Sự phát triển của thành phố Lào Cai - những dấu ấn không thể nào quên

Trước năm 2000, các cuộc giao lưu giữa thị xã Lào Cai với huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) chủ yếu là chúc tụng nhau nhân những ngày lễ trọng thể của 2 nước.

 Từ năm 2001, hai bên đã thống nhất nguyên tắc gặp gỡ, trao đổi hằng năm, luân phiên tổ chức hội đàm giữa lãnh đạo thị xã Lào Cai (Việt Nam) với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thống nhất nội dung cụ thể hợp tác trên các lĩnh vực. Thông qua các cuộc hội đàm, hai bên đã triển khai, cụ thể hóa nhiều chủ trương, kế hoạch của tỉnh và Trung ương về đối ngoại; đề xuất và kiến nghị cấp có thẩm quyền nhiều nội dung giao lưu, hợp tác phát triển.

Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lào Cai bức trướng nhân dịp kỷ niệm tái lập thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.

Có tới 10 biên bản ghi nhớ các nội dung đã được thỏa thuận; không ít nội dung mất nhiều thời gian, phối hợp các ngành chức năng của tỉnh để bảo đảm những nguyên tắc đối ngoại và yêu cầu pháp lý của các lĩnh vực trước khi hội đàm với bạn; nhiều vấn đề cũng rất khó khăn trong hội đàm mới đạt được những thỏa thuận. Tôi còn nhớ, ngay từ năm 2001, ý tưởng bắc cầu qua sông Hồng đã được nêu ra tại hội đàm, Bí thư Huyện ủy Hà Khẩu nói rất say sưa và cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, cần phải tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện vì nếu chỉ là những cây cầu bắc qua sông Nậm Thi ( bạn gọi là Nan Khê, nghĩa là khó khăn) thì không thể có sự phát triển cho cả hai bên cũng như quan hệ hữu nghị của chúng ta. Ý tưởng đó, cũng phải mất mười năm, cây cầu Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc) bắc qua sông Hồng mới được thực hiện. Không chỉ là những cuộc hội đàm, các hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai bên có ý nghĩa quan trọng trong công tác đối ngoại của thành phố; có nhiều việc bằng quan hệ tình cảm, cởi mở, không chính thức cũng đem lại lợi ích tích cực trong hoạt động kinh tế của nhân dân thành phố; thông qua mối quan hệ thân tình giữa 2 bên, hoạt động đối ngoại thành phố được mở rộng đến nhiều huyện và thành phố thuộc Châu Hồng Hà (Trung Quốc). Sau 10 năm tích cực hoạt động đối ngoại, quan hệ giữa thành phố với các huyện và thành phố của Trung Quốc có nhiều kết quả nên đã được Hiệp hội Hữu hảo nhân dân Trung Quốc bình chọn thành phố Lào Cai là thành phố hữu nghị với Trung Quốc. Tôi vinh dự được tỉnh bạn mời đi Thượng Hải (Trung Quốc) nhận Cúp hữu nghị vào tháng 10/2010.

Thành phố trẻ biên cương, thành phố anh hùng, giàu truyền thống yêu nước, luôn khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.  Sau sáp nhập 2 thị xã không lâu, thị xã vẫn chưa lên thành phố. Tôi nhớ vào một buổi sáng, anh Giàng Seo Phử Bí thư Tỉnh ủy gọi điện: Thị xã có đi viếng bác Bùi Mạnh Hùng không, bác ấy mất ở Yên Bái rồi đấy. Tôi hỏi lại: Bác Hùng là ai ạ? Anh Phử nói luôn: Bác Hùng, nguyên là Bí thư Thị ủy Lào Cai, chú là Bí thư thị ủy mà không biết bác ấy là ai thì đáng trách đấy. Đáng trách quá, các thế hệ lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ là ai, lịch sử Đảng bộ với tư cách là chủ thể sau sáp nhập 2 thị xã là thế nào, truyền thống cách mạng nơi đây ra sao? để có thị xã hôm nay mà không biết quá khứ thì quả là rất thiếu sót trong lãnh đạo của cấp ủy đảng, dù rằng thị xã mới sáp nhập, ngổn ngang những việc trước mắt phải làm.

