Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Quy hoạch để chủ động trước một thị trường gạo diễn biến phức tạp

Thị trường thương mại gạo thế giới năm 2015 được đánh giá sẽ diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc xuất khẩu gạo nước ta sẽ được điều hành theo hướng nào? Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ

Điều hành xuất khẩu linh hoạt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

TCCT: Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo giảm 8,3% về lượng và 6,1% về kim ngạch, vậy trong thời điểm đó căn cứ vào đâu mà Thứ trưởng quả quyết rằng cả năm sẽ đạt mục tiêu điều hành của Chính phủ là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho bà con nông dân?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời điểm cuối quý II - đầu quý III/2014 đã xuất hiện một số diễn biến mới trên thị trường gạo thế giới. Lượng gạo tồn kho của Ấn Độ giảm đáng kể, xuống tới mức 25 triệu tấn; Thái Lan rà soát lại số lượng gạo xuất khẩu; một số nước châu Á đã nhập khẩu để bảo đảm lượng gạo dự trữ cần thiết; hiện tượng thời tiết bất lợi sẽ làm giảm sản lượng lúa gạo một số nước...

Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tranh thủ cơ hội thị trường; chất lượng gạo xuất khẩu ngày càng được nâng lên, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013 và thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Mê-hi-cô, Hồng Kông, Xin-ga-po…

Tình hình trên là cơ sở thực tiễn cho việc đưa ra dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2014. Và xuất khẩu gạo năm vừa qua đạt được 6,377 triệu tấn, kim ngạch 2,955 tỷ USD. Kết quả này đã giúp tiêu thụ kịp thời thóc, gạo hàng hóa với mức giá cao hơn năm trước, bảo đảm người nông dân có lãi.

TCCT: Được biết, đối với việc tìm đầu ra cho hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo, Bộ Công Thương từ nhiều năm nay đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa... Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể thêm về vấn đề này.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong những năm qua, để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, VFA và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, phối hợp với Bộ NN-PTNT, VFA trong việc chỉ đạo, định hướng thương nhân xuất khẩu gạo tăng cường liên kết, đặt hàng với người sản xuất lúa, gắn sản xuất với thị trường; từng bước chuyển dịch cơ cấu giống lúa phù hợp hơn với nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Hai là, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là năng lực cơ sở chế biến, kho tạm trữ thóc, gạo; kiên quyết xử lý các trường hợp không đáp ứng yêu cầu.

Ba là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại gạo ở nhiều cấp độ: Chính phủ, Hiệp hội và doanh nghiệp. Bộ Công Thương một mặt quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện để VFA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại gạo; mặt khác trực tiếp tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại gạo.

Bốn là, chỉ đạo hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ, VFA, các doanh nghiệp đầu mối tăng cường công tác thông tin thị trường; xây dựng kế hoạch phát triển thị trường cụ thể.

Năm là, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài triển khai các hoạt động đối ngoại; tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu; tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản, lúa gạo của Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

TCCT: Thị trường thương mại gạo thế giới năm 2015 được đánh giá sẽ diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn, vậy việc xuất khẩu gạo nước ta sẽ được điều hành theo hướng thế nào để giảm bớt những bất lợi trên?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Diễn biến thị trường gạo thế giới hiện đang đặt ra những khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Do đó công tác điều hành xuất khẩu gạo cần quán triệt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ đề ra là: Góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá và bảo đảm lợi ích người trồng lúa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Trong điều kiện hiện nay, công tác điều hành xuất khẩu gạo cần lưu ý một số vấn đề mang tính định hướng sau:

Thứ nhất, phải gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng theo hướng gắn sản xuất với nhu cầu thị trường; thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến, tạm trữ thóc, gạo; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, VFA và các thương nhân trong việc hoạch định; tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ và hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất khẩu của thương nhân.

