Trong tương lai hệ thống điện sẽ tích hợp tất cả các dạng nguồn năng lượng

Diễn đàn Năng lượng với chủ đề “Các giải pháp khuyến khích và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam” đã thu hút rất đông các doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp nội địa tham gia tìm hiểu và trao

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về công nghệ, thiết bị, giải pháp điều phối và truyền tải điện, năng lượng tái tạo Việt Nam, chiều 12/9, Diễn đàn Năng lượng với chủ đề “Các giải pháp khuyến khích và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam” đã thu hút rất đông các doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp nội địa tham gia tìm hiểu và trao đổi thảo luận các vấn đề liên quan.

Diễn đàn do Công ty UBM Asia phối hợp Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA), Tổng công ty Điện lực TP.HCM đồng tổ chức.

Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tham giaDiễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia

Khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch VECEA khẳng định, với mong muốn phát triển ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, Diễn đàn lần này có sự tham gia của một số diễn giả quốc tế hy vọng sẽ là nơi để những người quan tâm đến lĩnh vực này có thể trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, các công nghệ mới và quản lý mới trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển mạng lưới điện thông minh và số hóa hệ thống năng lượng tương lai…

,,

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Cường – Chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo cho rằng, hiện tại Việt Nam có tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng rất thấp, đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư vào lĩnh vực này của Việt Nam. Các lĩnh vực điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời… đều có tiềm năng lớn. Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, hiện Việt Nam đã có đủ cho mọi loại hình năng lượng tái tạo, tuy còn chưa đồng bộ và cần tiếp tục hoàn thiện.

Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện đã thu hút các nhà đầu tư, tuy vậy, rào cản lớn nhất của hệ thống điện Việt Nam hiện tại là chưa có kinh nghiệm trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo lên lưới, đảm bảo sự ổn định của hệ thống. “Hệ thống điện tương lai sẽ là tích hợp của tất cả các dạng năng lượng. Và nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo để chúng hoạt động ổn định” – ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về sự phát triển tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, Giáo sư Christoph Menke – Trường ĐH Trier về Ứng dụng khoa học, đồng thời là giáo sư danh dự Trường ĐH về Năng lượng và môi trường (JGSEE) cho rằng, sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Cùng với sự gia tăng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời đã khiến thị trường thiết bị phát triển nhanh chóng, dẫn đến chi phí thiết bị đang giảm rất nhanh. Trong vòng 30 năm tới, giá thiết bị cho điện mặt trời có thể sẽ giảm tới 70% so với hiện nay thì việc sử dụng nguồn năng lượng này là tất yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để sản lượng điện đó được đưa lên lưới và hoạt động ổn định là cả một thách thức lớn. Do đó, điểm mấu chốt ở đây là phải tối ưu hóa mạng lưới.

GS GS Christoph Menke và ông Nguyễn Đức Cường giải đáp các câu hỏi của người tham dự Diễn đàn

Còn theo ông Juergen Bender – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bender – IS Thailand thì, các nhà hoạch định chính sách phải là cầu nối để tập hợp các dự án công tư, nhằm giúp phát triển các mô hình kinh doanh mới, mà trong tương lai đó là Mạng lưới điện thông minh, là Xu hướng số hóa hệ thống năng lượng tương lai.

Tại diễn đàn, khá nhiều đại biểu đã trao đổi với các diễn giả về các vấn đề liên quan như đầu tư thế nào cho điện sinh khối để tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào của Việt Nam; hay đặt ra vấn đề các tấm pin năng lượng mặt trời, khi hết vòng đời sản phẩm sẽ được xử lý như thế nào, vì đây là một loại rác thải điện tử… và được các diễn giả trao đổi thẳng thắn, với các giải pháp cụ thể.

Nhiều hãng quốc tế tham gia Triển lãmNhiều hãng quốc tế tham gia Triển lãm,,,,

Được biết, trong thời gian diễn ra Triển lãm từ 12-14/9 sẽ còn nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo để những người quan tâm có nhiều cơ hội được tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này.

Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về công nghệ, thiết bị, giải pháp điều phối và truyền tải điện, năng lượng tái tạo Việt Nam quy tụ hơn 180 đơn vị đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với sự tham gia của 6 nhóm gian hàng quốc tế đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Công ty UBM Asia là đơn vị tổ chức Triển lãm rất mong muốn Triển lãm sẽ mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm cho khách hàng và các đơn vị sản xuất trong ngành năng lượng tại Việt Nam, tham gia vào hành trình bào vệ an toàn năng lượng và cân bằng tiêu thụ, đẩy mạnh khai thác lượng tái tạo ở Việt Nam.


Hồ Nga