Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ 10/2 đến 16/2/2014

Trong tuần, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thăm và làm việc tại Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng; Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến thăm và làm việc tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Thứ trưởng Hồ

Kể từ tháng 2/2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi-lê chính thức có hiệu lực. Việt Nam nhập siêu 100 triệu USD trong tháng đón Tết Nguyên đán.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm và làm việc tại Dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng

Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (dự án bauxite Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhân dịp đầu năm mới 2014.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn đã đến khảo sát một số công trình trọng điểm thuộc Dự án bauxite như Nhà máy sản xuất alumin, Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, khu vực các khoang chứa bùn đỏ, v.v…

Sau khi nghe báo cáo về hoạt động của dự án, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Ban quản lý dự án tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn khi vận hành nhà máy alumin.

Đặc biệt là phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho khu vực chứa bùn đỏ bằng cách xây dựng thêm khoang bùn đỏ thứ ba để dự phòng trường hợp xảy ra sự cố và tăng cường giám sát bằng camera để sớm phát hiện bất thường trong quá trình vận hành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban quản lý dự án tăng cường giải pháp quan trắc môi trường, chuẩn bị các phương án hoàn thổ khi hồ chứa bùn đỏ đã đầy, không để bùn đỏ và nước nhiễm kiềm chảy ra môi trường; tăng cường kiểm tra, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm của hệ thống, nhất là khi dự án vẫn đang trong thời gian bảo hành của nhà thầu. Qua đó, nhằm đảm bảo các công trình của dự án vận hành an toàn, giúp người dân trong vùng không lo lắng bị ô nhiễm môi trường sống.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thăm và làm việc tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Sáng ngày 12/2, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng đoàn công tác của Bộ đã tới thăm và chúc Tết tập thể Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Tới thăm trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - ngôi trường có truyền thống 116 năm xây dựng và phát triển, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vui mừng biểu dương các thành tích đáng khích lệ của thầy và trò Nhà trường đã đạt được trong năm 2013.

Nói chuyện với các cán bộ chủ chốt, tiến sỹ, nghiên cứu sinh của trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nước nhà. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong tương lai gần, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phải phấn đấu trở thành một trong những trường đại học về kĩ thuật hàng đầu cả nước.

Định hướng hoạt động trong năm 2014, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục đi sâu vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trường sẽ tiến hành đào tạo thí điểm bậc Tiến sỹ Cơ khí. Đây là một bước tiến mạnh dạn nhưng rất đúng hướng của Nhà trường.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tiếp Chủ tịch Tập đoàn AB Inbev

Ngày 12/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi tiếp và làm việc với ông Michel Doukeris - Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn AB Inbev - một trong những Tập đoàn sản xuât bia hàng đầu thế giới.

Tại buổi tiếp, ông Michel Doukeris đã gửi lời chúc mừng năm mới Giáp Ngọ tới Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp đón đoàn. Hiện nay, AB Inbev đã được cấp phép đầu tư tại Việt Nam và đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy với số vốn 50 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong năm 2015.

Ủng hộ hướng phát triển của AB Inbev, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, việc đầu tư phát triển tại Việt Nam là bước đi hoàn toàn đúng hướng của AB Inbev. Bởi Việt Nam là thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á với tổng mức lưu chuyển hàng hóa luôn ở mức hai con số. Riêng với thị trường bia, tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 đạt 8%, là nước có tỷ lệ tiêu thụ bia cao trong khu vực.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết thêm, trong những năm qua, cùng với việc quy hoạch lại phát triển ngành bia, Bộ Công Thương cũng hướng tới các biện pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý của ngành này.

Hiệp định FTA Việt Nam - Chi-lê chính thức có hiệu lực

Kể từ tháng 2/2014, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chi-lê đã chính thức có hiệu lực, cho phép 73,7% tổng xuất khẩu của Chi-lê sang Việt Nam được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong lộ trình từ 5 đến 15 năm.

Theo thỏa thuận, sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tỷ lệ miễn thuế nhập khẩu sẽ là 75%, sau 8 năm là 80% và sau 10 năm là 90%, ngoại trừ một sản phẩm nằm trong danh mục loại trừ chiếm khoảng 3% số dòng thuế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chứng kiến lễ ký Hiệp định FTA Việt Nam - Chi-lê tại Hawai, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC

Phía Chi-lê cho biết, Hiệp định FTA với Việt Nam tạo cơ hội quan trọng, góp phần giúp Chi-lê xích lại gần hơn với ASEAN, tiếp tục làm sâu sắc thêm tiến trình củng cố chiến lược thương mại ở châu Á. Thêm vào đó, tỷ lệ tăng trưởng ngày càng tích cực của kinh tế Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu của Chi-lê, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho Chi-lê thâm nhập các thị trường khác trong khu vực.

Việt Nam và Chi-lê bắt đầu các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong lĩnh vực hàng hóa từ tháng 10/2008. Đây là Hiệp định FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán, ký kết với một nước Mỹ La tinh.

Hiệp định cũng đề cập đến các thuận lợi hóa cho việc tiếp cận thị trường, cũng như các lĩnh vực khác liên quan đến hàng hóa như quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, các rào cản kỹ thuật liên quan đến thương mại, phòng vệ thương mại và các cơ chế hợp tác giữa hai bên trong trao đổi thương mại; đưa ra các điều khoản trong tương lai gần, cho phép làm sâu sắc thêm các đàm phán tiếp theo về lĩnh vực dịch vụ và đầu tư giữa hai nước.

Nhập siêu 100 triệu USD trong tháng đón Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 01 ước đạt 10,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 01, cả nước nhập siêu khoảng 100 triệu USD.

Báo cáo cũng cho thấy, trong tháng 01, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 3,52 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Tương tự, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chỉ đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tháng Một giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên lượng xuất khẩu trong tháng này giảm mạnh. Hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm do các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đón Tết Dương lịch, giảm các đơn hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp vào việc cải thiện cán cân thương mại (trong tháng Một, khối này xuất siêu 980 triệu USD trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,08 tỷ USD).

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 140 tỷ USD trong năm 2014, tăng 10% so với năm trước, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các giải pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm và giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đặc biệt là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê… và nghiên cứu xây dựng chính sách tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp cách tiếp cận các thị trường mới và tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị xuất khẩu.