Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đầu tư nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần nghiêm túc đều rất quý

Sáng 12/9, trước thềm phiên toàn thể Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với đại diện 20 tập đoàn toàn cầu.

Những câu hỏi từ Thủ tướng

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tập đoàn toàn cầu như: Standard Chatered, Google, Facebook, Apple, Bloomberg, GE, Hitachi, Temasek, ThaiBev… và một số tập đoàn lớn trong nước.

Khác với thông lệ bình thường, mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nêu thẳng các câu hỏi đối với các tập đoàn, những doanh nghiệp đã, đang và có dự định đầu tư vào Việt Nam mà theo Thủ tướng là “quý vị đến Việt Nam đầu tư dù nhiều hay ít, chỉ cần nghiêm túc đều rất quý”.

Thủ tướng đặt vấn đề: Ai sẽ giúp các nhà đầu tư là người dự tính sẽ đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu lên đến 1 tỷ USD trong 3-5 năm tới? Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Trong những người đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng mở rộng đầu tư? Các nhà đầu tư sẵn lòng mở rộng đầu tư hay không? Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?

Thủ tướng cũng mong muốn lắng nghe “điều gì làm quý vị tâm đắc nhất và có điều gì mà quý vị cho là băn khoăn nhất khi đầu tư ở Việt Nam?” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam có giải pháp tháo gỡ, giải quyết.

Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi, “Ngoài vốn, các bạn có ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam trước mắt và lâu dài không? Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, công nghiệp 4.0, giáo dục, y tế, bảo hiểm, nông nghiệp… không chỉ cần vốn đầu tư, chúng tôi muốn nghe ý tưởng của các bạn đối với sự phát triển của Việt Nam vì các bạn là người giỏi nhất mới kinh doanh thành công nhất”.

“Hãy chia sẻ ngắn gọn kỳ vọng của các bạn về nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới để hai bên cùng thắng. Tôi đề nghị chúng ta không phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, hãy nói chuyện cởi mở, thẳng thắn như những thành viên trong đại gia đình ở Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Khuyến nghị từ các tập đoàn

Trước những lời nói cởi mở, chân thành của Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu đều bày tỏ vui mừng dự Hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao, bày tỏ tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành kinh tế vĩ mô. Trên tinh thần đó, các tập đoàn đều cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các chính sách lớn như xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số...

Bà Judy Hsu, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN và Nam Á, Tập đoàn Standard Chartered cho biết, Ngân hàng này đã có mặt tại Việt Nam 15 năm và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận để Ngân hàng mở chi nhánh thứ 4 vào năm ngoái tại Tp. Hồ Chí Minh, đưa tổng số nhân viên hiện có của ngân hàng tại Việt Nam là 1.500 người.

Ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Facebook, Phụ trách chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam và muốn tham gia vào tầm nhìn của Chính phủ về quốc gia số, cam kết tham gia vào 4 lĩnh vực là công dân số, kinh tế số, chính phủ số và kết nối số. Ông Simon Milner cũng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up.

Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Thai Beverage (Thaibev) cho biết, năm ngoái đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco và cam kết phát triển thương hiệu Sabeco ra thế giới, giúp quảng bá cả văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Alex Dimitrief, Chủ tịch Kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức tăng trưởng toàn cầu, Tập đoàn GE, Tập đoàn có 300.000 nhân viên toàn cầu, 2.000 nhân viên tại Việt Nam, thì nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu.

“Chúng tôi đã giúp Việt Nam sản xuất điện từ các thiết bị của GE, nâng cấp hàng nghìn đường dây truyền tài điện. Khoảng 55% số các bệnh viện Việt Nam sử dụng ít nhất một trong những thiết bị, công nghệ của GE. Động cơ máy bay của chúng tôi đang có mặt trong máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tập đoàn GE có một nhà máy đẳng cấp thế giới ở Hải Phòng sản xuất tuabin với công nghệ 4.0. Tập đoàn hoạt động rất thành công ở Việt Nam và mong là có thể kỷ niệm 125 năm có mặt ở Việt Nam”, ông nói.

Khuyến nghị chính sách với Chính phủ Việt Nam, ông Yasuo Tanabe, Phó Chủ tịch cấp cao, Công ty Hitachi cho rằng, trước vấn đề Việt Nam làm thế nào có thể duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian tới, thì có 3 yếu tố mà Chính phủ Việt Nam cần quan tâm, khắc phục đó là phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, thương mại số.

Do đó, theo ông Yasuo Tanabe, hiện nay, nhu cầu để xây thêm cơ sở hạ tầng ở khắp Việt Nam rất lớn và Hitachi hiện đang tham gia dự án tuyến tàu điện ngầm ở TPHCM. Ông nhấn mạnh cam kết hoàn tất tốt dự án này bởi đây là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Về kinh tế số, ông Yasuo Tanabe cho biết, sẽ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực internet kết nối vạn vật cho ngành chế tạo. Ông Yasuo Tanabe cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo môi trường thương mại thông thoáng, cởi mở.

Và cam kết của Chính phủ

Hoan nghênh lãnh đạo các tập đoàn thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF-ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng các nhà đầu tư và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, giúp các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả tại Việt Nam.

Tán thành với những cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Thaibev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thaibev sẽ xây dựng Sabeco thành công ty lớn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, giữ thương hiệu bia Sài Gòn và mở rộng các sản phẩm thức uống khác. “Chính phủ bảo vệ và có biện pháp cần thiết theo kinh tế thị trường để các bạn hợp tác thành công”, Thủ tướng nói.

Đánh giá cao góp ý của ông Yasuo Tanabe, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thương mại toàn cầu.

Hạ Vũ