Tóm tắt: Trong các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở Việt Nam thì nguồn vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, quyết định, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo đạt 20% tổng số chi và liên tục duy trì ổn định ở mức này từ năm 2008 đến nay. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chiếm khoảng từ 5% - 8% tùy từng năm ngân sách. Như vậy, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đóng góp một phần không nhỏ và quan trọng trong sự thành công chung của việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Do đó, trong những năm tiếp theo, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng yếu để tiếp tục thu hút nguồn vốn ODA đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Từ khóa: Giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư, đề án…


1. Khái quát tình hình thu hút, nhận và sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Với quan điểm chỉ đạo giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo nước ta đã được đầu tư mạnh mẽ bằng nhiều nguồn lực và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp phần quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế xã hội đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự quan tâm đầu tư của cả hệ thống chính trị, sự tham gia đóng góp của toàn xã hội và của toàn dân.

Trong các văn bản chỉ đạo và điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành, liên quan việc thu hút kêu gọi vốn đầu tư cho giáo dục và đào tạo được cụ thể hóa bằng văn bản và có tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt. Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010” hay còn gọi tắt là Đề án ODA 2006 - 2010 của Chính phủ thể hiện chính sách của Việt Nam về thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ trong bối cảnh mới khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, nêu rõ cơ cấu thu hút ODA dự kiến phân bổ cho các ngành lĩnh vực thì y tế, giáo dục và tăng cường năng lực, thể chế… chiếm 31% tổng nguồn vốn ODA dự kiến thu hút được. Khi tổng kết Đề án ODA giai đoạn từ 2006 - 2010 thì số vốn thu hút được đạt 28,04% tổng số ODA ký kết, với số tuyệt đối là 5,78 tỷ USD từ các nhà tài trợ cho lĩnh vực trên. Vốn ODA thu hút được trong giai đoạn này đã được sử dụng hỗ trợ cải cách giáo dục từ tiểu học đến đại học, nâng cao chất lượng giáo dục trong nước và tiếp cận dần với giáo dục và đào tạo với các nước tiên tiến trên thế giới.

Tiếp tục sự thành công của Đề án ODA 2006 - 2010, Chính phủ tiếp tục xây dựng đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015” hay còn gọi tắt là Đề án ODA 2011 - 2015. Tại đề án này, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015, nhằm hỗ trợ đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước ta: hiện đại và hội nhập quốc tế, bao gồm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển đội ngũ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công tác dạy, học và hỗ trợ giáo dục cho các vùng sâu, vùng xa, chậm phát triển.

Song cùng với đó, trong những năm qua, được sự phân công của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài, vận động tài trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Kết quả là, đã có 23 nhà tài trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có 18 nhà tài trợ song phương và 5 nhà tài trợ đa phương. Một số nhà tài trợ chủ yếu bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE) và các nước Nhật Bản, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Pháp…

Trong giai đoạn 2004 - 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện 26 chương trình, dự án ODA với tổng kinh phí được phê duyệt là 1.925,39 triệu USD, bao gồm vốn vay là 1.390,18 triệu USD (chiếm 72%), vốn viện trợ là 300,66 triệu USD (chiếm 16%) và vốn đối ứng là 234,55 triệu USD (chiếm 12%), tỷ lệ giải ngân chung đạt 52% so với tổng vốn dự án được phê duyệt.

Trong số 26 dự án ODA thuộc giai đoạn 2004 - 2014, có 14 dự án đã kết thúc, đạt tỷ lệ giải ngân khi hoàn thành là 94% và hiện đang có 15 chương trình, dự án đang triển khai, có thời gian triển khai đến năm 2019, với tổng số vốn ký kết hơn 730,00 triệu USD được ký kết.

2. Sự cần thiết và những yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn ODA đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Trong giai đoạn vừa qua, với số vốn ODA được đầu tư triển khai ở các chương trình đầu tư cho giáo dục và đào tạo đã kết thúc, các chương trình dự án đang triển khai thực hiện đã đem lại một số kết quả quan trọng. 26 chương trình, dự án đã và đang triển khai cho giáo dục và đào tạo được trải đều ở tất cả các cấp học từ mầm non đến tiểu học, từ trung học đến đào tạo đại học, sau đại học. Kết quả thực hiện của các chương trình, dự án đã đóng góp được một phần nhu cầu học tập của nhân dân, đào tạo được nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chung vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước. Cơ sở vật chất trường lớp ở cấp tiểu học và trung học được thay đổi, đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, đặc biệt là đối với các trường, điểm trường vùng sâu vùng xa; bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý được chú trọng và nâng cao ở tất cả các cấp học; đổi mới phương pháp dạy và học, cải thiện chất lượng giáo dục ở Việt Nam, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học đúng độ tuổi của học sinh; tăng cường năng lực nghiên cứu, thúc đẩy tăng cường hợp tác với các nước hay xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế…

