Tầm nhìn nơi ấy, Trường Sa: Những bức thư không dán tem

Có hàng trăm bức thư chan chứa tình yêu thương và niềm tin gửi đến các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, nhưng chúng được chuyển đi theo phương thức rất đặc biệt.

Những “bưu tá” đặc biệt

Những bức thư này không dán tem, không chuyển phát theo đường bưu chính thông thường. Nhưng trước khi nói đến chúng, tôi muốn giới thiệu với các bạn những “bưu tá” nhận trách nhiệm vận chuyển những bức thư đó, cũng có tính cách rất đặc biệt.

Đó là cô Phan Thị Thúy Vĩnh, người sáng lập và là Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm. Cô tự nhận là người có nhiều duyên nợ với biển đảo quê hương. Nhiều năm nay, tổ thơ Phấn trắng của trường duy trì 2 mảng thơ viết về nhà trường và viết về biển đảo. Năm 2012, tập thơ “Vần thơ đất nước” tập hợp 48 bài thơ của 16 giáo viên nhà trường, trong đó có hơn 2/3 viết về chủ đề biển đảo. Tiếp đến, tháng 5/2015, tập “Biển bờ yêu thương” chẵn 100 bài thơ tràn ngập tình yêu thương gửi đến các chiến sỹ biển đảo, gửi đến “Những người con ôm giấc mơ đi về phía biển”.

Trường cô là nơi nhận nuôi dạy 10 học sinh là con của ngư dân và chiến sỹ biển đảo. Cô cũng là người vận động góp đá xây đảo Trường Sa, là thành viên tích cực của Quỹ Vừ A Dính quyên góp xây dựng 3 trường tiểu học ở đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và Song Tử Tây.

Cô Vĩnh năm nay đã 70 tuổi, có bệnh sợ độ cao, sợ sóng biển, lại bị hở van tim hai lá, ba lá, lúc nào cũng mang “một đống thuốc bên người”, nên khi Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn công tác ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa thì cô có phần ngập ngừng, nửa muốn đi nửa lo sợ không đủ sức. Nhưng khi thấy các em học sinh cặm cụi biên thư cho các chiến sỹ thì cô quyết định rất nhanh rằng, mình phải là người mang những là thư này, trao trực tiếp cho những người lính trên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cô quyết “chặt đứt cái phân vân” của mình bằng những vần thơ hồn nhiên, giản dị: “Biển sâu thăm thẳm mù khơi/Dập dềnh sóng vỡ rối bời âu lo/ Mặc cho thiên hạ nhiều lời/Trường Sa nhất quyết tới nơi lần này”.

Cô Phan Thị Thúy Vĩnh đọc thơ tặng chiến sỹ đảo Đá Lớn (A)

Một “bưu tá” khác là Lê Nguyễn Lan Anh - Bí thư chi đoàn lớp Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, là đảng viên khi mới tròn 18 tuổi do những hoạt động đặc biệt xuất sắc hướng về cộng đồng. Tháng 2/2008, đang là học sinh lớp 10, Lê Nguyễn Lan Anh đã sáng lập ra Câu lạc bộ K2C (tên viết tắt của Kêu gọi, Kết nối Cộng đồng) với hơn 30 thành viên. Đến nay, Câu lạc bộ đã quy tụ hàng ngàn thành viên, cùng chí nguyện trong các hoạt động từ thiện, đặc biệt hướng đến những mảnh đời bất hạnh, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. K2C tổ chức nhiều chương trình thiết thực như: Ngày yêu thương, Tết ấm lòng (tặng sách vở, nhu yếu phẩm cho trẻ em, gia đình nghèo), hay Ngày tri ân (tặng quà gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng)...

Đêm trước khi đi Trường Sa, các bạn cùng phòng đã thức thâu đêm viết thư. Lan Anh chia sẻ rằng, mình cảm thấy hạnh phúc gấp 2 lần vì không những được bày tỏ tình cảm của mình trong thư mà còn được mang những cánh thư chan chứa tình yêu thương và niềm tin yêu của đất liền gửi ra hải đảo.

Những lá thư tin yêu

Không có gì mộc mạc hơn nét chữ học trò, không có gì trong sáng hơn tâm hồn học trò. Tôi tin rằng cảm xúc đó sẽ ùa đến với bất cứ ai được cầm trên tay hàng trăm bức thư của học sinh THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm gửi các chiến sỹ đóng quân trên quần đảo Trường Sa.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên và xúc động hơn cả là đang tuổi ăn, tuổi lớn, các em giữ trong mình vẻ hồn nhiên trong sáng, nhưng dường như cảm xúc được thăng hoa đến độ đồng điệu với những con người, với những hoàn cảnh còn khá xa lạ với các em. Khó có thể tưởng tượng được, một học sinh cấp 2 lại thấu hiểu được tình cảnh của những chiến sỹ xa nhà lâu ngày. Đây là bức thư của Nguyễn Thị Ngọc My, học sinh lớp 7: “Trong lòng các chú chắc là rất nhớ quê nhà và luôn mong đợi những bức thư từ đất liền lắm nhỉ”.

Dù lối diễn đạt còn vụng dại, Ngọc My cũng cảm nhận được sự hy sinh cao quý của người lính đảo: “Điều gì khiến các chú chọn cái nghề khổ cực này? Có phải đó là lòng yêu nước, yêu đồng bào đã kêu gọi các chú đi theo tiếng gọi của Tổ quốc!”.

Tôi có hỏi cô Vĩnh, liệu giáo viên có “gà” cho học sinh những suy nghĩ này không? Cô cười bảo rằng không, nhưng nhà trường nhiều lần mời báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Thành ủy đến nói chuyện về biển đảo, nên có tác động tích cực đến nhận thức và tình cảm của học sinh.

Bức thư của em Nguyễn Văn Quang, lớp 8A2, trường THCS Ngô Thời Nhiệm

Điều đó cũng giải thích vì sao đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng các em có những liên tưởng rất gần với thực tế. Nguyễn Văn Quang, lớp 8A2 viết: “Giữa ngút ngàn trùng khơi, chúng cháu biết các chú phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết, sự thiếu thốn về vật chất và tình cảm”.

Tuy nhiên, các em đã biết vượt qua sự lôi cuốn của dòng cảm xúc để trở về với công việc thiết thực của mỗi người, trở về với lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”. Em Nguyễn Châu Thành, lớp 7A2 viết: “ Cháu yêu Tổ quốc Việt Nam, yêu các anh hùng dân tộc, yêu các chú. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để sau này lớn lên có thể làm nhiều điều có ích cho Tổ quốc”.

Nói như cô Phan Thị Thúy Vĩnh thì những câu chuyện thực tế về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ ngoài biển đảo đã giúp khai mở những tâm hồn trong sáng của các em thêm tin yêu đất nước và trách nhiệm cộng đồng. Cô kể rằng, sau khi nghe nói chuyện về biển đảo, một học sinh thay vì trả lời câu hỏi của giáo viên về bổn phận công dân, đã hát rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/gian khổ biết dành phần ai”.


Nguyễn Văn