ở Quyết định cũ, “Nhà nước hỗ trợ giá điện cho Bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1,0 UScents/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam”. Với Quyết định mới, bãi bỏ cơ chế Nhà nước hỗ trợ giá, thay vào đó: “Chi phí mua điện từ các dự án điện gió được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Ở Quyết định cũ, lúc đó mới có điện gió trên bờ nên chỉ có một giá mua thống nhất là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 UScents/kWh). Quyết định mới, theo tình hình thực tế, chia ra làm 2 loại, với các dự án điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh; với các dự án điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 UScent/kWh.

Cơ chế mua điện gió trong Quyết định mới là một trong những bước đi cụ thể tiến tới hiện thực hóa thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cũng như minh bạch hóa giá điện.

Long Thành