TP. Hồ Chí Minh: Cần tăng cường tiếp xúc đối thoại với doanh nghiệp

Ngày 24/7/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trê

Đến tham dự, có ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ sơ kết 3 năm kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP cho biết, chương trình đã được triển khai từ năm 2012 trên địa bàn TP. Mục tiêu của chương trình là giúp doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, phục hồi và ổn định sản xuất. Điểm đặc biệt trong chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, là kéo lãi suất vay từ 12 - 14% xuống còn 6 - 9%/năm và không có phát sinh nợ xấu.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại lễ sơ kết

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ánh, nguồn vốn vay trung và dài hạn còn rất hạn chế, lãi suất chỉ được ổn định ở năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi, vẫn bằng lãi suất 13 tháng cộng với biên độ 2%/năm, khiến cho các doanh nghiệp có dự án lớn vẫn chưa thực hiện được tốt theo tiến độ. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp có dự án và phương án tốt, nhưng vẫn chưa được cho vay, do vướng tài sản thế chấp.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng: Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP

Ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh, trong thời gian tới, để giải quyết tình trạng này, đơn vị sẽ cùng với phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn TP, nghiên cứu và sẽ có phương án tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn, ngay cả những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn, nhưng có phương án khả thi, vẫn có thể được vay vốn ưu đãi.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay “tín chấp, thế chấp bằng dòng tiền”, để các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và an tâm mở rộng sản xuất. Song song đó, các ngân hàng cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, để tăng mạnh giải ngân, vì theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp có nợ xấu sẽ không được tiếp tục cho vay vốn.

Hình ảnh đối thoại giữa Ngân hàng và Doanh nghiệp tại Lễ sơ kết

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua. Thực tế, chương trình đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Và nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình này, tăng trưởng GDP của TP trong 3 năm qua đã duy trì tốc độ dẫn đầu cả nước ở mức 9,6%/năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP trao Bằng khen của Thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mà nên tham gia hỗ trợ sâu vào 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao và các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố; vào các dự án phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân các huyện và quận vùng ven của Thành phố.

Các ngân hàng khi tham gia Chương trình cần dành lãi suất ưu đãi hơn so với mức bình quân trên thị trường để các doanh nghiệp mạnh dạn phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.

TP. Hồ Chí Minh cần xem xét ưu tiên việc vay vốn cho các DN phát triển hệ thống phân phối hàng hóa vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo

Trong 6 tháng cuối năm 2015 này, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các chương trình ưu đãi phải được truyền thông và công bố rộng rãi hơn, thủ tục hành chính cần đơn giản và minh bạch hơn, để các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện tiếp cận.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Duy Lâm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế của thành phố. Theo đó, trong giai đoạn khó khăn, kinh tế thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,6%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.

GDP 6 tháng đầu năm 2015 của TP tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp chung vào sự phục hồi kinh tế của cả nước

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, số tiền ký kết cho vay đạt 77.607 tỉ đồng, cao hơn mức đã ký kết trong giai đoạn 2012-2014 (67.509 tỉ đồng). Theo đó, đã có 6.298 khách hàng tham gia vay vốn theo chương trình trong 3 năm qua, với tổng số tiền ký kết hơn 145.100 tỉ đồng, với sự tham gia của 22 thương hiệu ngân hàng.

Riêng số tiền ký kết trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này là hơn 60%. Ngoài ra, tất cả doanh nghiệp tham gia đều được hưởng lãi suất ưu đãi ngang bằng với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, tức hưởng lãi suất 6-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, và quanh mức 9%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn.

Hình ảnh toàn cảnh tại Lễ sơ kết 3 năm kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Trong 6 tháng cuối năm nay, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% gói tín dụng 127.733 tỉ đồng đã được 19 ngân hàng thương mại cam kết cho doanh nghiệp vay trong năm 2015. Ngoài ra, TP cũng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các kênh như cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp...

Ông Lâm nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện, nhưng tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên phát triển như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực..., theo hướng đưa ra các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ và các gói tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, phương thức thực hiện của chương trình cũng sẽ chuyển từ ký kết trực tiếp tại các quận, huyện sang hoạt động tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng, giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trên cơ sở danh sách doanh nghiệp từ các quận, huyện, ban ngành gửi đến.

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm, mức lãi suất giảm được xuống mức thấp như hiện nay là nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp. Hiện lãi suất tiền gửi huy động phổ biến ở mức 6%/năm, mà lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp cũng 6%/năm là một cố gắng rất lớn của ngân hàng.

Phát biểu tại buổi sơ kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã biểu dương những thành quả của TP. Hồ Chí Minh, trong việc triển khai thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn trong 3 năm qua.

Chương trình đã thể hiện sự chỉ đạo tập trung, hành động và giải pháp rất sáng tạo của lãnh đạo Thành phố, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả về cơ chế, chính sách của Chính phủ, kịp thời hỗ trợ nguồn vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Báo cáo tại hội nghị sơ kết đã cho thấy, những kết quả khả quan mà TP đã đạt được trong 3 năm qua: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 của TP tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2014; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 323.232 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% của cả nước), tăng 10,9% so với cùng kỳ (cả nước tăng 9,76%), nếu loại trừ yếu tố biến động giá, con số này tăng 10,2% (cả nước tăng khoảng 8%); Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2015 so với tháng 12 năm 2014 tăng 0,23%, thấp hơn mức tăng chung 0,55% của cả nước (6 tháng đầu năm 2014 tăng 1,09%%, 6 tháng đầu năm 2013 tăng 0,78%).

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2015, dự báo kinh tế trong nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đi đôi với việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vẫn là những ưu tiên hàng đầu.

Do đó, để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2015, để hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn, Thành phố cần: Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP năm 2015 và Tết Bính Thân 2016; Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời và phù hợp với tình hình.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đối tượng được vay, thủ tục vay để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận; Nghiên cứu, xem xét ưu tiên việc vay vốn đối với các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối, mạng lưới bán hàng bình ổn, bán hàng Việt cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…

Thứ trưởng cũng mong muốn, trên cơ sở những kinh nghiệm TP. Hồ Chí Minh đã triển khai, các địa phương và các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những phương hướng triển khai phù hợp với thực tế của địa phương, giúp được ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường tiếp cận được nguồn vốn, với lãi suất phù hợp.

Trong dịp này, 05 tập thể đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 15 tập thể được UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, vì có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, kết nối tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.


Hồng Lực