Thương mại biên giới Việt - Lào : Tin cậy mở đường cho hợp tác phát triển

Khó có hội nghị quốc tế nào được các bên nóng lòng chờ đón đến thế. Sự nóng lòng này “phát động” ngay từ trước hôm khai mạc 1 ngày, khi UBND tỉnh Điện Biên mở tiệc chiêu đãi hai đoàn Việt- Lào.

Hội nghị - một cơ chế hợp tác

Ngày 25/9 nắng đẹp. Từ ô cửa kính chiếc máy bay ATR72 đang hạ độ cao tiếp đất nhìn xuống, tôi ngỡ ngàng vì độ dài của một đoàn xe, vì sự giống nhau của những chiếc xe, và vì khoảng cách đều tăm tắp giữa mỗi chiếc xe bịt thùng đang nối dài trên tuyến Quốc lộ 279 từ Điện Biên thẳng hướng đến cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.

Như hiểu được tâm trạng tôi, vị khách cựu sỹ quan biên phòng ngồi kế bên giải thích, đó là xe chở xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên xuất sang Lào. Rồi ông thân mật vỗ vai tôi nói: Cách đây 5 năm thì chẳng thể có cảnh tượng hoành tráng như anh vừa thấy đâu. Từ những Bản ghi nhớ Hội nghị Hợp tác phát triển Thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ VII, thứ VIII, Điện Biên đã ưu tiên vốn cho cải tạo, nâng cấp các cặp cửa khẩu Tây Trang - Pang Hốc, Huổi Puốc - Na Son. Đến đầu năm 2013 tuyến đường 2E từ cửa khẩu Tây Trang tới huyện Mường Khoa, tỉnh Phoongsaly (Lào) hoàn thành đã giúp đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp 2 nước, kể cả trong mùa mưa.

Có một cảm giác gì đó rất khó nói, như là tự hào, hãnh diện lặng lẽ dâng lên trong tôi; và tôi giữ nguyên nó khi đến dự Hội nghị Hợp tác phát triển Thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ IX vào ngày hôm sau, 26/9.

Khó có hội nghị quốc tế nào được các bên nóng lòng chờ đón đến thế. Sự nóng lòng này “phát động” ngay từ trước hôm khai mạc 1 ngày, khi UBND tỉnh Điện Biên mở tiệc chiêu đãi hai đoàn Việt- Lào. 10 đoàn Công Thương gồm Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Kon Tum cùng với 10 đoàn Công Thương tương ứng bên biên giới bạn Lào là Champasak, Hủa Phăn, Phoongsaly, Xiêng Khoảng, Sekong, Attapư, Bolikhămxay, Luôngphrabang,  Savannakhet, Uđômxay vội vã tìm đến nhau. Thế nên “kết cấu” bàn tiệc 8 người bị phá vỡ hết, thay vào đó là ghép bàn, ghép người để được ngồi với nhau.

Anh Thịnh, đại biểu tỉnh Sơn La cho biết, đoàn Công Thương 2 nước mong chờ Hội nghị vì đây chính là “một dạng cơ chế” cho hợp tác thương mại. Anh Thịnh dẫn chứng: Căn cứ vào Biên bản ghi nhớ Hội nghị Hợp tác phát triển Thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ VII năm 2010 tổ chức tại Thanh Hóa, năm 2011 chúng ta có Bản thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước về các mặt hàng được áp dụng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt – Lào. Sơn La có 2 cặp cửa khẩu Chiềng Khương, Lóng Sập với tỉnh Hủa Phăn nên lượng trao đổi giữa hai bên tăng lên nhanh chóng kể từ khi Bản thỏa thuận nói trên có hiệu lực từ đầu năm 2012.

Gần đây nhất, chúng ta có Thông tư số 06/2014/TT-BCT, theo đó hai bên áp dụng hạn ngạch thuế quan với hai mặt hàng gạo và lá thuốc lá với mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng gạo là 70.000 tấn/năm, mặt hàng lá thuốc lá 3.000 tấn/năm.

Tại mỗi hội nghị, các tỉnh biên giới có đề xuất, kiến nghị gì đều được các bộ ngành chức năng trả lời đầy đủ. Như tại Hội nghị lần thứ IX này, các bộ Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông vận tải trả lời giải đáp hàng loạt các vấn đề về quản lý hoạt động biên giới, nâng cấp cửa khẩu phụ, nguồn vốn xây dựng hạ tầng cửa khẩu, phân bổ nguồn thu ngân sách qua cửa khẩu, cải cách thủ tục hành chính cho hàng hóa, người và phương tiện qua biên giới...

Với những nội dung trên, Hội nghị Hợp tác phát triển Thương mại biên giới Việt - Lào được tổ chức 2 năm 1 lần thực sự trở thành “đại bản doanh” tập hợp và xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi nhất cho giao thương 2 nước anh em.

