Tái cơ cấu chuỗi cung ứng hàng dệt may - Những con đường hướng tới giá trị cao

Các doanh nghiệp ngành hàng may mặc của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp giày dép, đã có quy mô lớn và tương đối phát triển với khả năng cạnh tranh cao. Thách thức đối với ngành dệt may hiện nay tập

Gia tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng

Hiện nay, hầu hết sợi và vải phục vụ may xuất khẩu đều được các xí nghiệp nhập khẩu trực tiếp hoặc thông qua các công ty bán buôn nội địa. Phụ kiện được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Trung bình thời gian mua nguyên vật liệu mất khoảng 2-4 tuần. Vì vậy, để hoàn thành một đơn hàng thường mất thời gian hơn so với việc chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Thời gian sản xuất trung bình cho một đơn hàng là một tháng tùy khối lượng. Đối với các lô hàng nhắc lại theo đơn hàng cũ, thời gian có thể được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, có những đơn hàng phải mất 2 tháng nếu nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu, bởi đa phần các nhà sản xuất chỉ đặt mua nguyên liệu sau khi đã có đơn hàng

Hiện số lượng các xí nghiệp tham gia vào quá trình mua nguyên liệu đầu vào đang tăng dần. Chỉ có khoảng 2% các xí nghiệp tự thiết kế và một số trường hợp tự quảng bá thương hiệu của mình. Thông thường là xuất khẩu qua đường biển, chỉ có 10% qua đường hàng không. Nếu vận chuyển qua đường biển, công-ten-nơ được đóng ngay tại xí nghiệp, chủ yếu tập trung xung quanh TP. HCM. Đối với đơn hàng lớn hơn, công-ten-nơ được vận chuyển hàng tuần cho tới khi hoàn tất đơn hàng.

Theo đánh giá, cả hai công đoạn nguyên liệu và đầu ra của chuỗi cung ứng của ngành dệt may được đánh giá hoạt động khá hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, logistics được thực hiện bởi các hãng vận tải quốc tế do trụ sở chính thu xếp. Với các công ty trong nước, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu được chỉ định bởi nhà cung cấp nguyên liệu và khách hàng. Thời gian cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước dài hơn do sức mua có hạn. Đối với vận chuyển trong nước, khoảng cách đến cảng xuất khẩu quốc tế trung bình là ngắn hơn 100 km nên chi phí và thời gian vận chuyển đều thấp.

Cơ cấu chuỗi cung ứng cần linh hoạt hơn

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, ngành dệt may cần tăng cả khối lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm. Muốn vậy cần áp dụng nhiều phương án khác nhau cho các nhà máy gia công thuần tuý và nhà máy gia công theo hợp đồng. Đối với nhà máy gia công thuần túy, cần thu hút thêm vốn đầu tư thông qua phát triển các khu dành riêng cho dệt may, tập trung được nhân lực có tay nghề cao và có liên kết tốt với các cảng biển chính. Đối với nhà máy gia công theo hợp đồng, cần nâng cao cả giá trị sản phẩm và lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam. Muốn vậy, không chỉ đòi hỏi phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng mà còn cần có sự linh hoạt trong cơ cấu chuỗi cung ứng.

Việc tăng giá trị xuất khẩu cho ngành dệt may cần tăng giá trị sản phẩm thông qua tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là các sản phẩm dệt. Để thực hiện điều đó, các DN cần sử dụng các nguyên liệu đầu vào có giá trị cao, sau đó bán trực tiếp sản phẩm cho các nhà bán lẻ và các hãng có tên tuổi. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải làm mới công đoạn nguyên liệu đầu vào của chuỗi cung ứng, hoặc nâng cấp chuỗi cung ứng để có thể sản phẩm đa dạng hơn và rút gọn chu kỳ đặt hàng.

Ngoài việc tăng giá trị đơn vị hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đề xuất cần tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước. Các nhà sản xuất trong nước cần chuyển từ cắt may gia công trở thành các doanh nghiệp sản xuất thiết bị gốc, và tiến tới trở thành những nhà sản xuất thiết kế gốc. Hoạt động của các nhà máy gia công theo hợp đồng cần mở rộng đến giai đoạn mua nguyên vật liệu và thiết kế. Như vậy, cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng với sự tham gia của nhà sản xuất vào quá trình đặt hàng, giao nguyên vật liệu nhập khẩu, phân phối sản phẩm đến đại lý mua hàng và nhà bán lẻ. Giá trị gia tăng ở đây có thể tăng lên nhờ các phụ kiện được sản xuất trong nước và chất lượng vải được nâng cấp.

           Những con đường hướng tới hàng dệt may giá trị cao

- Phương pháp đầu tiên liên quan đến việc di chuyển lên các bậc cao hơn của kim tự tháp thời trang, con đường mà Ý, Pháp và gần đây là Nhật Bản đã áp dụng.

- Một con đường khác mà các quốc gia lựa chọn là sản xuất các phụ kiện cho ngành dệt may có giá trị gia tăng cao nhất.

- Con đường thứ ba là tập trung vào thị trường nào có nhu cầu sản phẩm đầu vào mang giá trị cao hơn và quy trình sản xuất phức tạp hơn. Đây là lựa chọn mà Srilanka đã thành công, còn Nepal thì ngược lại.

- Con đường thứ tư mà Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang theo đuổi là cung cấp các dịch vụ bổ sung như thiết kế, tìm nguyên liệu đầu vào và tiếp thị.

- Con đường cuối cùng chính là tiếp cận các thị trường có giá thành cao, thời gian giao hàng ngắn và linh hoạt hơn. Ví dụ, phần lớn các nhà bán lẻ đại trà Mỹ thường đặt mua số lượng hàng lớn các sản phẩm thống nhất và quan tâm nhiều tới giá cả hơn là chất lượng và thời gian. Ngược lại, các nhà bán lẻ EU đặt hàng với số lượng nhỏ hơn, với yêu cầu cao hơn về chất lượng và nội dung thiết kế. Do vậy, thời gian giao hàng và tính linh hoạt thường quan trọng hơn giá cả. Các nhà bán lẻ ở thị trường Nhật Bản cũng có yêu cầu tương tự.