Thứ ba, công tác điều hành xuất khẩu cần bảo đảm yêu cầu thực sự linh hoạt đáp ứng những biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường gạo thế giới. Điều này đòi hỏi công tác nắm thông tin thị trường; phân tích, xử lý thông tin thị trường, hoạch định và thực thi giải pháp về thị trường phải được làm tốt; trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ Công Thương, VFA, các doanh nghiệp đầu mối và tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Định hướng thương nhân đầu tư lâu dài

TCCT: Thưa Thứ trưởng, 3 FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan sẽ ảnh hưởng tích cực như thế nào đối với mặt hàng gạo xuất khẩu nước ta?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Tham gia các hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường cho Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, dự kiến các thị trường sẽ dành cho ta một lượng hạn ngạch thuế quan nhất định (EU, Liên minh Hải quan) hoặc tổ chức đấu thầu rộng rãi (Hàn Quốc). Đây là động lực để các doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường khó tính này.

Thứ hai, các hiệp định được ký kết tạo ra khuôn khổ và hành lang pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp có định hướng xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ.

Thứ ba, việc ký kết các FTA này là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu và đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa, góp phần quảng bá thương hiệu gạo của Việt Nam.

TCCT: Thưa Thứ trưởng, thành lập từ tháng 9/2013, Tổ điều hành xuất khẩu gạo đã phát huy được nguồn lực từ các bộ, ngành trong nghiên cứu, tư vấn, đề xuất biện pháp, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngày 6/9/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6452/QĐ-BCT về việc thành lập và ban hành Quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Các thành viên của Tổ Công tác bao gồm đại diện các bộ, ngành, hiệp hội: Văn phòng Chính phủ, NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NHNN và VFA.

Thời gian qua, Tổ công tác đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao như:

- Tư vấn về các vấn đề liên quan giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong điều hành xuất khẩu gạo.

- Theo dõi diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo thế giới và trong nước; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo và những vấn đề phát sinh.

- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát để có những điều chỉnh cần thiết cả về cơ cấu, thành phần, chức năng nhiệm vụ của Tổ và các thành viên, cơ chế phối hợp hoạt động, chế độ thông tin, báo cáo... để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

TCCT: Quyết định 6139/QĐ-BCT ngày 28/8/2013 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã đưa ra 3 tiêu chí để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Những tiêu chí này đã góp phần lập lại trật tự trong thu mua, xuất khẩu gạo như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị định số 109/2010/NĐ-CP được ban hành đã tổ chức lại hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trên cơ sở sàng lọc thương nhân, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo. Quá trình thực hiện Nghị định bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, số thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận ngày càng tăng. Tình trạng “chạy đua” đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện kinh doanh có nguy cơ gây lãng phí cho đầu tư xã hội. Trong khi đó, cạnh tranh quyết liệt trên thị trường cần đội ngũ thương nhân có đủ năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính, có kinh nghiệm, nghiệp vụ kinh doanh, có tầm nhìn và khả năng chủ động ứng phó với những biến động thị trường.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương và VFA xây dựng Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với quan điểm Nhà nước kiểm soát, định hướng phát triển đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo với địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương có lợi thế về sản xuất lúa gạo.

Quá trình thực hiện quy hoạch đến nay cho thấy các tiêu chí quy hoạch đã phát huy tác dụng tích cực trên thực tế, cụ thể như sau:

- Đối với tiêu chí 1: Giúp các thương nhân tích cực hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, chế biến, tổ chức hệ thống thu mua, tạm trữ, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu gạo và uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

- Đối với tiêu chí 2: Giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả trong việc xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo của thương nhân, góp phần giảm thiểu rủi ro trong đầu tư và đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.

- Đối với tiêu chí 3: Giúp tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo; tạo động lực thúc đẩy thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết, đặt hàng với người sản xuất. Qua đó, mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020 (kèm theo Quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu triển khai thực hiện để đẩy mạnh thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Điều chỉnh chuỗi giá trị gạo theo hướng tích cực

TCCT: Kinh nghiệm dự trữ lúa gạo của Thái Lan trong thời gian qua cho thấy, dự trữ là công cụ tốt, nhưng không phải là hoàn hảo, Việt Nam nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, từ tháng 2/2014, Chính phủ tạm quyền quân sự Thái Lan đã phải dừng chương trình thu mua thóc, gạo mà Chính phủ Thái Lan đã triển khai từ năm 2011 do những vấn đề bất cập và những hệ quả của Chương trình này mang lại. Những vấn đề này đã được nhiều phương tiện truyền thông quốc tế và trong nước phân tích, bình luận khá cụ thể, tôi không bình luận gì thêm.

