Cần tạo ra năng lực cạnh tranh mới, thay vì “hụt hơi” trong cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt và dần chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới mà sự kiện biến động tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) v



TCCT: Thưa Thứ trưởng, biến động của tỷ giá đồng NDT trong những ngày qua cùng động thái đối phó của các nước trong đó có Việt Nam phần nào tạo nên tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, xin Thứ trưởng đánh giá về tình hình này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá và một số chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa qua nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa trong nước vốn đang bị tồn đọng, mặt thứ hai đạt mục tiêu đưa đồng NDT linh hoạt hơn theo yêu cầu tự do hóa tỷ giá. Ở góc độ dễ hiểu nhất chúng ta sẽ thấy hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới hàng hóa của các nước, trong đó có Việt Nam, bởi hàng hóa Trung Quốc vốn chiếm thị phần lớn trên thế giới. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đã có ngay phản ứng đối phó với sự kiện này. Ở thời điểm trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu nhiều tác động bởi đồng tiền sử dụng trong thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ gặp phải những tác động nhất định bởi sự cạnh tranh của hàng hóa rẻ hơn cũng như sức ép yêu cầu hạ giá sản phẩm của các nhà nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng, đây là “cú sốc” với các doanh nghiệp, nhưng thực tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, việc chịu ảnh hưởng từ những biến động của thị trường thế giới là điều tất yếu và sẽ diễn ra thường nhật hơn. Vì vậy, trong sân chơi hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh. Doanh nghiệp cần có các kịch bản ứng phó với diễn biến giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu, ứng phó với biến động của thị trường thế giới, cũng như các tình huống diễn biến thị trường và mức độ cạnh tranh thông qua các hiệp định thương mại trong chiến lược kinh doanh để không rơi vào thế bị động.

TCCT: Việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu của Việt Nam thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Đánh giá tác động của đồng NDT giảm giá đối với xuất khẩu của Việt Nam cần được nhìn rộng ra ngoài khuôn khổ hoạt động giao thương giữa hai nước, theo đó ngoài đánh giá tác động của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, cần xác định những ảnh hưởng tại các thị trường xuất như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đặc biệt, cần tính đến phân cấp hoạt động của từng lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu.

Đối với xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đồng NDT giảm giá liên tiếp 3 lần trong tháng 8 sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam. Với những hợp đồng xuất khẩu thanh toán bằng NDT, doanh nghiệp Việt ngoài việc phải giảm giá hàng xuất khẩu tính bằng NDT theo yêu cầu của đối tác, còn chịu thiệt hại kép khi đổi NDT ra USD để thực hiện các giao dịch khác (NDT giảm giá so với USD khiến lượng USD thu về giảm sút). Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây thiệt hại cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản.

Đối với xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác, áp lực cạnh tranh về giá từ hàng hóa Trung Quốc sẽ lớn hơn. Với sự hỗ trợ về tỷ giá, những mặt hàng như nông sản, thủy sản của Trung Quốc sẽ có lợi thế về giá hơn hàng Việt Nam. Nguy hiểm hơn, việc đồng NDT giảm giá có thể khiến các nước nhập khẩu cũng hạ giá đồng nội tệ của mình để ngăn chặn đà nhập khẩu ồ ạt hàng hóa Trung Quốc vào nước họ. Khi đó khó khăn kép sẽ xuất hiện, một mặt từ sức ép cạnh tranh của hàng Trung Quốc, mặt khác từ chính sự giảm giá của đồng nội tệ các nước nhập khẩu.

Đối với những mặt hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, về lý thuyết sẽ có thể hưởng lợi từ đồng NDT giảm giá, tuy nhiên tác động này thường có độ trễ và bị phân tán bớt bởi phải thông qua nhiều kênh phân phối hàng hóa phức tạp trên thị trường nội địa, khiến giá bán đến người sản xuất chưa chắc đã giảm tương ứng. Khi đó, chi phí sản xuất cũng không giảm đủ để bù đắp cho áp lực cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu.

Như vậy có thể thấy đồng NDT giảm giá sẽ tạo ra những khó khăn mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, mức độ tác động đối với từng nhóm thị trường và lĩnh vực là khác nhau, nhưng đều đòi hỏi những nỗ lực cải tiến chất lượng, đa dạng hóa thị trường, nâng cấp năng lực thương mại, tìm kiếm đối tác, kí kết hợp đồng, thiết lập và gia nhập các kênh phân phối, để tạo ra năng lực cạnh tranh mới thay vì “hụt hơi” trong cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

TCCT: Ngay sau sự kiện biến động tỷ giá của đồng NDT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chính sách điều chỉnh tỷ giá. Điều này được cho là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Thứ trưởng, động thái này có làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam hay không?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Phản ứng chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua trước những diễn biến về tỷ giá trên thị trường thế giới là kịp thời, chủ động, linh hoạt. Về lý thuyết, việc tăng tỷ giá có tác động hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và giúp bảo vệ thị trường trong nước thông qua việc tăng giá của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào sức cạnh tranh của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp trên các thị trường. Câu chuyện nội lực của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định và mang tính dài hạn. Trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc và các thị trường thứ ba nơi hàng hóa của Việt Nam và của Trung Quốc có cùng cơ cấu xuất khẩu. Một mặt, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, có phương án phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

TCCT: Xin cảm ơn Thứ trưởng!