Thay thế thông tư mới để thích ứng với thực tiễn cuộc sống

Formaldehyt và amin thơm thường được dùng khi nhuộm, in vải để giữ màu và tạo liên kết ngang nhằm chống nhăn, mang đến cho sản phẩm dệt may một hình thức đẹp. Tuy nhiên, đây cũng chính là các loại hóa
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh sản phẩm dệt may, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 37/TT-BCT ngày 30/10/2015 (Thông tư 37), có hiệu lực từ ngày 25/12/2015, Quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may để thay thế Thông tư 32. Trong quá trình xây dựng Thông tư này, Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến đóng góp từ phía các Hiệp hội, VCCI, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một bước tiến mới cho thấy, quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc quản lý hóa chất độc hại trong thuốc nhuộm vải, nhằm loại bỏ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, formaldehyt là loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyt trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi... Formaldehyt là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai… Từ tháng 4 năm 2004, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại formaldehyt thuộc nhóm 3 (chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (chất gây ung thư).

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 32 với các qui định cụ thể: Hàm lượng formaldehyt tối đa cho phép đối với sản phẩm dệt may dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi là 30mg/kg; đối với sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da là 75mg/kg; đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da là 300mg/kg. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ, các sản phẩm dệt may có các hóa chất cấm vượt ngưỡng cho phép cũng vẫn sẽ được đưa ra thị trường và mang theo hóa chất độc hại tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Việc quản lý chặt hàm lượng hóa chất độc hại trong vải không chỉ Việt Nam áp dụng mà các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta từ rất sớm. Cách đây vài năm, hãng thời trang hàng đầu của Hàn Quốc Kolon đã thu hồi 3.000 áo khoác ngoài trời mang nhãn hiệu Active sau khi xác định vải may áo chứa hàm lượng chất gây ung thư cao gấp 20 lần mức độ cho phép. Quyết định này được đưa ra sau khi Hội người tiêu dùng tiến hành một kiểm tra đánh giá mức độ an toàn và chất lượng áo khoác của 9 nhãn hiệu khác nhau. Các chuyên gia phát hiện lớp lót bên trong áo khoác Active của Kolon chứa chất hóa học độc hại arylamine, còn được biết đến là carinogenic, vượt gấp 20 lần mức cho phép. Do vậy, Hội đã kêu gọi công ty và các nhà bán lẻ thu hồi ngay lập tức những sản phẩm này. Vào tháng 5 năm 2014, hãng Myer đã thu hồi một số mặt hàng trẻ em, trong khi hãng thời trang Target thu hồi cả quần áo trẻ em và hai dòng quần jean phụ nữ. Bên cạnh đó, nhiều hãng thời trang khác cũng thu hồi quần jean như Rivers, Just Jeans và Trade Secret. Riêng hãng Pillow Talk hủy nhiều gối và tấm trải giường. Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết, hơn 120.000 mặt hàng quần áo và khăn, gối đã bị thu hồi sau khi kết quả kiểm tra cho thấy thuốc nhuộm trong vải có hàm lượng lớn chất gây ung thư.

Nhật Bản cũng vậy. Vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới ý định quy định thuốc nhuộm azo như là chất nguy hiểm dưới Đạo luật Kiểm soát các sản phẩm gia dụng có chứa các chất gây nguy hại.

Sửa đổi thích ứng với thực tế cuộc sống

Thời điểm xây dựng Thông tư 32, các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đến nay đã có một số nội dung được sửa đổi, bổ sung và thay thế. Đáp ứng yêu cầu chung, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư 37 thay thế Thông tư 32. Với Thông tư này, việc lấy mẫu kiểm tra đã được quy định cụ thể cho từng trường hợp. Đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và sản phẩm kiểm tra sau ba lần đạt yêu cầu sẽ được đưa về kho doanh nghiệp chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành để làm thủ tục thông quan. Hay trước đây, trong Thông tư không có quy định chi tiết về việc sử dụng kết quả thử nghiệm nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam thì trong Thông tư 37 đã có quy định về việc thừa nhận kết quả thử nghiệm theo Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN ngày 15/11/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp, các quy trình và phương thức thực hiện đều được quy định rõ ràng trong Thông tư 37. Điểm đầu tiên là Qui định về lấy mẫu đã được quy định một cách cụ thể, chi tiết. Tiếp theo, điểm cốt yếu trong việc thực thi Thông tư này chính là khâu kiểm tra. Thông tư 37 đã giải quyết được vấn đề này một cách khá triệt để bằng cách chia nhiều phương thức kiểm tra hơn. Với Thông tư 32, khi các doanh nghiệp kiểm tra sau 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu sẽ được kiểm tra xác suất. Tuy nhiên, trong thực tế, do chưa được quy định cụ thể nên tổ chức kiểm tra khác nhau có thể có phương thức kiểm tra khác nhau. Đến nay, tại Thông tư 37, các quy định được nêu theo trình tự, thủ tục rõ ràng, doanh nghiệp dễ dàng đối chiếu để biết các nội dung mình cần thực hiện. Đồng thời, Thông tư đã quy định số ngày tối đa để thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Nội dung này sẽ giúp doanh nghiệp biết thông tin chính xác để có thể thay đổi việc lựa chọn tổ chức được ủy quyền thực hiện kiểm tra chuyên ngành nếu đơn vị này đã quá tải. Thông tư 37 quy định thực hiện kiểm tra chuyên ngành với 4 hình thức: kiểm tra thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất. Kiểm tra thông thường là theo đúng qui định hiện hành. Kiểm tra hồ sơđược thực hiện đối với những mặt hàng có chứng chỉ chất lượng, hàng mẫu, hàng của các doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp với quy định tại Thông tư và một số nội dung cụ thể khác. Đối tượng này sẽ áp dụng hình thức kiểm tra xác suất theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Một điểm khác đặc biệt của Thông tư 37 so với Thông tư 32 là thêm Điều 6 quy định về trình tự thừa nhận các tổ chức thử nghiệm nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam. Về thủ tục, hồ sơ và quá trình đánh giá thừa nhận đã được quy định rõ tại Điều 11. Điều 12 quy định những tổ chức nhập khẩu thuộc diện ưu tiên của Hải quan mà có kiểm tra được đưa hàng về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra.

Thông tư 37 được ban hành một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận hàng hóa, thực hiện khai báo C/O điện tử và kết nối vào cổng thông tin một cửa quốc gia. Văn bản pháp luật cần liên tục bổ sung, sửa đổi để thích ứng với thực tiễn cuộc sống là một xu thế tất yếu. Để hoàn thành nhiệm vụ này, rất cần sự hợp tác tích cực, mang tính xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp.