Thay đổi chính sách “hậu” bầu cử Tổng thống Mỹ: Thị trường tài chính toàn cầu bối rối

Sự kiện ông Donald Trump bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ghi thêm vào danh sách những sự kiện bất thường nhất trong năm 2016, sau sự kiện Brexit - cuộc trưng cầu dân ý về việc A

“Thiên nga đen” là thuật ngữ miêu tả những kết quả xảy ra với xác suất rất thấp mà rất ít người cho rằng sẽ xảy ra. Trước thời điểm Brexit, không một nhà đầu tư tài chính đầu óc bình thường nào nghĩ rằng nó sẽ thành hiện thực, cũng như tất cả các cuộc thăm dò lẫn dự đoán phân tích trước kỳ bầu Tổng thống Mỹ, không ai nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ thắng cử.

Sự định kiến của truyền thông tài chính

Biến động của thị trường tài chính thế giới nói chung trước và sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho thấy những phản ứng cực kỳ bất thường theo những logic khó hiểu mang đầy tính diễn giải sau sự kiện. Chỉ 2 ngày trước bầu cử, thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt hơn 2,1% khi nhà đầu tư đánh cược rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng cử. Khi kết quả kiểm phiếu được công bố, thị trường sụt giảm ngay lập tức, nhưng hai ngày sau đó lại tăng mạnh gấp đôi mức tăng của 2 ngày trước bầu cử.

Điều này rõ ràng là một phản ứng bất thường vì nếu nhà đầu tư đánh cược lớn vào bà Hillary Clinton thì đáng lẽ thị trường phải sụp đổ khi kết quả đi ngược lại. Bản thân rất nhiều chuyên gia tài chính lẫn tổ chức đầu tư toàn cầu cũng đi ngược lại các phân tích của mình chỉ vài ngày. Trước bầu cử, hàng loạt phân tích chỉ ra rằng thị trường tài chính thế giới sẽ suy sụp nếu ông Donald Trump thắng cử. Ngay sau khi thị trường phản ứng khác, lại xuất hiện các phân tích chỉ ra rằng thị trường có tiềm năng tăng cao hơn nữa.

Vì thế, nếu thị trường chứng khoán toàn cầu có bối rối cũng là điều bình thường, bởi chính các tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới lẫn các chuyên gia lão luyện nhất cũng bối rối và thay đổi quan điểm xoành xoạch.

Hai ngày sau khi kết quả bầu cử được xác nhận, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh và chỉ số Down Jones đang đạt đỉnh cao mới. Điều này rất giống diễn biến của thị trường trong sự kiện Brexit: Những sợ hãi và rủi ro được điều chỉnh chỉ trong một phiên giao dịch. Khi những người đặt cược sai lầm cố gắng sửa sai bằng mọi cách bất chấp thiệt hại thì lại là lúc các nhà đầu tư khác đánh giá sự kiện theo hướng ngược lại, nhảy vào thị trường để tìm kiếm cơ hội mới.

Tuy nhiên, có một thực tế là dường như yếu tố cảm tính và định kiến của giới truyền thông đã khiến thị trường tài chính hiểu sai về mức độ rủi ro của sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Thị trường tài chính yêu thích bà Hillary Clinton nên các kênh truyền thông tài chính đều “nói tốt” về kịch bản bà thắng cử. Điều dĩ nhiên là kịch bản ông Donald Trump thắng cử phải được “vẽ” ngược lại, xem như một mối họa.

Thực tế chiến lược vận động tranh cử của ông Donald Trump cũng có gây sốc ở một số phương diện, chẳng hạn vấn đề người nhập cư, các chính sách thương mại quốc tế hay vài vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên đối với thị trường tài chính, đáng lẽ những yếu tố lợi ích trong chính sách phải được nhìn nhận tách biệt với những phát ngôn gây sốc mang tính giải trí. Việc truyền thông gộp tất cả những yếu tố tiêu cực nhất của ứng cử viên này và xoáy sâu vào đó khiến kịch bản ông Donald Trump thắng cử trở thành điều không được mong muốn nhất đối với thị trường tài chính.

Ngay khi thắng cử, bài phát biểu của ông Donald Trump đã trở lại với ngôn từ của các chính trị gia, nhưng sách lược kinh tế được nhấn mạnh một cách rõ ràng. Điều này đã trấn an được thị trường tài chính. Thị trường nhận thấy không còn vẻ gì của một chính trị gia xốc nổi, khó đoán và bất ổn nữa. Giới truyền thông tài chính chẳng còn lý do nào để tô vẽ kịch bản xấu như trước đó vài ngày, lập tức đổi chiều và đi sâu vào phân tích các tiềm năng lợi ích của thay đổi chính sách.

