SPC hỗ trợ nông dân trồng thanh long tiết kiệm 330 tỷ đồng

Sáng 12/4, tại thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổng kết chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact.

Chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm là một trong những hoạt động nhằm tuyên truyền quảng bá về chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, các hộ nông dân đang sử dụng hơn 6 triệu bóng tròn sợi đốt loại 60W để chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ. Với số lượng đèn này, nhu cầu công suất đỉnh khoảng 252 MW.

Vấn đề đặt ra phải có giải pháp cấp bách để giảm số lượng đèn sợi đốt và thay thế bằng đèn tiết kiệm điện hiệu suất cao trong khu vực. Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ Nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện là hết sức cần thiết trong giai đoạn này.

Chương trình sau 3 năm triển khai đã hỗ trợ trên 2 triệu bóng đèn compact cho trên 2.300 hộ nông dân trồng thanh long tại 3 tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. So với chi phí sử dụng bóng đèn sợi đốt, việc thay thế bóng compact chong đèn cho thanh long trái vụ tại các địa phương nói trên đã tiết kiệm 330 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho hay, mặc dù, các thử nghiệm khoa học đã có kết quả và thực nghiệm chứng minh hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt chiếu sáng cho thanh long và thực tế đèn compact đã được áp dụng ở khá nhiều nhà vườn, nhưng đèn sợi đốt vẫn còn được sử dụng nhiều ở các vườn thanh long. Nguyên do giá đèn compact dùng cho thanh long còn cao.

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC phát biểu tại Hội nghị

Đối với mỗi hộ nông dân, số bóng đèn phải sử dụng cho vườn thanh long từ hàng trăm, tới vài ngàn bóng đèn. Với chi phí khoảng 40.000 đ/bóng compact (giá đèn cuối năm 2013) thì bình quân mỗi hộ nông dân cũng phải đầu tư vài chục triệu đồng. Trong khi đó nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt chỉ khoảng 5.000 – 7.000 đ/bóng (loại 60W) thì chi phí chỉ khoảng vài triệu đồng.Vì vậy việc xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện là hết sức cần thiết trong giai đoạn này.

Ông Trần Văn Tân, hộ nông dân ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, sau 2 vụ dùng đèn compact thay cho bóng đèn tròn sợi đốt đã tiết kiệm được 2/3 tiền điện. Vì thế, ông đã vận động nhiều hộ nông dân khác thay đèn tròn bằng đèn compact.

Tính toán của EVN SPC cho thấy, nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,2 triệu USD/1 MW, tương đương 26,5 tỷ đồng thì giảm áp lực đầu tư hoặc giãn tiến độ đầu tư công trình điện với giá trị tương đương 67 triệu USD (khoảng 1.475 tỷ đồng). Tính riêng do giãn tiến độ đầu tư trạm 110 kV và đường dây 22 kV thì giá trị tiết kiệm do giảm đầu tư là 5 tỷ đồng/năm .

Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp cắt giảm hơn 200.000 tấn CO2 , góp phần bảo vệ môi trường . Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Không những thế, còn giúp tạo hiệu ứng cạnh tranh, tạo động lực giảm giá thị trường đèn compact tiết kiệm điện.

   

Để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới,EVN SPC đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành có cơ chế hỗ trợ chi phí cho nông dân tại các địa phương trồng thanh long đổi và duy trì sử dụng đèn tiết kiệm điện dùng chong thanh long vụ nghịch mùa. Đồng thời, có lộ trình ngừng sản xuất, lưu hành và sử dụng đèn sợi đốt có công suất lớn để việc tuyên truyền, vận động nông dân trồng thanh long sử dụng đèn tiết kiệm điện có hiệu quả, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội.


Lê Hoa