Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cải cách hành chính Bộ Công Thương làm tốt nhất

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công Thương sáng ngày 6/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Ngành Công Thương phải có tầm nhìn trong phát triển công nghiệp Việt Nam theo hướng giảm sự phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên tự nhiên. Thay vào đó, chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Trình bày Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đưa ra 4 mục tiêu thực hiện để ngành Công Thương góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 đạt 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8 - 9%; xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức 6- 7% được giao; nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu được giao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10 - 11%.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định trong năm tới và những năm tiếp theo tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường. Làn sóng tự động hóa, robot hóa có thể thay đổi cả kết cấu kinh tế thế giới. Do đó, trước mắt trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Cùng với việc bỏ hàng loạt các thủ tục hành chính năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đồng thời khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ đưa ra chủ trương tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; cam kết cùng các bên liên quan giảm bớt các thủ tục hải quan; trợ giúp các doanh nghiệp về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN.

Toàn cảnh hội nghị

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ (GGU) đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại).

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón...; rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than; xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…

8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Sau khi lắng nghe các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát biểu tham luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích mà ngành Công Thương đạt được trên tất cả các lĩnh vực điện, than, công nghiệp phụ trợ... Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Bộ Công Thương hiện đi đầu trong cải cách hành chính thông qua việc tinh giản bộ máy hành chính, giảm, bãi, miễn các thủ tục hành chính phiền hà, triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến… “Có thể nói đây là việc làm tốt nhất, giúp phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất!”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định: “Kết quả này có được là nhờ sự đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”.

Nhìn lại năm 2016, Thủ tướng cho rằng, đây là năm đầy khó khăn, sóng gió với nhiều thiên tai, nhân tai và những biến động rất lớn của thị trường quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, nhưng chúng ta đã vượt qua với 12 chỉ tiêu vượt mức và 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt.

Cho rằng kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương, Thủ tướng nêu rõ, công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng (tăng 11,2%, so với tốc độ tăng 10,5% cùng kỳ). Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (tăng 10,2%, so với 9,72% cùng kỳ). Tạo thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chỉ đạo ngành Công Thương trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh ngành phải có tầm nhìn trong phát triển nền công nghiệp Việt Nam theo hướng giảm sự phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên tự nhiên. Thay vào đó, chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu trong năm 2017, ngành Công Thương phải quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất; giải quyết cơ bản các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ.

Thứ hai, hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp trong nước và trên thế giới.

Thứ ba, triển khai tích cực hoạt động mở rộng thị trường cho tiêu thụ sản phẩm.Trong đó, cần phải quan tâm cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ, hàng điện tử... Tiếp tục các biện pháp để đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa.

Thứ tư, rà soát, đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng toàn diện hơn, chủ động và quyết liệt trong việc cơ cấu lại tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thoái vốn đối với những lĩnh vực mà nhà nước không cần chi phối.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thứ bảy, tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, chống quan liêu, phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tám, tiếp tục ký kết các Hiệp định Thương mại, Kinh tế với các nước đối tác; đồng thời triển khai tốt việc thực hiện các Hiệp định đã ký, đặc biệt là chủ động hơn nữa trong công tác phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển nền công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Về lâu dài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng quan trọng của công nghiệp Việt Nam. Trước mắt, chúng ta vẫn dựa vào cả 2 là công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao và tài nguyên, lao động.

Muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị)