Thị trường chứng khoán quý I/2017: Đầu đã xuôi, đuôi sẽ lọt?

Hơn một nửa quý I/2017 đã trôi qua và thị trường chứng khoán đang chứng kiến những thay đổi lớn. Quãng thời gian quá dài có thể khiến nhiều nhà đầu tư không chú ý, nhưng suốt 8 năm qua là thời gian hà

Bức tranh lớn

Thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn từ chu kỳ lớn - trừ quãng thời gian từ 2003 trở về trước có quá ít cổ phiếu và thanh khoản kém, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh - đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng bùng nổ (bull-market) kéo dài từ cuối năm 2003 đến đầu năm 2007. Chu kỳ suy thoái (bear-market) nối tiếp kéo dài từ giữa năm 2007 đến đầu năm 2009. Từ đầu năm 2009 đến tận hôm nay, mặc dù thị trường đang trong quá trình đi lên nhưng vẫn chỉ là nằm trong một chu kỳ phục hồi mang tính hàn gắn lại chu kỳ suy thoái mà thôi (xem Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Thị trường chứng khoán Việt trong dài hạn vẫn đang ở giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những biến động ngắn và trung hạn của thị trường chứng khoán thường dựa trên các mạch thông tin nhất thời, ví dụ các thay đổi chính sách vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chu kỳ lớn của thị trường luôn gắn với các biến động của nền kinh tế thật sự. Không khó để thấy chu kỳ bùng nổ (bull-market) 2005-2007 gắn liền với sự bùng nổ kinh tế Việt Nam sau khi hòa nhập hoàn toàn với thế giới, nhất là khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) đổ vào với quy mô khổng lồ. Chu kỳ suy thoái (bear-market) gắn liền với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hơn 8 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định, nhưng vẫn chỉ là phục hồi sau cú sốc lớn. Thậm chí nền kinh tế vẫn còn nhiều tàn dư cần giải quyết, trong đó có vấn đề nợ xấu - hệ quả trực tiếp của quá trình tăng trưởng kinh tế nóng. Khi gắn liền tốc độ tăng trưởng GDP với biến động của chỉ số VN-Index thì thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thật sự đi lên đồng pha với sự cải thiện trong tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô (xem Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Diễn biến của thị trường chứng khoán qua chỉ số VN-Indextrong tương quan vớitốc độ tăng trưởng GDP.

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế 2 quý đầu năm gặp nhiều trở ngại với tác động lớn từ thiên tai đối với mảng nông nghiệp, tuy nhiên 2 quý cuối năm đã tăng tốc trở lại. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,21% so với năm 2015. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam 2016 lại có mức tăng trưởng tốt nhất trong vòng 3 năm qua với khoảng 14,82%, đồng thời đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm “hậu” khủng hoảng.

“Thành tựu” mới nhất mà thị trường chứng khoán đạt được là những ngày đầu năm 2017, mà cụ thể là nửa đầu quý I, chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng 700 điểm. Đối với đa số người, con số 700 điểm không có gì đặc biệt, nhưng đối với thị trường chứng khoán, nó là một cột mốc quan trọng.

Như đã nói ở trên, nhìn vào một chu kỳ lớn của thị trường thì 8 năm qua mới chỉ là thời gian hàn gắn đổ vỡ sau khủng hoảng. Con số 700 điểm chính là một nửa của mức độ đổ vỡ của thị trường kể từ đỉnh cao 1.179 điểm xuống tận đáy 235 điểm. 8 năm trời thị trường trải qua bao thăng trầm vất vả để có thể phục hồi lại một nửa mức độ tổn thương. Đó là một quá trình dài và thành quả cần phải ghi nhận nghiêm túc.

Đầu đã xuôi…

Không có gì tốt hơn một khởi đầu thuận lợi trên thị trường tài chính. Quý I hàng năm thường là quãng thời gian thị trường chứng khoán tốt nhất. Năm nay quý I thị trường lại đứng trước ngưỡng cửa quan trọng: Phục hồi vượt 50% mức độ suy giảm của khủng hoảng tài chính. Đối với thị trường chứng khoán, vượt được mức kháng cự quan trọng này đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.

Không phải ngẫu nhiên thị trường chứng khoán có được sự tăng tốc đáng kể trong 8 năm qua. Nền kinh tế đang phục hồi ngày càng rõ nét và những khó khăn trong năm 2016 không phải là lực cản quan trọng.

Quả thực tốc độ tăng trưởng GDP có phần chậm lại năm 2016, nhưng ảnh hưởng chính là sự giảm tốc trong 2 quý đầu năm khi thiên tai và vấn đề môi trường ảnh hưởng lớn lên tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản (mức tăng 1,36% thấp nhất kể từ năm 2011), nhưng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, thương mại, bất động sản tăng rất tốt.

Sức ép đầu năm 2016 sẽ không lặp lại trong năm 2017. Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, GDP của Việt Nam năm 2017 có thể đạt 6,6%. Mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xây dựng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2017. Một dự báo khác của Ngân hàng HSBC thì ngay trong quý I/2017, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% và 3 quý còn lại có thể tăng tương ứng 6,4%, 6,7% và 6,8%. Các phân tích quốc tế đều dự báo về một tốc độ tăng trưởng “trở lại quỹ đạo” của nền kinh tế Việt Nam.

Đây là tiền đề rất thuận lợi ủng hộ thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2017. Kể từ đầu năm đến giữa tháng 2/2017, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 6,5%, lọt vào nhóm 1 trong 10 thị trường mạnh của thế giới. So với các thị trường trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam rất khả quan: Thái Lan từ đầu năm đến giữa tháng 2/2017 chỉ tăng 1,97%, Singapore tăng 6,5%, Malaysia tăng 4,5%, Philippines tăng 4,88%, Indonesia tăng 1,59%.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có dấu hiệu ổn định trở lại trên thị trường chứng khoán. Năm 2016 là một năm chứng kiến sự lệch pha giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Nếu như dòng vốn trực tiếp vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế dài hạn và chảy vào với quy mô rất lớn thì dòng vốn gián tiếp lại đảo chiều trước lo ngại biến động ngắn hạn.

Cụ thể, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân vào Việt Nam năm 2016 tăng 9% so với 2015, đạt khoảng 15,8 tỷ USD. Tổng vốn đăng ký, cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 24,4 tỷ USD. Trong tháng 1/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,58 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giải ngân được 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, dòng vốn trực tiếp cũng đang có một khởi đầu rất thuận lợi.

Dòng vốn gián tiếp năm 2016 được ghi nhận chảy ra khỏi thị trường chứng khoán gần 7.121 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Không thể nói là thị trường chứng khoán Việt Nam rủi ro gì lớn khiến dòng vốn này hoảng sợ như vậy. Đó chỉ là hệ quả của sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu bình thường. Hiện tượng này cũng đã thay đổi đáng kể ngay trong nửa đầu quý I/2017.

Cũng là một khởi đầu mới thuận lợi: Dòng vốn nước ngoài đang quay lại thị trường chứng khoán với quy mô khoảng 317,4 tỷ đồng trong tháng 1 và gần 353 tỷ đồng nữa cho nửa đầu tháng 2.

Không thể trông chờ một cú lội ngược dòng ngoạn mục trong ngắn hạn, nhưng tất cả những khởi đầu thuận lợi nói trên hứa hẹn một năm tích cực của thị trường chứng khoán. Thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, mà gần nhất là những biến động bất thường của tỷ giá USD/VND cũng có ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên trong dài hạn, nền tảng của kinh tế vĩ mô mới là động lực thực sự của thị trường chứng khoán.