Trung tâm Y tế Dệt May đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Sáng ngày 27/2/2015, Trung tâm Y tế Dệt May, Bệnh viện Dệt May đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/02/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Thứ trưởn



Trung tâm Y tế Dệt May vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch Nước trao tặng

Báo cáo tại Hội nghị, ThS. Bác sĩ Dương Trình Xuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Dệt May - Trung tâm Y tế Dệt May cho biết: Trải qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, kể từ khi thành lập (1998 – 2015) từ một Bệnh viên hoạt động theo cơ chế bao cấp theo các chỉ tiêu và thủ tục hành chính - Bệnh viện chuyển mình mạnh mẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, tự quản, tự chi về tài chính. Từ một khu nhà cấp 4 lán trại - Bệnh viện đã được Chính phủ đầu tư, xây dựng với những khu nhà mới khang trang, liên hoàn. Từ một cơ sở thiết bị y tế đơn giản, nay Bệnh viện đã được đầu tư, mua sắm những thiết bị chuyên dụng hiện đại như Máy siêu âm 4D của Nhật Bản với hệ thống mổ nội soi, Máy gây mê, Máy chụp X - Quang, Hệ thống nội soi Labo xét nghiệm hiện đại cập nhập đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đáp ứng mọi yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, CBCNV, học sinh, sinh viên trong nước và theo yêu cầu, khám chữa bệnh cho CBCNV, học sinh đi lao động , làm việc ở nước ngoài.

Với đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế được đào tạo kiến thức chuyên ngành bài bản, chuyên nghiệp với nhiều hình thức, mức độ khác nhau như Bác sĩ định hướng, bác sĩ chuyên ngành, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, Tiến sĩ, các điều dưỡng, Kỹ thuật viên chuyên nghiệp đã làm chủ được các trang thiết bị hiện đại, đã thực hiện được những kỹ thuật cao như mổ nội soi ruột thừa, sỏi thận, u nang buồng trứng, Polyp Đại tràng, mổ xoang mũi… đến các kĩ thuật cao như nối dây chằng khớp gối, thay cổ xương đùi, mổ cột sống thắt lưng… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Với sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện còn là nơi thực tập, nơi đào tạo cho các bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, điều dưỡng theo yêu cầu đảm bảo ổn định nguồn lực phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao những thành tích đạt được của Trung tâm Y tế Dệt May trong những năm qua

Ngoài ra, Bệnh viện đã mở rộng thị trường hoạt động ra ngoài ngành Dệt May sang các thị trường ngành nghề khác như: Bánh kẹo, Thực phẩm, ngành Da giầy, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Cơ khí, Xây dựng... đảm bảo ổn định người bệnh đến KCB. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là khám chữa bệnh cho huyện nghèo Sơn Động - Bắc Giang theo quyết định 30 A của Chính phủ.

Văn phòng 2 của Bệnh viện được ra mắt ngày 20/6/1998, đặt Trụ sở tại tòa nhà số 10, Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chính Minh của Tổng Công ty Dệt May Việt Nam nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Văn phòng do đồng chí Phó giám đốc phụ trách, được giao nhiệm vụ giúp Giám đốc phụ trách công tác của Trung tâm Y tế phía Nam, xây dựng phòng khám y tế tại cơ sở doanh nghiệp, khám chữa bệnh định kỳ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động và tham gia các công tác khác do Giám đốc yêu cầu hoặc doanh nghiệp yêu cầu. Hàng năm, văn phòng 2 đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 20.000 CBCNV ngành từ miền Nam - Trung bộ tới Cà Mau.

