Thí điểm Chương trình tiết kiệm năng lượng tự nguyện

Với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, ngày 24/11/2015, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Chương

Chương trình được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), thuộc khuôn khổ dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” (CPEE), nhằm thúc đẩy hoạt động TK&HQ năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam.

Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm tại Việt Nam được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2016, nhằm tăng cường năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNL TK&HQ trong các ngành công nghiệp chủ chốt, qua đó, nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Dự án gồm 3 hợp phần chính: Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Phát triển ngành công nghiệp dịch vụ tiết kiệm năng lượng và xây dựng năng lực quản lý, theo dõi, đánh giá chương trình.

Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lương TK&HQ trong sản xuất lâu dài và bền vững. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, quảng bá thương hiệu, kiểm toán năng lượng hoặc đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ; Hỗ trợ xây dựng kế hoạch về sử dụng năng lượng TK&HQ trung và dài hạn, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Thời gian thực hiện chương trình là 02 năm kể từ khi doanh nghiệp ký thỏa thuận tự nguyện với Tổng cục Năng lượng.

Toàn cảnh Hội thảo "Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm tại Việt Nam"

Ông Lê Phú Hưng - Phó vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết: Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về tiết kiệm năng lượng hướng tới mục tiêu phát triển cơ chế thỏa thuận tự nguyện như một công cụ chính sách nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Cũng thông qua đó, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thiết lập các mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Thực hiện dự án này, Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xây dựng khuổn khổ Chương trình thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC HCMC, nhấn mạnh lợi ích khi các doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện. Bên cạnh việc mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích lâu dài và bền vững, Chương trình còn hỗ trợ chi phí kiểm toán năng lượng và các nhu cầu về đầu tư, đổi mới công nghệ cũng được Bộ Công Thương ưu tiên, xem xét trong gói hỗ trợ của chương trình.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC HCMC nhấn mạnh lợi ích khi các doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện

Nói về cơ chế thỏa thuận tự nguyện trong lĩnh vực TKNL, ECC HCMC là đơn vị tiên phong triển khai cơ chế này. Từ năm 2010, ECC HCMC đã triển khai dịch vụ ESCO cho một số doanh nghiệp. Điển hình như tại Công ty Cổ phần lương thực thực phẩm COLUSA và Công ty Nhựa Tân Phú, ECC HCMC đã tư vấn và đề xuất một số giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 2 đơn vị này. Kết quả, tại Công ty CP Lương thực thực phẩm COLUSA, nhờ theo dõi chặt chẽ điện năng tiêu thụ tại 3 dòng sản phẩm mì, dòng sản phẩm phở và có những giải pháp khắc phục kịp thời nên suất tiêu hao năng lượng trung bình giảm từ 64kWh/tấn sản phẩm vào năm 2011 xuống còn 60 kWh/tấn sản phẩm năm 2012. Với những thành tựu đạt được đó, Công ty CP Lương thực thực phẩm COLUSA đã được chứng nhận ISO 5001 và là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận này.

Tại Công ty CP Nhựa Tân Phú: Từ những tư vấn và hỗ trợ của ECC HCMC doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp quản lý nội vi cùng với đầu tư và đổi mới công nghệ máy ép nhựa nên năm 2013 suất tiêu hao năng lượng giảm 43% so với năm 2012.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Dian Phylipsen - chuyên gia tư vấn quốc tế cho biết thỏa thuận tự nguyện có thể áp dụng nhanh hơn, đòi hỏi chi phí hành chính ít hơn, mang đến sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn mục tiêu, đảm bảo DN hợp tác tốt hơn, chủ động hơn trong các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, đòi hỏi nguồn tài trợ công ít hơn.

Lê Hằng