Thị trường chứng khoán đối diện bất ổn từ bên ngoài

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2018 đã kết thúc mà không đem lại tiến triển gì đáng kể cho thị trường chứng khoán. VN-Index tăng hơn 5% kể từ khi xuất hiện kết quả kinh doanh thời điểm cuối thán

Bức tranh lợi nhuận tăng trưởng giá cổ phiếu thực tế không tốt như chờ đợi ở một xu thế tăng thật sự. Chẳng hạn ở sàn HSX, từ ngày 20/7 (thời điểm bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2) đến 20/8, chỉ có chưa đầy 90 cổ phiếu đem lại lợi nhuận trên 5%, khoảng 50 cổ phiếu có mức tăng giá từ 10% trở lên và chưa tới 30 cổ phiếu đạt mức sinh lợi trên 15%.

Các thống kê nói trên sẽ có ý nghĩa hơn khi nhìn từ góc độ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Trên sàn HSX hiện có khoảng 320 cổ phiếu giao dịch hàng ngày có thanh khoản (nhỏ hơn số lượng cổ phiếu niêm yết). Với tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất của mùa kết quả kinh doanh là 5% thì chỉ có 90 cổ phiếu đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ là 28,1%. Với mục tiêu lợi nhuận 10% trở lên, tỷ lệ là 15,6% và để lợi nhuận trên 15% là 9,4%.

Nói cách khác, để lọt vào nhóm các nhà đầu tư đạt lợi nhuận trên 15% trong tháng công bố kết quả kinh doanh quý 2/2018 thì xác suất là chưa tới 10%. Đây là con số rất nhỏ khi nhìn vào hàng triệu nhà đầu tư đang giao dịch và hàng trăm cổ phiếu đang niêm yết.

Lực cản từ bên ngoài

Vì sao thị trường lại không có được cơ hội tăng trưởng thật sự ở thời điểm mà báo cáo kết quả kinh doanh củng cố hơn chất lượng của cổ phiếu? Các yếu tố bất ổn từ bên ngoài là yếu tố ngăn cản cơ hội tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Rộng hơn, đó cũng là yếu tố khiến khu vực thị trường chứng khoán mới nổi sụt giảm mạnh: Chỉ số MSCI theo dõi tổng hợp các thị trường mới nổi đã sụt giảm gần 20% kể từ đỉnh cuối tháng 1/2018 đến cuối tháng 8/2018.

Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung của các thị trường mới nổi. Những căng thẳng thương mại quốc tế chưa tác động trực tiếp đến Việt Nam nhưng ảnh hưởng tâm lý với khả năng chiết khấu trước của các thị trường tài chính là rất rõ ràng. Căng thẳng thương mại quốc tế hiện đã không chỉ là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, mà bắt đầu lan ra một số nền kinh tế khác mà tiêu biểu là Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá cực mạnh, trên 21% chỉ trong tháng 8/2018, càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất giá chung của các đồng tiền khác so với USD.

Đồng nội tệ mất giá luôn là điều bất lợi đối với các thị trường chứng khoán. Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài có xu hướng chậm lại hoặc chảy ngược ra khỏi các thị trường này vì lợi nhuận của danh mục đầu tư gián tiếp được tính bằng đồng USD. Nói cách khác, khi nội tệ giảm giá quá nhanh thì lợi nhuận quy đổi của các khoản đầu tư sẽ giảm xuống, thậm chí trong vài trường hợp còn gây thua lỗ. Không có quỹ đầu tư gián tiếp nào dám mở rộng đầu tư khi chưa nhìn thấy sự ổn định về tỷ giá. DXY Index là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền mạnh khác, đến cuối tháng 8/2018 đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2017.

Các căng thẳng thương mại chưa thể ổn định lại ngay trong ngắn hạn vì vẫn đang trong giai đoạn gây sức ép để tiến tới đàm phán. Quá trình đàm phán thường kéo dài và theo lịch trình đã được công bố thì kết quả cuối cùng có thể đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung vào tháng 11/2018. Trong giai đoạn từ nay đến tháng 11, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ còn gặp nhiều sự kiện bất ngờ. Tính bất ổn là điều mà các thị trường tài chính lo sợ nhất vì không thể ước đoán được rủi ro sẽ đến mức nào.

