Tọa đàm về thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 vấn đề lao động và vai trò của công đoàn trong FTA

Ngày 30/9/2014, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm về thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 vấn đề lao động và vai trò của công đoàn trong Hiệp định thương mại tự do.

Đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị thành viên của Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến vào những vấn đề đang vướng mắc sau một năm thực hiện hai Bộ Luật trên. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức buổi Tọa đàm.

Trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe và trao đổi về vấn đề lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị công chức, viên chức, hội nghị người lao động… Theo báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam, năm 2013, toàn ngành có 558 đơn vị công đoàn cơ sở đang quản lý 177.684 lao động, trong đó có 98,3% được ký hợp đồng lao động. Thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp khoảng hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó khối doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 5,2 triệu đồng và ngoài nhà nước đạt khoảng 6,8 triệu đồng.

Qua thảo luận, có thể thấy các cấp công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc cập nhật những thay đổi của hai Bộ Luật so với Luật cũ, tuy nhiên sự chuyển biến chưa rõ nét mà nguyên nhân là do các văn bản dưới Luật chậm ban hành, dẫn đến mỗi nơi, mỗi ngành, mỗi địa phương vận dụng theo cách hiểu khác nhau, không thống nhất quyền lợi cho người lao động. Vấn đề tổ chức đối thoại cũng đang gặp nhiều vướng mắc cần được giải quyết…

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên
thuyết trình về Hiệp định FTA, TPP

Chiều cùng ngày, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, ông Ngô Chung Khanh đã có bài thuyết trình, cung cấp cho các đại biểu những thông tin mới nhất về tình hình tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) của Việt Nam cho đến nay và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vòng đàm phán song phương, đa phương. Nội dung hai Hiệp định rất quan trọng này sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam khi tham gia ký kết Hiệp định. Và để làm rõ hơn vấn đề này, bà Phạm Thu Lan – Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phân tích rất chi tiết những cơ hội mà người lao động Việt Nam sẽ có được khi các Hiệp định ký kết có hiệu lực, đồng thời nêu ra những thách thức với tổ chức công đoàn, khi tham gia Hiệp định, Việt Nam phải đảm bảo các quyền của người lao động theo Công ước ILO, trong đó có quyền “tự do thành lập và gia nhập công đoàn”. Đồng thời, bà Lan cũng cảnh báo về việc, Việt Nam có thể rơi vào “bẫy thu nhập thấp” khi mà người Việt Nam chỉ loanh quanh với những ngành hàng gia công, giá trị gia tăng ít chứ không đầu tư và vươn lên trong những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Ông Nguyễn Xuân Thái – Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, qua khảo sát một số đơn vị trong thời gian vừa qua đã thấy nảy sinh khá nhiều vấn đề liên quan đến hai Bộ Luật Lao động và Công đoàn, sự chuẩn bị đối mặt với những ảnh hưởng của Hiệp định FTA, TPP... Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức cuộc Tọa đàm với mong muốn xới xáo vấn đề, để các đơn vị có thời gian nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện nội dung hai Bộ Luật, cũng như tập hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kiến nghị lên Tổng LĐLĐ Việt Nam. Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng là ngành đầu tiên trong cả nước tổ chức tọa đàm về vấn đề đang rất nóng này. Dự kiến, trong năm nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thêm một buổi tọa đàm nữa để lấy ý kiến các đơn vị khu vực phía Nam.