Thanh tra là “tai mắt của cấp trên, là bạn của cấp dưới’

Ngày 17/11/2017, Thanh tra Bộ Công Thương đã tổ chức mít tinh chào mừng 72 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2017. Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi thư chú

Trong những năm qua, song hành cùng sự lớn mạnh và phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam, Thanh tra Bộ Công Thương đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo…

Các cuộc thanh tra đã thực hiện đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành đề ra. Kết quả thanh tra luôn đảm bảo chính xác, trung thực, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra đúng pháp luật có cơ sở và hiệu lực thi hành.

Ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, hiện Thanh tra Bộ có 7 phòng nghiệp vụ, 25 cán bộ thanh tra. Mặc dù lĩnh vực hoạt động lớn, lực lượng thanh tra mỏng nhưng mỗi cán bộ thanh tra làm nhiệm vụ đều thể hiện sự nhiệt tình và trách nhiệm, tinh thần vì đất nước, vì nhân dân cao nhất. Luôn có phong cách, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới; sâu, sát công việc; coi trọng nguyên tắc, kỷ cương; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lí, có tình, có tính thuyết phục cao; có tinh thần học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu, tiếp cận cái mới; không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực cá nhân về mọi mặt.

Để giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại một cách công bằng, khách quan, cán bộ thanh tra Bộ Công Thương đã từng phải đi xuống hầm lò khai thác than với độ sâu hàng trăm mét so với mực nước biển. Để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những người công nhân khai thác than, tìm hiểu về những thiết bị phục vụ hầm lò, những từ ngữ chuyên môn đặc thù của ngành than mà trong đơn thư đề cập đến. Rồi những chuyến đi cơ sở kéo dài hàng tháng để thanh tra những dự án yếu kém của ngành. Sau những chuyến đi ấy là những bản báo cáo dài hàng hàng trăm trang với những kết luận chi tiết nhất, chính xác nhất để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ hướng giải quyết.

Một nhiệm vụ khác của Thanh tra gắn bó với nhân dân chính là tiếp dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có lẽ, không có công việc nào phải cần đến “thần kinh thép” như việc tiếp dân. Mỗi người dân đến gặp cán bộ thanh tra đều mang theo những “quả bom” cảm xúc, chỉ chờ gặp mặt cán bộ là nổ tung.  Họ xem trụ sở tiếp dân như là nơi để trút giận. Những lời lẽ nặng có, nhẹ có… đã khiến những cán bộ thanh tra cảm thấy rất áp lực. Chị Lê Thị Phương Hoa, Phó Chánh thanh tra Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tiếp dân cùng lãnh đạo Bộ chia sẻ, người dân đến Bộ Công Thương khiếu nại không phải ai cũng khiếu nại đúng người đúng việc. Đa số họ đều có tâm trạng rất bức xúc. Có trường hợp, sau khi được cán bộ thanh tra giải thích thỏa đáng, họ vui vẻ ra về. Nhưng cũng có trường hợp, dù được giải thích nhiều lần họ vẫn cố tình không hiểu. Những lúc như vậy, Cán bộ thanh tra luôn phải đặt mình vào vị trí của người dân để tiếp dân một cách bình tĩnh, mềm mỏng nhất. Có như vậy mới làm dịu bớt những bức xúc của người dân đi khiếu kiện.Chị Hoa cho rằng, cán bộ thanh tra khi giải quyết đơn thư khiếu nại, trước hết phải giải quyết một cách nhân văn nhất.

Cũng do được trực tiếp đối thoại với người khiếu nại tố cáo nên trong những năm qua, Thanh tra Bộ đã giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu năm. Việc thành lập đoàn công tác để rà soát, đôn đốc địa phương giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã góp phần tích cực trong việc ổn định trật tự xã hội…

Với những công việc lặng thầm của mình, những cán bộ Thanh tra Bộ Công Thương đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho thành tích chung của ngành Thanh tra cũng như góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Sứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”.

                                                                                                                        Nguyên Vỵ