Những năm qua, đầu tư cho giáo dục và đào tạo đã đạt và duy trì ở mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên quy mô ngân sách nước ta còn nhỏ so với ngay cả các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Maylaysia, Indonesia… Do đó, số tuyệt đối chi cho giáo dục và đào tạo cũng không cao, trong khi đó quy mô học sinh, sinh viên tăng lên nhanh nên định mức chi bình quân cho mỗi học sinh, sinh viên bị hạ xuống; cơ sở vật chất đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển về số lượng, cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn lạc hậu, bị xuống cấp… dẫn đến giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo nếu không được đầu tư đúng mức, duy trì ở mức cao có thể không đáp ứng được việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước và nguồn nhân lực sau năm 2020 khi nền kinh tế nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà Đảng đã đề ra.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản khẳng định tiếp tục đầu tư cho giáo dục và đào tạo những năm tiếp theo, với nguồn ngân sách nhà nước là nguồn vốn chủ đạo, quyết định, song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ tất cả các thành phần kinh tế và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA đóng vai trò quan trọng.

Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, bằng việc tiếp tục thực hiện cải cách, đổi mới thực chất và đối thoại thẳng thắn, Việt Nam đã tạo được sự tin cậy của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Thông qua các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam nay được đổi thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ cho các chương trình phát triển của Việt Nam liên tục được duy trì, ổn định và tăng trưởng qua các năm, nếu như năm 2005 số vốn cam kết chỉ là 3,7 tỷ USD thì năm 2013 số vốn cam kết đã lên con số 6,4 tỷ USD tăng gần 73% so với năm 2005. Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2015, mặc dù con số vốn cam kết không được đưa ra nhưng các đối tác phát triển cam kết tiếp tục luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Điều đó thể hiện niềm tin rất lớn của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đối với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng và còn nhiều tiềm ẩn khó lường, nguồn cung ODA giảm sút, nhu cầu ODA ở các nước đang phát triển ngày càng tăng và các nhà tài trợ cũng có xu hướng ưu tiên nhiều hơn cho các nước kém phát triển hơn hay ưu tiên cho việc ổn định chính trị và xã hội ở các nước thuộc châu Phi và Trung Đông hay Đông Âu.

Trong giai đoạn vừa qua, vốn ODA đã thu hút được và đầu tư cho giáo dục, đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thể hiện ở số vốn thực hiện ở các chương trình dự án đã và đang triển khai, để tiếp tục duy trì nguồn vốn này trong giai đoạn tiếp theo thì các yếu tố dưới đây sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút nguồn vốn này cho giáo dục, đào tạo.

Yếu tố tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo thể hiện quyết tâm chính trị trong nước đối với việc đầu tư cho lĩnh vực này. Từ đó được cụ thể hóa bằng các văn bản chính sách của Nhà nước, Chính phủ trong việc thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA cho giáo dục và đào tạo. Sự quyết tâm chính trị trong nước và được thể chế hóa sẽ có tác động tâm lý lớn đến các nhà tài trợ tài trợ vốn cho giáo dục và đào tạo, nhất là khi lĩnh vực này cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ quốc tế.

Về sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội đất nước. Nền kinh tế nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá là đã từng bước thoát khỏi khủng hoảng, dần lấy lại đà phát triển, tốc độ tăng GPD năm sau cao hơn năm trước trong vòng hai ba năm trở lại đây. Mặc dù vẫn còn một số yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đến tốc độ phát triển nhưng không lớn và đang bị đẩy lùi, tỷ lệ nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn và được kiểm soát, việc trả nợ là hoàn toàn có thể thực hiện theo đúng cam kết. Như vậy yếu tố này trong những năm qua và trong thời gian sắp tới chúng ta vẫn được đánh giá cao từ các nhà tài trợ quốc tế.

Và, cuối cùng là hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với nguồn vốn ODA. Hầu hết các dự án ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều được đánh giá là hoàn thành, đạt mục tiêu dự án. Tuy còn chậm trong giai đoạn khởi động dự án nhưng tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện công việc và kết quả thực hiện các dự án ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn được các nhà tài trợ đánh giá tốt hơn hẳn so với các dự án ODA của các bộ, ngành khác. Đây là yếu tố thuận lợi, tích cực cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này làm cho các nhà tài trợ yên tâm với năng lực quản lý cũng như điều hành nguồn vốn này cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các mục tiêu của dự án được thực hiện đúng cam kết đạt được mong muốn của cả hai bên sẽ là điều kiện thuận lợi khi đàm phán thu hút nguồn vốn này với các đối tác phát triển và ngược lại.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo

Trong bối cảnh và tình hình mới trong nước cũng như quốc tế, để quyết tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo được cụ thể hóa, để nguồn vốn ODA cho giáo dục và đào tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng như những năm qua thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA vào đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong những năm tiếp theo và thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Thu hút ODA đầu tư cho giáo dục và đào tạo cần được khẳng định là lĩnh vực cần được ưu tiên trong các chương trình thu hút vốn ODA của Chính phủ. Điều này hiện thực hóa quyết tâm chính trị, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Đề án ODA 2011-2015 sắp kết thúc và tới đây Chính phủ sẽ tổng kết kết quả thực hiện của đề án, những điều đã làm được và chưa làm được sẽ được đưa ra để thảo luận. Để đảm bảo các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội sẽ rất lớn trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA sẽ vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, trong chương trình hành động, đề án mới của Chính phủ về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA cần ghi rõ lĩnh vực giáo dục và đào tạo là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư ODA.

