Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - TKV: Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Sau 7 năm nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề và triển khai đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc (thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin) đã từng bư

Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu

Là một trường trực thuộc doanh nghiệp nên lãnh đạo Nhà trường rất thấm nhuần mục tiêu đào tạo là phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, học sinh sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc được ngay. Với tinh thần đó,Nhà trường đã xây dựng bộ ngân hàng đề thi cho các môn học, mô đun của các nghề đang đào tạo; cùng một quy trình thi chặt chẽ đảm bảo đúng quy chế. Trường cũng xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên đủ về số lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng giáo viên dạy nghề theo quy định. Hàng năm, Nhà trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy,...

Đến nay, sau 7 năm chuyển đổi và áp dụng chương trình đào tạo nghề theo chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường đã có đầy đủ chương trình đào tạo các nghề đã đăng ký với Tổng cục dạy nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đều cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác đào tạo các nghề. Giáo trình các mô đun, môn học phù hợp với chương trình khung mới, đảm bảo tất cả các môn học, mô đun đều có tài liệu giảng dạy. Nhà trường cũng duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong công tác quản lý. Hàng năm, Nhà trường huy động các nguồn kinh phí do Tập đoàn Vinacomin cấp và các nguồn vốn tự có ưu tiên cho việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề.Các công trình đầu tư đã được đưa vào sử dụng đều đáp ứng yêu cầu và phát huy tốt công suất, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng chung cho toàn trường.

Đào tạo theo nhu cầu của xã hội

Hiệu trưởng Nhà trườngVũ Minh Tân chia sẻ:“Năm học 2013 - 2014, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là đối với hệ Cao đẳng nghề. Trường nằm ở Thái Nguyên, một trong những địa bàn có nhiều trường đào tạo các trình độ đại học, cao đẳng và dạy nghề nên sự cạnh tranh trong đào tạo, tuyển sinh là rất lớn. Để làm tốt công tác tuyển sinh, Nhà trường đã tăng cường các hình thức quảng bá tuyển sinh tới các địa phương;phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đặt hàng đào tạo để tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, cung cấp đầy đủ thông tin đến với người học nghề; đồng thời cùng với chính quyền các địa phương tổ chức các buổi hội tư vấn tuyển sinh trên quy mô rộng...”.

Thực hiện tốt chủ trương của năm học là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”, Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc nâng cao hiệu quả quản lý từ cơ sở các tổ môn, đến các phòng khoa chức năng. Bên cạnh việc đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho địa phương và xã hội, mục tiêu trọng tâm của trường còn là đào tạo nghề cho lao động của các doanh nghiệp theo địa chỉ.

Vào đầu năm, Nhà trường tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để tiếp xúc, ký kết các Biên bản, Hợp đồng nguyên tắc hoặc Hợp đồng đào tạo công nhân kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong năm học với ngành nghề, trình độ đào tạo, số lượng cần đào tạo theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn . Cùng với việc thực hiện chỉ tiêu đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho tỉnh Thái Nguyên, mỗi năm Trường đào tạo nghề cho hàng ngàn học viên. Để có kế hoạch, chiến lược đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo kịp thời, năm học 2013-2014, Nhà trường làm việc với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn ký kết các hợp đồng nguyên tắc đào tạo công nhân kỹ thuật các cấp trình độ theo lộ trình đến hết năm 2015.

Các phương thức đào tạo theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người học được triển khai với nhiều hình thức, như: đào tạo tập trung, đào tạo theo địa chỉ, bồi dưỡng kèm cặp nghề, truyền nghề... Kết thúc mỗi khóa học, Nhà trường tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp cùng đánh giá nhận xét về kết quả đào tạo để rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong các khóa học tiếp theo.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường được Nhà trường liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện để họ sớm có công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao, các đối tượng đào tạo theo địa chỉ thì được tổ chức học tập và thực hành ngay tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, chương trình đào tạo hệ Trung cấp nghề Kỹ thuật Khai thác mỏ Hầm lò, Kỹ thuật Xây dựng mỏ và Kỹ thuật Cơ điện mỏ Hầm lò với nguồn kinh phí đào tạo, ăn, ở của học sinh được Tập đoàn và các doanh nghiệp trực thuộc tài trợ 100%, sau khi tốt nghiệp ra trường, người học được sắp xếp làm việc tại các đơn vị này với mức thu nhập từ 12 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chỉ tính riêng năm học 2013-2014, Nhà trường đã ký kết Hợp đồng với các doanh nghiệp, đào tạo nghề cho gần 800 học sinh sinh viên.

Giữ vững danh hiệu trường dạy nghề xuất sắc

Trong điều kiện thị trường lao động hiện nay đang thiếu rất nhiều lao động qua đào tạo nghề, đây có thể coi là cơ hội cho Trường trong việc thu hút người học.Đặc biệt, sự hỗ trợ kinh phí cho người học từ phía Tập đoàn TKV và tỉnh Thái Nguyên càng khuyến khích nhiều đối tượng theo học tại trường hơn. Năm học 2014-2015, Trường sẽ mở thêm 02 nghề đào tạo là Khai thác mỏ lộ thiên và Vận hành thiết bị sản xuất xi măng, dự kiến sẽ tuyển mới 1.030 học sinh sinh viên và đào tạo ngắn hạn hệ sơ cấp nghề khoảng 1.600 học viên.

Nhằm giữ vững danh hiệu trường dạy nghề xuất sắc, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tăng cường công tác tổ chức đào tạo tại các phòng khoa, tổ môn; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý dạy và học theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Cùng với đó, Trường cũng tiếp tục hoàn thiện các chương trình mô đun/môn học tự chọn cho các nghề đang đào tạo, trên cơ sở đó ban hành chương trình đào tạo nghề của Nhà trường (với các nghề mới phát sinh); tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao hiệu quả giảng dạy hơn nữa.

Nhà nước cần có cơ chế thúc đẩy các trường thuộc doanh nghiệp, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các trường dạy nghề với nhau trong cả nước; có chính sách cấp kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các nghề trọng điểm của các trường thuộc Doanh nghiệp. Các chế độ, chính sách về giáo viên, về học phí cần mở rộng để các trường thực hiện quyền tự chủ theo định hướng Nhà nước.

Tin rằng, với những giải pháp thiết thực và hiệu quả, cùng sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - TKV sẽ luôn là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy, hấp dẫn với các đối tượng người học.