Thách thức mới của ngành gỗ khi Việt Nam tham gia CPTPP

Bên cạnh những cơ hội mà CPTPP mang đến cho ngành gỗ thì một vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam đó là quyền sở hữu trí tuệ.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) trong Hội thảo “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017”. Theo ông, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Phát triển xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam hơn là thách thức.

Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU. Riêng thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gỗ từ nền kinh tế số 1 thế giới đã cán mốc hơn 3 tỷ USD trong năm vừa qua.

CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam hơn là thách thức

Từ hiệp định TPP trước đây, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác thương mại gỗ với nhiều quốc gia mạnh như Mỹ. Bình quân một năm chúng ta buôn bán với Mỹ trên 3 tỷ USD. Ngoài ra còn có các quốc gia thành viên TPP cũ như Nhật Bản, Australia và New Zealand…

Tham gia vào CPTPP còn có một số quốc gia có ngành công nghiệp gỗ mạnh khác như Canada, với sản lượng một năm lên tới 600 triệu m3 gỗ. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cơ hội đối với ngành gỗ là nhiều hơn”, Tổng thư ký Vifores cho hay.

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan sẽ lập tức xuống bằng 0, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, CPTPP sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản... được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.

"Trước đây, chúng ta thường nhập khẩu máy móc giá rẻ nhưng kém chất lượng tại Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng giờ chúng ta có thể nhập khẩu máy móc công nghệ chất lượng cao từ các quốc gia phát triển khác", ông Quyền cho biết.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của các thành viên tham gia CPTPP rất mạnh, rừng tốt, quản lý rất bài bản. Vì vậy, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể học cách quản trị kinh doanh một cách hiệu quả nhất.

Thêm một thách thức nữa cho ngành gỗ Việt Nam là sự thiếu hiểu biết của người dân về gỗ hợp pháp 

Tuy nhiên, Tổng thư ký Vifores cũng chỉ rõ, một vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Quyền, hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ ngành gỗ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Với 8 tỷ USD giá trị xuất khẩu, nhưng giá trị sản phẩm thiết kế tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

“Chúng ta đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài, vì vậy họ sẽ bảo vệ bản quyền của họ. Muốn có thiết kế thì mình phải có thương hiệu, muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ. Và muốn có sở hữu trí tuệ chúng ta phải có nhân lực, đào tạo. Đây là một vấn đề hết sức đau đầu. Có lẽ đã đến lúc ngành gỗ chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ để có lộ trình triển khai, học tập để hiểu thế nào là sở hữu trí tuệ, thế nào là thực hiện sở hữu trí tuệ”, ông Quyền chia sẻ.

Một thách thức nữa cho ngành gỗ Việt Nam khi gia nhập CPTPP đó là sự hiểu biết của người dân về gỗ hợp pháp. “Ví dụ khi tôi hỏi một hộ gia đình trồng rừng ở Yên Bái có biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, gỗ nào là gỗ trồng rừng không, thì họ không biết và chỉ cần có người mua là bán”.

Vì vậy, Tổng thư ký Vifores kiến nghị Nhà nước cần xây dựng, đưa ra luật ngành gỗ cụ thể. Bởi theo ông, trong thực thi hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ… nhưng hiểu biết của họ về vấn đề này là rất hạn chế.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tự vươn lên, học hỏi để phát triển hội nhập. Đồng thời phải sớm thành lập Hiệp hội trồng rừng để giúp xây dựng nguồn cung gỗ.

Hạ Vũ