Hai là: Cải thiện phương thức tiếp cận vốn, tăng cường công tác quản lý và sử dụng vốn ODA trong các dự án giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức hướng đến việc phân cấp, nâng cao tính chủ động của đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ODA trong việc tiếp cận các nguồn vốn ODA mà chủ thể trực tiếp ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảm gánh nặng cho Chính phủ trong việc “tìm nguồn” mà khi đó Chính phủ sẽ chỉ phải tập trung vào việc đối thoại chính sách, giải quyết vấn đề vĩ mô giữa đại diện nhà nước, bên tiếp nhận và các đối tác phát triển, bên hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến thu hút, sử dụng và hoàn trả vốn ODA. Mặc dù đạt được nhiều thành công trong việc sử dụng vốn ODA thông qua các chương trình, dự án những năm qua, tuy nhiên công tác quản lý và sử dụng vốn ODA trong các dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt việc tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án ở các cấp. Đội ngũ này cần được đào tạo chuyên sâu về quy trình, thể chế, thủ tục quản lý và sử dụng ODA trong nước và quy định đặc thù riêng có của từng nhà tài trợ, từng đối tác phát triển, từ đó làm tiền đề để nâng cao công tác quản lý chương trình, dự án ODA cho giáo dục và đào tạo.

Ba là: Hài hòa các thủ tục trong nước với các nhà tài trợ quốc tế trong tất cả các khâu để thúc đẩy giải ngân, hướng đến kết quả cuối cùng tốt nhất của chương trình, dự án ODA cho giáo dục và đào tạo. Bao gồm cả một số quy trình thủ tục từ phía Chính phủ như thủ tục mua sắm đấu thầu, thủ tục giải ngân và rút vốn, đánh giá kết quả dự án đạt được khi kết thúc. Nhiều thủ tục và quy định từ hai phía khác biệt dẫn đến quá trình đàm phán ký kết một dự án cụ thể mất thời gian dài, quá trình triển khai thực hiện cũng bị ách tắc ở các khâu về đấu thầu, báo cáo dẫn đến ảnh hưởng đến giải ngân, kết quả và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư.

Bốn là: Tăng cường kiểm tra giám sát trong suốt quá trình thực hiện dự án, đánh giá hiệu quả và tác động của dự án khi kết thúc cũng như tính bền vững của dự án khi kết thúc. Điều này rất quan trọng với cả “hai phía” trong quá trình thúc đẩy thu hút ODA cho giáo dục và đào tạo. Công tác kiểm tra giám sát được thực hiện bởi các nhà tài trợ và phía Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình triển khai dự án để đánh giá kết quả đạt được của dự án theo giai đoạn, điều chỉnh hay định hướng các bước tiếp theo để dự án đi đúng hướng, khi kết thúc dự án đạt được đúng mục tiêu ban đầu đã đề ra như cam kết với các nhà tài trợ quốc tế. Đánh giá kết quả và tác động của chương trình, dự án khi kết thúc đóng khoản vay có tác động lớn đến nhà tài trợ và Chính phủ để ra các quyết định tiếp theo có tiếp tục thu hút và đẩy mạnh thu hút đầu tư cho giáo dục và đào tạo bằng nguồn vốn này nữa hay không. Mặt khác, kết quả thực hiện tốt của chương trình dự án được đánh giá chi tiết, độc lập, khách quan sẽ là động lực thúc đẩy các nhà tài trợ tiếp tục chính sách đầu tư cho giáo dục Việt Nam và ngược lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014;

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 06/2011/TT-BGDĐT ngày 11/02/2011 quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo giám sát hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA đối với giáo dục và đào tạo (2015);

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo đề án thu hút vốn đầu tư cho giáo dục và đào tạo;

5. Bùi Hồng Quang (2007), Quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay nước ngoài đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta - Thực trạng và giải pháp: LATS Kinh tế;

6. Chính phủ, Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

7. Chính phủ, Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010”;

8. Chính phủ, Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015”.

Ngày nhận bài: 05/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 18/01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Nguyễn Hải Hưng

Ban Quản lý dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN)

Số 3B - Thể Giao - Hai Bà Trưng - Hà Nội

Điện thoại: 043 978 0106 ext: 110      Mobile: 0912 776 724

Email: [email protected]

Situation and solution to attract ODA fund for education and training in current period and subsequent years

Master. Nguyen Hai Hung

Vietnam Escuela Nueva Project Management Unit

Abstract:

In the investment funds for education and training in Vietnam, the State budget plays a key role. The total state expenditure for education and training accounts for 20% of state expenditure. In addition, state expenditure for education and training has maintained this level since 2008. In particular, the Official Development Assistance (ODA) funding accounts for 5 - 8% depending on the state budget. ODA funds plays an important in the success of education and training sector. Therefore, we need to focus on implementing some important solutions to attract ODA funds for education and training sector.

Keywords: Education and training, Official Development Assistance, investment, master plan.