Ga Quốc tế Lào Cai.

Thế là, nghiên cứu lịch sử Đảng bộ, truyền thống cách mạng quê hương là việc phải làm ngay. Tìm lại, thị xã mới chỉ có cuốn " Truyền thống cách mạng thị xã Cam Đường" nên chưa thể phản ánh được lịch sử Đảng bộ thị xã Lào Cai với tư cách thị xã tỉnh lỵ trong giai đoạn mới. Kế hoạch biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã Lào Cai, giai đoạn 1930 - 1954 được thực hiện khẩn trương. Anh Nguyễn Văn Vãn, lúc đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rất hăng hái giúp đỡ và biên soạn cuốn lịch sử. Hoàn thành bản thảo và tổ chức Hội thảo lịch sử Đảng bộ thị xã giai đoạn 1930 - 1954, tại Hà Nội gắn với kỷ niệm 53 năm Ngày giải phóng Lào Cai (01/11/1950 - 01/11/2003)   là dịp tri ân cán bộ, lãnh đạo của thị xã qua các thời kỳ đang sinh sống tại Hà Nội. Tư liệu lịch sử rất quan trọng và có tính quyết định, nhưng nhân chứng lịch sử có ý nghĩa thuyết phục, làm sống dậy các sự kiện lịch sử để cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã thực sự là công trình khoa học mang tính pháp điển hóa trên cơ sở tổng kết thực tiễn gắn với lý luận, góp phần nâng tầm trí tuệ của Đảng bộ, là nội dung quan trọng của văn hóa trong chính trị, có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. Cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã Lào Cai (1930 - 1954) được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 2 năm thị xã Lào Cai mới đi vào hoạt động (01/4/2002 - 01/4/2004). Qua viết lịch sử, thấy các thế hệ cán bộ, đảng viên thời kỳ này đã làm nên những kỳ tích, sự kiện cách mạng vang dội, làm rung động tâm hồn thế hệ hôm nay. Đi tìm những địa chỉ đỏ của dòng lịch sử ấy, chúng tôi nhận thấy, các thế hệ cán bộ, đảng viên rất anh hùng và tại sao lại không thể là anh hùng trong thời kỳ chống Pháp. Sắp lên thành phố, nên càng thôi thúc, Thị ủy có chủ trương, những công việc được tiến hành rất tích cực. Tôi nhớ có lần cùng anh Trần Ngọc Xuyến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã trong khi trao đổi với anh Tiến, cán bộ phụ trách thi đua của Bộ Quốc phòng, có đưa ra lý do tại sao bây giờ thị xã mới đề nghị phong tặng là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp vì cả nước đã thực hiện xong, việc này gần như khép lại. Chúng tôi khẳng định: Thị xã đã qua những bước thăng trầm, nhập vào và tách ra nhiều lần. Lần này, do viết lịch sử, thấy thị xã xứng đáng nhận phần thưởng cao quý này, chúng tôi mạnh dạn đề nghị, cũng là trách nhiệm đối với thế hệ cha anh, cho cả hôm nay và mai sau; đề nghị các anh trình giúp. Anh Tiến yêu cầu chuyển cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã để nghiên cứu. Thời gian trôi qua, thị xã lên thành phố và thành phố vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp vào năm 2005. Hôm nay, người dân nơi đây đã mang truyền thống cách mạng - truyền thống của thành phố anh hùng, cách đây hơn 60 năm.