Khó khăn nội tại

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang trên đà đi lên mạnh mẽ và các tổ chức tài chính quốc tế cũng đánh giá cao cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên trong xu hướng tăng trưởng mạnh đó vẫn có những khó khăn mà thị trường chứng khoán đang chiết khấu rủi ro.

Đầu tiên là biến động tỷ giá đang chịu tác động chung của tình hình thế giới. Đồng USD lên giá mạnh so với đồng VND là tâm điểm của hai tháng trở lại đây. Sau thời gian dài ổn định, tỷ giá VND/USD bắt đầu bước vào xu thế tăng từ tháng 2/2018 cùng với triển vọng 4 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Đặc biệt kể từ tháng 6/2018 khi chiến tranh thương mại leo thang, đồng Nhân dân tệ lao dốc nặng, các đồng tiền mới nổi cũng giảm giá rất lớn, VND cũng bắt đầu tăng tốc giảm giá. Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp bằng cách bán USD ra, đồng thời nâng tỷ giá trung tâm lên. Tỷ giá chính thức đã tăng 2,5% kể từ đầu năm, riêng trong tháng 7 đã tăng 1,5%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm mới tăng 1,1%. Điều đó cho thấy áp lực từ thị trường đang có ảnh hưởng rất lớn.

Yếu tố thứ hai là nguy cơ quay trở lại của lạm phát. Đồng nội tệ giảm giá cộng với sức ép tăng trưởng đang khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tăng lên nhanh hơn. Tháng 6 và tháng 7/2018 tốc độ tăng giá tiêu dùng đã trên 4%. Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8/2018 của ngân hàng HSBC cho rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 6 là nhờ điều chỉnh giá, phí dịch vụ lĩnh vực y tế, nhưng là chưa đủ. Thậm chí báo cáo còn đánh giá cao rủi ro áp lực tăng giá tiêu dùng duy trì trên 4% và để ngỏ khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm phần trăm trong quý 3/2018.

Một yếu tố khác cũng tương đồng với áp lực tăng lãi suất này là xu hướng tăng lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ. Trái phiếu là một khoản vay và người cho vay sẽ đòi hỏi một mức lãi suất tương xứng với các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Ở thị trường sơ cấp (phát hành mới) Kho bạc nhà nước đã nâng dần lãi suất trúng thầu lên đối với các kỳ hạn dài 10-15 năm. Tuy nhiên trên thị trường sơ cấp (mua đi bán lại của các tổ chức), lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 năm tăng mạnh từ tháng 7/2018 cùng với biến động của tỷ giá. Chỉ trong 1 tháng, lãi suất kỳ hạn 1 năm tăng tới 163 điểm phần trăm và kỳ hạn 2 năm tăng 140 điểm phần trăm theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI.

Hiện giao dịch trái phiếu chính phủ có vai trò rất lớn của các ngân hàng, do vậy việc tăng lãi suất trái phiếu cũng là một biểu hiện của áp lực tăng lãi suất ngân hàng.

Yếu tố thứ ba là áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đang tăng lên. Từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam có mức vốn vào ròng chủ yếu là do một vài thương vụ mua cổ phần phát hành lần đầu. Gần nhất là gần 2.400 tỷ đồng mua cổ phiếu YEG trong tháng 6, trước đó là 28.400 tỷ đồng mua VHM. Nếu không tính tới các giao dịch mua IPO thì lượng vốn mua ròng hơn 28.800 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến giữa tháng 8 không còn lại bao nhiêu, thậm chí là bán ròng.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp có xu hướng rút khỏi thị trường Việt Nam là tình trạng chung ở các thị trường mới nổi và cận biên khác. Đương nhiên vẫn sẽ có các quỹ đầu tư chuyên biệt đổ tiền vào các thị trường này, nhưng cơ hội ở các thị trường phát triển cũng đang tăng lên từng ngày. Lấy ví dụ thị trường chứng khoán Mỹ, đồng USD mạnh lên và kết quả kinh doanh cực tốt của doanh nghiệp tại đây, cộng với tăng trưởng kinh tế khả qua chắc chắn sẽ thu hút lượng vốn quay lại thị trường này. Theo một báo cáo nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI, trong 5 tuần gần nhất, các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ có dòng vốn vào 4 tuần với giá trị tổng cộng 14,3 tỷ USD. Ngược lại, dòng vốn vào thị trường mới nổi duy nhất 1 lần trong 5 tuần gần nhất. Tổng giá trị rút ròng của 5 tuần là 3,8 tỷ USD.


Hoàng Nguyên