Trong khi đó, chính sách mua tạm trữ của Việt Nam khác với chính sách của Thái Lan và cho đến nay vẫn được thực hiện. Trên thực tế, việc triển khai các chương trình mua tạm trữ thóc gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy những tác động tích cực đến thị trường lúa gạo trong nước và bảo đảm lợi nhuận, thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện chính sách này cũng đã cho thấy một số vấn đề đặt ra cần xem xét, giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời hơn của chính sách, cũng như giải quyết được một cách căn cơ hơn vấn đề sự ổn định của sản xuất và thị trường lúa gạo trong nước.

Theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT là cơ quan được giao chủ trì, hiện đang tiếp tục nghiên cứu, giải quyết vấn đề này.

TCCT: Xin Thứ trưởng đánh giá vài nét về thị trường lúa gạo nước ta từ phía nhà sản xuất, nhà thu mua, chế biến và nhà xuất khẩu?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, cần phải thấy rằng, kể từ sau khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP được ban hành đã có tác động tích cực và sâu rộng tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo nói riêng, tới ngành sản xuất, xuất khẩu gạo nói chung cũng như điều chỉnh cơ cấu chuỗi giá trị gạo của Việt Nam theo chiều hướng tích cực, hợp lý hơn.

Tuy nhiên, ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập chưa dễ thay đổi ngay được và cần tiếp tục quan tâm giải quyết. Cụ thể là:

- Về sản xuất: Theo các thông tin từ thị trường nhập khẩu, lúa gạo sản xuất ra không được thị trường đánh giá cao, giá xuất khẩu chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu. Vấn đề chất lượng gạo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thực tế sản xuất lúa gạo nước ta nhìn chung quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; trình độ kỹ thuật sản xuất, chế biến chưa cao, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, những bất lợi về khí hậu, thời tiết như nước biển dâng, xâm nhập mặn tại vùng lúa hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã ảnh hưởng tới chất lượng lúa gạo xuất khẩu.

Do vậy, cần nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng lúa hàng hóa, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, mùa vụ với quy trình canh tác tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm lúa gạo hàng hóa có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

- Về đội ngũ thương nhân xuất khẩu: Cần tiếp tục thực hiện tổ chức lại đội ngũ thương nhân, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài, chuyên nghiệp. Về lâu dài, cần có chính sách tài chính, tín dụng phù hợp để thương nhân có được nguồn lực tài chính cần thiết đầu tư sản xuất kinh doanh và nhất là thu mua lúa gạo hàng hóa tạm trữ, chủ động được trước diễn biến thị trường.

- Về công tác thị trường: Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh, đổi mới công tác xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh việc giữ vững, củng cố các thị trường gạo truyền thống theo các thỏa thuận cấp chính phủ ký với các đối tác nhập khẩu gạo, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo VFA và các doanh nghiệp chú trọng thúc đẩy giao dịch các hợp đồng thương mại tại các thị trường tập trung và các thị trường mới; cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan địa diện ngoại giao, Thương vụ với VFA và các thương nhân xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tăng cường ngoại giao kinh tế, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam.

Nhìn chung cần có các giải pháp đồng bộ về quản lý, quy hoạch sản xuất, định hướng phát triển đội ngũ thương nhân... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đáp ứng trúng nhu cầu thị trường; đó mới là giải pháp căn cơ giúp chúng ta có đủ nguồn lực và công cụ trong điều hành xuất khẩu gạo - một mặt hàng vốn chịu tác động của nhiều yếu tố không ổn định như thời tiết, chính sách an ninh lương thực của nhiều quốc gia...

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!