Các nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng thay đổi quan điểm rất nhanh chóng. Tỷ phú Warren Buffett, người nhiệt thành ủng hộ bà Hillary Clinton và chỉ trích không tiếc lời đối với ông Donald Trump trong cuộc vận động bầu cử lại lên kênh CNN cuối tuần rồi để nói rằng thị trường chứng khoán sẽ còn tăng cao hơn nữa. “Những ý kiến của các nhà phân tích rằng thị trường sẽ sụp đổ nếu ông Trump thắng cửa là điều ngớ ngẩn”, đó là nguyên văn những gì tỷ phú này nhận xét.

Tạp chính tài chính nổi tiếng thế giới Barron’s hồi tháng 2/2016 thì tung ra bài phân tích với tiêu đề “Trump và Sanders: Họ có đang giết chết thị trường chứng khoán?”. Cuối tuần rồi, tờ tạp chí này lại có phân tích khác với tiêu đề: “Chính sách mới của Trump có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng”. Nói tóm lại, sau những định kiến bị chứng minh là sai lầm, giới truyền thông tài chính đang cố gắng sửa sai theo kiểu vuốt đuôi thường thấy.


Thị trường chứng khoán Việt Nam có hưởng lợi?

Bất kỳ nhà đầu tư nào đã trải qua biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày diễn ra sự kiện Brexit hôm 24/6/2016 thì diễn biến trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 9/11 cũng giống hệt. Thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động trọn vẹn trong thời gian kiểm phiếu và công bố kết quả. Ngay khi thị trường chứng khoán thế giới phục hồi mạnh mẽ sau sự kiện, thị trường Việt Nam cũng phục hồi, mặc dù không có bất kỳ thông tin nội tại nào đáng chú ý. Điều này cho thấy biến động của thị trường trong nước gắn chặt với diễn biến của thị trường thế giới.

Tuy nhiên không giống như sự kiện Brexit - các chính sách sẽ không thay đổi gì trong vòng vài năm, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ gắn liền với các chính sách có thể thay đổi và tác động lâu dài không chỉ tới Việt Nam mà còn tới toàn cầu.

Trực tiếp nhất, mối lo ngại về sự đình trệ trong việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Mặc dù điều này chưa phải lo, vì các phát ngôn tranh cử đôi khi mang tính lôi kéo và gây sốc nhiều hơn, còn việc thực thi chính sách là hoàn toàn khác. Chính sách bảo hộ thương mại là vấn đề khiến thị trường tài chính toàn cầu nói chung “gợn” nhất. Một cách thức khá đơn giản để đo đếm ảnh hưởng cũng như phản ứng của thị trường đối với rủi ro này, là quan sát các cổ phiếu ngành dệt may.

Việc thực thi chính sách bảo hộ, gọi vốn của các công ty Mỹ ở nước ngoài “hồi hương” sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên các nước khác. Chẳng hạn, việc giảm thuế để lôi kéo các công ty Mỹ chuyển lợi nhuận ở nước ngoài về Mỹ, giành lại công ăn việc làm cho người Mỹ sẽ tác động bất lợi tới các thị trường khác, trong khi cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khiến các công ty Mỹ có lợi nhuận tốt hơn…

Nền kinh tế Mỹ được dự báo là sẽ hưởng lợi từ nhiều chính sách bảo hộ, tăng chi tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng như một biện pháp kích thích kinh tế. Điều đó đang được thị trường chứng khoán đánh giá cao và là lý do để tăng giá. Vì thế, tính hấp dẫn của thị trường nội địa sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn, làm giảm dòng vốn chảy ra các thị trường khác.

Cũng giống như tại thời điểm Brexit, thị trường chứng khoán Việt Nam không có gì tốt hơn hay mới hơn, nhưng vẫn tăng điểm do ảnh hưởng của đà tăng trên các thị trường thế giới. Thị trường hiện tại cũng vậy, mặt bằng thông tin trong nước vẫn không thay đổi, nhưng thị trường thế giới tăng tốt sẽ ảnh hưởng tích cực.

Tuy nhiên, ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ cũng chưa chắc chắn gì về khả năng tăng trưởng. Những biến động hiện tại vẫn chỉ mang dáng dấp của sự phản ứng ngắn hạn, khi tình hình không tiêu cực như dự kiến hơn là việc phản ánh sớm các tác động chính sách; cần thời gian để xác thực sự thay đổi chính sách ở mức độ nào và từ đó thị trường mới biến động hợp lý hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối cùng cũng vẫn sẽ phải tăng trưởng dựa trên cơ sở nội tại. Nếu xuất hiện những yếu tố có lợi cho thị trường Mỹ nhưng bất lợi đối với các thị trường khác, Việt Nam hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng xấu.