Lên thành phố. Thành phố anh hùng của một thời máu lửa cho độc lập tự do nơi đây, càng tiếp thêm hăng hái cho chúng tôi nghiên cứu và viết lịch sử. Mới đầu Tỉnh ủy cho phép biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ đến năm 2000. Quá trình hoàn thành bản thảo và hội thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố giai đoạn này cũng rất lý thú với sự kiện: Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã bất thường sau sáp nhập, mang tên rất đặc biệt: "Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Lào Cai, nhiệm kỳ 2000-2002-2005". Trong 5 năm (từ năm 2000 - 2005) từ hai chủ thể thành một thị xã, vẫn là cấp huyện, một nhiệm kỳ đại hội phải kéo dài 5 năm và phải trùng thời gian theo quy định của cả nước. Như vậy, nếu viết lịch sử Đảng bộ đến năm 2000 thì sẽ không có ý nghĩa tổng kết giai đoạn này, vì năm 2000 đang tồn tại 2 thị xã. Do đó, cuốn Lịch sử Đảng bộ tập này được biên soạn đến năm 2005, xuất bản năm 2010. Chưa đầy 10 năm, hai lần biên soạn Lịch sử Đảng bộ, tái hiện lịch sử vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, truyền thống cách mạng diễn ra trên địa bàn thành phố hơn 70 năm đã giúp cho thành phố thêm niềm tự hào, tin yêu về quê hương Lào Cai nơi địa đầu của Tổ quốc Việt Nam.

Lại nói về thành phố anh hùng. Năm 2004, khi tôi trực tiếp về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp cho thành phố, anh Nhân, Vụ trưởng phụ trách việc này nói: Thành phố anh hùng trong chống Pháp thì được rồi, vấn đề là thành phố của mình có vị trí quan trọng như thế thì phải là thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới, khó mấy cũng phải làm, còn đại diện cho cả nước trong hội nhập quốc tế chứ, vì thành phố tỉnh lỵ Lào Cai giáp biên giới, đất nước này chỉ có một thôi đấy. Vậy là ý tưởng xây dựng thành phố anh hùng có từ đây. Thành phố anh hùng không chỉ là mục tiêu mà quan trọng hơn phải là động lực thực sự để phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự biến đổi sâu sắc về chất và về lượng hướng tới hiện đại, văn minh. Việc gì cũng khó, đòi hỏi phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình và thực chất đây còn là công việc của cả tỉnh. Năm 2007, sau khi tìm ra lời giải về vấn nạn ma túy (được coi là rất khó), thành phố chính thức đề nghị, tỉnh nhất trí và phong trào thi đua xây dựng thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới được thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Thực hiện Đề án xây dựng thành phố anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới góp phần điều chỉnh tổng thể các quan hệ lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện bảo đảm thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực nhanh nhưng phải bền vững, điều chỉnh mọi hành vi của người thành phố theo hướng có văn hóa, văn minh để thành phố văn minh và hiện đại. Hơn hai mươi năm qua, thành phố đã có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển, có cả những hành động anh hùng vì cả nước, nhưng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải kiên trì phấn đấu mới có thể đạt được mục tiêu. Cũng phải mất 10 năm để thành phố từ đô thị loại III trở thành đô thị loại II và có thể sẽ là loại I trong tương lai. Thành phố phát động thi đua xây dựng đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới nhưng không chạy theo phong trào, mà đòi hỏi phải tạo ra được dòng mạch chính, xuyên suốt và trở thành động lực to lớn, cuốn hút cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng văn hóa và con người thành phố với những chuẩn mực và đặc trưng phù hợp một cách thường xuyên, liên tục, đủ sức gõ cửa đến từng nhà, từng cộng đồng và thức tỉnh đến từng con người cụ thể trong xây dựng phẩm chất, truyền thống tốt đẹp và không ngừng nâng cao tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại; là cơ sở của sự thành công có tính bền vững trong việc chống lại những thói hư tật xấu, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Xây dựng thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới là mục tiêu vinh dự, mang đậm chất nhân văn và thực chất là yêu cầu cao hơn, nhanh hơn trong quá trình phát triển hướng tới văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò của thành phố trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Để đạt được điều đó, đòi hỏi quyết tâm rất cao của cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị và người dân thành phố và phải trở thành mục đích tự thân. Mục tiêu thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới trong những điều kiện mới phải được xem như là một trong những thời cơ, động lực lớn và đồng thời cũng là thách thức trong chiến lược phát triển đi lên của thành phố Lào Cai. Nhìn lại chặng đường đã qua, thành phố Lào Cai đã phát triển vượt bậc về mọi mặt. Trong đó, đáng trân trọng là đã hình thành được những thành tố của đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới: Thành phố tiêu biểu trong hoạt động đối ngoại mà trọng tâm là phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế; tiêu biểu trong thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội với việc đưa 2 xã Tả Phời, Hợp Thành ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn; tiêu biểu về bảo đảm trật tự an ninh, trong đó có sự góp phần tích cực từ    sự thành công cai nghiện ma túy "3 giai đoạn, 2 hình thức" cho người nghiện ma túy trên địa bàn. Đó là thành quả từ những chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và hành động cách mạng của nhân dân các dân tộc thành phố đã và đang đơm hoa, kết trái làm nên những giá trị riêng có - nơi hội tụ, tôn dày thêm tiềm năng, lợi thế của Lào Cai trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Một hành trình đã qua, thành phố mình đã đi lên bởi cộng hưởng của mười năm cho sự phát triển. Trong bước đường tiếp tục đi lên, đòi hỏi cần có những ý tưởng mới nhiều hơn nữa, để thành phố phát triển nhanh hơn và bền vững.

