Trò chuyện với tác giả đạt giải Nhất Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt – Câu chuyện của tôi”

Vượt qua nhiều tác phẩm, câu chuyện “Phong lương khô Hải Châu và kỷ niệm “nhớ đời” về một lần ngược ngàn đánh án” của tác giả Tẩn Hà Long (tên thật là Vũ Mạnh Hà, hiện là Thượng tá, Ths, Trưởng Ban Bá

PV: Chào Thượng tá Vũ Mạnh Hà và xin được một lần nữa chúc mừng anh đã đạt giải Nhất Cuộc thi “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi” năm 2017. Bản thân tôi và cũng như khá nhiều độc giả đang “tò mò” về cái bút danh Tẩn Hà Long, anh có thể bật mí bí mật này không ạ?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Đúng là Tẩn Hà Long chỉ là bút danh, còn tên khai sinh của tôi là Vũ Mạnh Hà. Bút danh nghe có vẻ miền ngược xa lắc xa lơ này bắt nguồn từ một kỷ niệm trong những năm tháng tôi công tác tại Tây Bắc. Một người bạn của tôi có năng khiếu và đam mê viết lách. Anh cũng tập viết và gửi đi khá nhiều bài viết với đủ các thể loại nhưng chưa bao giờ được đăng. (Sau này khi đã theo cái nghề này tôi mới biết chính là anh chưa biết “gu” của tờ báo đã gửi cộng tác nên ban biên tập không sử dụng). Không may cho anh ấy, do hoàn cảnh khó khăn, “cơm áo không đùa với khách thơ”, anh theo một tốp thợ vào rừng khai thác gỗ, và bị một cơn sốt rét ác tính quật ngã. Trước khi anh mất, tôi vào thăm, anh nói như lời trăng trối, sau này nếu theo được nghiệp viết lách nhớ ký tên anh ấy dưới bài viết nào tâm đắc nhất. Và cái bút danh Tẩn Hà Long theo tôi cho đến ngày hôm nay…

Hình ảnh bắt giữ các đối tượng ma túy ở xã Na Ư (Điện Biên) do tác giả Vũ Mạnh Hà trực tiếp theo các trinh sát ghi lại (ảnh tác giả cung cấp)

PV: Dạ, một câu chuyện khá xúc động. Có một điều mà nghe có vẻ mâu thuẫn đó là một sỹ quan Công an lại có thể viết rất hay, rất đặc sắc về một lĩnh vực xem ra có vẻ không gần gũi nhau cho lắm đó là kinh tế?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Cảm ơn chị đã có lời khen. Vâng, nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng xét về nghề nghiệp, tôi vừa là một sỹ quan Công an, đồng thời là một nhà báo. Mặc dù cho đến nay, tôi đã có thâm niên 21 năm công tác trong lực lượng CAND, nhưng tôi mới chỉ chính thức làm báo được 9 năm, và mới có thẻ nhà báo được 6 năm thôi! (cười). 

Tôi gia nhập lực lượng CAND từ năm 1996 và công tác ở Công an tỉnh Lai Châu (cũ), Công an tỉnh Điện Biên sau này 13 năm. Năm 2009, tôi mới chuyển công tác từ Tây Bắc về Báo CAND. Nghe câu chuyện có vẻ “kinh tế” nhưng thực ra đây là một kỷ niệm nhớ đời về một sản phẩm hàng hóa thuần Việt, rất gần gũi với những người lính trong thời bình, đó là phong lương khô Hải Châu. Và tôi chỉ là người thuật lại thôi…

PV: Anh biết về cuộc thi này như thế nào và anh có thể chia sẻ về “nguồn gốc” tác phẩm của mình được không?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Với người khác tôi không biết, nhưng với tôi những năm tháng sống, công tác ở miền ngược là một may mắn của cuộc đời tôi. Tây Bắc chưa giàu, nhưng Tây Bắc rất đẹp; đẹp cả phong cảnh hữu tình, con người và đặc biệt là tình người thì thật tuyệt!

Tác giả Vũ Mạnh Hà trong một lần xuống cơ sở

Do có “vị trí đắc địa” giáp với khu vực Tam Giác Vàng nên từ nhiều năm nay, Điện Biên luôn được lực lượng CAND xác định là “tuyến lửa” trong phòng chống tội phạm về ma túy. 13 năm công tác ở đây, tôi có may mắn hàng chục lần theo các trinh sát tham gia vào các chuyên án lớn nhỏ. Chứng kiến bao sự vất vả, hiểm nguy và những hy sinh thầm lặng không dễ sẻ chia của các trinh sát ma túy. Tôi cũng phải chứng kiến cả những hy sinh của đồng chí đồng đội trong cuộc chiến khốc liệt này. Năm 2001, một người đồng đội của tôi - Trung úy Phạm Văn Cường – cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên cùng 2 quần chúng bị tội phạm ma túy sát hại dã man trên đỉnh đèo heo hút gió Tây Trang...