Công đoàn Bệnh viện luôn là cầu nối với Đảng - tạo nguồn phát triển Đảng viên - đảm bảo thỏa ước lao động giúp Giám đốc và Công đoàn, cùng chăm lo công ăn, việc làm, tạo mức thu nhập ổn định trung bình từ 6 - 6,5 triệu/người/tháng. Theo Quý, Công đoàn Bệnh viện còn chủ động phối hợp cùng Ban Giám đốc đề ra các mục tiêu hoạt động, giáo dục đoàn viên làm việc hết mình, sáng tạo, tiết kiệm chi phí điện nước, vật tư tiêu hao… Hàng năm, công tác tiết kiệm đạt từ 100 đến 150 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dệt May, Bệnh viện Dệt May cho biết: Đơn vị đã chủ động được việc làm, lương thưởng cho CBVC đến hết tháng 5/2015

Trung bình hàng năm, Trung tâm y tế Dệt May thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho khoảng 60.000 đến 70.000 người lao động, chiếm khoảng 65 -70% lao động được kiểm tra sức khỏe, có những đơn vị tham gia khám 1 năm 2 lần như Công ty Dệt kim Đông Xuân, Dệt may Huế… 100% các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn được đo kiểm tra môi trường lao động. Kết quả đều được gửi tới các doanh nghiệp để tiện việc giám sát, sửa chữa, thay thế bổ sung các thiết bị, máy móc, đảm bảo an toàn cho người lao động. 100% người lao động làm việc trong khu vực độc hại nguy hiểm được các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đều thực hiện khám sức khỏe định kỳ và nguy cơ bệnh nghề nghiệp.

Trong những năm qua, Bệnh viện đã thực hiện khám cho trên 500.000 lượt người và 5.000 lượt người điều trị nội trú tại Bệnh viện, đảm bảo công suất hoạt động 90-100%. Nhiều loại bệnh nặng được xử lý tại chỗ như: Hội chứng tắc nghẽn COPD, tràn dịch màng phổi, màng khớp, xơ gan cổ chướng, thay máu.. tiêu hóa, sốt xuất huyết…

Với việc đầy tư các thiết bị máy chuyên dùng cho Trung tâm xương khớp và Phục hồi chức năng như máy siêu âm, máy điện từ, máy điện phân hiện đại, Bệnh viện đã tăng cường điều trị bằng phương pháp xoa nắn tác động cột sống, phương pháp điều trị vật lý trị liệu không dùng thuốc, tạo uy tín và đã thu hút được lượng bệnh nhân đến khám và chữa trị. Nhiều đồng chí cán bộ đang làm việc tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị doanh nghiệp, bạn hàng khác đã lựa chọn phương pháp điều trị này.


Nhân dịp này, Bộ Công Thương cũng đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Trung tâm Y tế Dệt May

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Trung tâm Y tế Dệt may vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trước đó, đơn vị đã cũng đã vinh dự nhận đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, cá nhân Giám đốc Bệnh viện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và ngày 11/2/2010, Giám đốc Bệnh viện còn vinh dự lọt vào Top 72 bác sỹ trong cả nước được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân…

Phát biểu tại tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, đây là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của Trung tâm trong suốt những năm qua. Với sức mạnh của tuổi 17 cùng sự phát triển không ngừng của ngành Dệt May Việt Nam, Bộ Công Thương tin tưởng rằng Bệnh viện Dệt May sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lương lai, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền”, mang đến dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất cho người lao động dệt may và nhân dân nói chung.

Tại buổi lễ, bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó Tổng giám đốc Vinatex đã trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dệt May, Bệnh viện Dệt May cho bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Phượng

Năm 2015 là năm đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong mô hình hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Là một đơn vị của Tập đoàn, Trung tâm Y tế - Bệnh viện Dệt May cũng sẽ thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới. Theo bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Trung tâm là một trong những đơn vị mà lãnh đạo Tập đoàn tin rằng có đủ điều kiện và khả năng cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay. Từ một bệnh viện nhà nước chuyển sang đa sở hữu, dù còn bỡ ngỡ và khó khăn nhưng lãnh đạo Tập đoàn và Trung tâm xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi của bệnh viện vẫn là chăm lo sức khỏe cho người lao động dệt may - đây chính là tính đặc thù tạo nên giá trị và thương hiệu riêng biệt cho Trung tâm trên con đường phát triển sắp tới.

CBVC Trung tâm Y tế Dệt May hát bài hát truyền thống "Bệnh viện Dệt May niềm tin yêu" mừng Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam


Tin và ảnh: Thu Hoài