Thênh thang Đại lộ Trần Hưng Đạo.

Mùa đông lại về, thế mà đã 20 năm rồi, một sự kiện tôi chẳng thể nào quên. Là Phó Chủ tịch UBND thị xã phụ trách lĩnh vực văn xã phải ký hẳn một quyết định chặt cây gạo rất to, có lẽ tới hằng trăm năm tuổi trước trụ sở UBND thị xã đang xây dựng lúc đó, ngay ngã 5 đường Hoàng Sào giao cắt với các đường Cốc Lếu, Thanh Niên, Duyên Hà bây giờ, vì phải thực hiện quy hoạch. Mất hằng tuần vật vã trong nghĩ suy trước khi ký quyết định chặt cây gạo. Cây gạo đã từng làm đỏ rực trên cao vùng trời biên giới mỗi khi tháng 3 về. Cây gạo đã từng cho những mùa bông trắng xóa bay trên những đường phố của thị xã xinh xinh vùng biên viễn này mà từ nhỏ tôi đã có lần được thấy khi mất cả ngày đi bộ từ huyện ra phố tỉnh. Gạo - biểu tượng cho sự đủ đầy nơi đây. Phải có "Gốc Gạo" để mới có Cốc Lếu thân thương và từ xa xưa người Lào Cai dù đi đâu, vẫn rất nhớ cầu Cốc Lếu; rồi mới đây thôi, có nhạc sỹ ở thủ đô chỉ một lần đến Lào Cai cũng    phải thốt lên "nhớ Thủy Hoa bên cầu Cốc Lếu". Mong lắm, ở nơi đây có lại những mùa hoa gạo đỏ rực để cùng tôn lên những giá trị riêng có của Lào Cai. Đã hơn 10 năm rồi, những cây gạo được trồng, nay vẫn chưa đến độ ra hoa. Thôi thì, những cây gạo ơi! hãy thật từ từ đâm rễ sâu "uống nước nguồn đất mẹ" và tán lá thật rộng, thỏa thích "tắm nắng biên cương" cùng những công trình vươn cao giữa trời xanh. Để rồi, sẽ tràn về những mùa hoa gạo hòa cùng dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, lặng lẽ dâng cho đời những mùa xuân, để nơi biên thùy mãi mãi màu xanh.

Đã sang đông rồi, nhưng nắng vẫn vàng rực rỡ. Lào Cai - thành phố trẻ ta yêu đã tròn 10 năm tuổi. Trong mỗi con người Lào Cai dù đi đâu vẫn luôn nhớ về thành phố, về một chặng đường dựng xây và phát triển. Hôm nay, giữa lòng thành phố thân yêu, vẫn đón gió rừng già nhưng như mênh mang hơn, đất trời rộng mở, cửa ngõ "Bình Minh", nơi đón và tiễn những đoàn xe nối đuôi nhau dài như vô tận, hối hả ngược xuôi trên con đường cao tốc dài nhất đất Việt, vừa mới khánh thành. Chỉ   cần thế thôi cũng đã đủ cho mỗi chúng ta thêm tin yêu, nguyện dâng hiến hết thảy cho cuộc sống này và hãy luôn hướng về thành phố mình - thành phố trẻ biên cương, hòa bình, văn minh, hiện đại, nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.