Kỷ niệm ngược ngàn đánh án thì có rất nhiều, nhưng câu chuyện theo các trinh sát lội rừng bắt 2 tên tội phạm ma túy nguy hiểm, phải nằm lại giữa rừng, chịu đói chịu rét mẩy ngày trời là một kỷ niệm khó quên trong những năm tháng công tác tại Tây Bắc. Lần đó chúng tôi vào tận địa bàn ngã ba biên giới Mường Nhé – nơi ba nước cùng nghe một tiếng gà - khi trở ra nước sông Đà dâng cao, làm cả tổ công tác (trong đó có cả 2 tên tội phạm to lớn, manh động) phải dựng lán nằm lại nhiều ngày giữa rừng... Tôi chỉ là người chép lại câu chuyện có thật với tư cách là người trong cuộc. Và tôi cũng tình cờ biết về cuộc thi này qua Fanpage “Tự hào hàng Việt” và mạnh dạn gửi dự thi. Tất nhiên thấy được đăng thì vui, gửi link cho đồng đội cũ ở Tây Bắc đọc, chứ không hy vọng đạt giải (cười).

PV: Câu chuyện của anh khiến độc giả xúc động và phải chăng đã chinh phục chính Ban giám khảo với nhiều chi tiết đắt kể về kỷ niệm đánh án gắn với phong lương khô Hải Châu?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Nhiều người sau này có nói chuyện và tâm đắc với đoạn kết dù hơi bi lụy đó là sự mất mát. Người đội trưởng gắn bó với chúng tôi trong chuyến nằm rừng đó đã ra đi khi đang ở tuổi chín nhất về nghề nghiệp, và hàng năm mỗi dịp giỗ anh, chúng tôi lại đến thắp hương, và phần lễ mọn đặt trên bàn thờ anh ấy không thể thiếu đó là mấy phong lương khô Hải Châu. Đây là câu chuyện có thật, được viết ra từ chính cảm xúc có thật từ trong trái tim tôi về đồng chí đồng đội và những năm tháng gắn bó ở Tây Bắc. Người ta vẫn thường nói “cái gì từ trái tim sẽ đến được trái tim”, phải chăng nhận định đó đúng khi tôi viết câu chuyện này chăng?.

PV: Nói thật với anh, đọc xong câu chuyện của anh xong, tôi đã lao ra đường, tìm mua mấy phong lương khô Hải Châu để ăn thử và quả thật nó ngon như anh đã… tả! Theo anh để hàng hóa Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt chúng ta cần làm gì?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Đây là một việc khó, đòi hỏi nhiều giải pháp căn cơ, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và cả ý thức của người dân. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm – yếu tố đầu tiên và quyết định, tôi nghĩ rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm. 

Ban tổ chức trao giải Nhất cho tác giả Vũ Mạnh Hà

Chúng ta không thể chinh phục được người tiêu dùng Việt nếu hàng hóa chúng ta kém chất lượng, mẫu mã không đẹp. Nhưng để sản phẩm được người Việt biết đến cũng cần rất nhiều công tác quảng bá cho sản phẩm. 

Quảng bá cũng phải đổi mới, sáng tạo nhưng phải gần gũi, dung dị, phù hợp với phong tục tập quán, và thói quen tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải tập trung đánh mạnh, đánh trúng tội phạm làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu để bảo vệ hàng hóa trong nước…

PV: Với tư cách làm một trong những người theo sát cuộc thi, anh có nhận xét gì về Chương trình Tự hào hàng Việt Nam do Bộ Công thương phát động?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Tôi cho rằng chương trình đã rất thành công trên các phương diện. Đây là một cách làm hay, sáng tạo hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chinh trị phát  động. Chương trình đã tạo nên sự lan tỏa, truyền tải rộng rãi thông điệp tới nhiều triệu người tiêu dùng trên cả nước, góp phần quảng bá rộng rãi nhiều sản phẩm, thương hiệu hàng Việt Nam uy tín, chất lượng cao đến người tiêu dùng. 

Đặc biệt, Ban tổ chức đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, thông qua hàng loạt các hoạt động, sự kiện lớn, góp phần truyền tải thông điệp “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới hàng triệu người. Tôi đánh giá cao Gameshow "Sinh viên Nhận diện hàng Việt Nam"và 2 cuộc thi Bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam” và Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam – Câu chuyện của tôi”… Đây thực sự là một sân chơi, đồng thời góp phần làm tuyên truyền, quảng bá tình yêu hàng hóa Việt tới đông đảo người tiêu dùng.

PV: Anh muốn chia sẻ thông điệp gì qua câu chuyện của mình?

Thượng tá Vũ Mạnh Hà: Từ câu chuyện của cá nhân tôi về phong lương khô Hải Châu, tôi nghĩ rằng mỗi sản phẩm hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng đều là một câu chuyện, với nhiều ấn tượng khác nhau. Nếu hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng chắc chắn đem lại ấn tượng tốt và tất nhiên câu chuyện kết thúc có hậu, còn không thì ngược lại… Chính vì vậy, thông điệp của tôi đưa ra trong câu chuyện của mình chính là: Hãy yêu hàng Việt, đó không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện lòng yêu nước!

PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tá Vũ Mạnh Hà về câu chuyện thú vị này.