Hướng tới 2 tỷ USD

Tại Hội nghị lần này, điểm lại các con số từ Hội nghị lần thứ VIII đến nay về kim ngạch xuất nhập khẩu, về thực hiện các thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương, hợp tác phát triển chợ biên giới, hợp tác xúc tiến đầu tư, hợp tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đều đạt được những kết quả tốt đẹp.

Ấn tượng nhất là dòng chảy thương mại song phương tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Theo thống kê của Sở Công Thương các tỉnh biên giới thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều qua biên giới 2 nước năm 2013 đạt 1,25 tỷ USD, tăng trên 27% so với năm 2012, và gấp 2,8 lần tổng kim ngạch năm 2009. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch đạt trên 888 triệu USD, tăng 33,35% so với cùng kỳ năm 2013, ước thực hiện cả năm sẽ đạt trên 1,5 tỷ USSD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hiện tại thì kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ phải rất cố gắng mới có thể đạt 2 tỷ USD năm 2015 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.

Chính vì vậy trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đề nghị các đại biểu trên tinh thần thẳng thắn, hiểu biết và hợp tác giúp đỡ nhau, tập trung trao đổi, thảo luận vấn đề các địa phương biên giới cần hợp tác với nhau như thế nào, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh ra sao; cũng như các địa phương, các vùng sản xuất trong nội địa của hai nước làm thế nào để đưa sản phẩm hàng hóa ra biên giới góp phần tăng trưởng đầu tư và quan hệ thương mại hai nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena cũng kêu gọi các doanh nghiệp Lào cần phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam và cùng các địa phương giải quyết khó khăn, kêu gọi đầu tư, kinh doanh, tập trung vào thương mại biên giới.

Trong phần thảo luận, đại diện các bộ, ngành, địa phương biên giới và doanh nghiệp của hai nước tham dự Hội nghị đã báo cáo tham luận trong đó cũng đề xuất, kiến nghị để hai bên nghiên cứu có biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động thương mại biên giới của hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Các báo cáo tham luận đã được ngành Công Thương 2 nước tập hợp nhằm hoàn chỉnh Biên bản ghi nhớ lần thứ IX giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào về hợp tác phát triển thương mại biên giới.

Và Biên bản ghi nhớ này tiếp tục trở thành một trong những căn cứ vững chắc để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước triển khai thành những thỏa thuận cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại song phương.

Bên lề hành lang Hội nghị, đại biểu tỉnh Quảng Trị, nơi có 2 cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và La Lay với tỉnh Savannakhet của Lào cho rằng, Biên bản ghi nhớ của các kỳ hội nghị sở dĩ được hai bên nhanh chóng cụ thể hóa thành các văn bản pháp lý là vì, một mặt chúng đáp ứng được nguyện vọng giao thương của nhân dân và doanh nghiệp hai nước; mặt khác tin cậy và hiểu biết lẫn nhau đã trở thành tài sản chung và mở lối cho hợp tác phát triển toàn diện Việt Lào.

 Ngày 27/9, trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lào Somsavath Lengsavad khẳng định, thế giới có biến đổi, nhưng quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không bao giờ thay đổi. Tinh thần chung đó, từ lâu đã thấm đẫm và được kiểm nghiệm, thử thách trong mọi sự hợp tác song phương. Vì lẽ đó, các đại biểu 2 bên tại Hội nghị Hợp tác phát triển Thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ IX, đều tin tưởng rằng, mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ nền kinh tế thế giới không thuận lợi, nhưng chắc chắn kim ngạch thương mại song phương sẽ cán mốc 2 tỷ USD vào năm 2015. 

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để cùng nhau phấn đấu đạt được mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đặt ra. Chính vì vậy, trên tinh thần phát huy truyền thống hữu nghị, láng giềng tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, chúng ta cần phải có quyết tâm mới, biện pháp mới, kế hoạch mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, vượt qua khó khăn, thách thức để cùng nhau tạo ra vùng biên giới “hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để cùng nhau phấn đấu đạt được mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đặt ra. Chính vì vậy, trên tinh thần phát huy truyền thống hữu nghị, láng giềng tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, chúng ta cần phải có quyết tâm mới, biện pháp mới, kế hoạch mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, vượt qua khó khăn, thách thức để cùng nhau tạo ra vùng biên giới “hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để cùng nhau phấn đấu đạt được mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đặt ra. Chính vì vậy, trên tinh thần phát huy truyền thống hữu nghị, láng giềng tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, chúng ta cần phải có quyết tâm mới, biện pháp mới, kế hoạch mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, vượt qua khó khăn, thách thức để cùng nhau tạo ra vùng biên giới “hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

      (Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng)