Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên: 55 năm xây dựng và phát triển

Xuất phát là lớp học nghề của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên được thành lập năm 1959. Qua 55 năm với biết bao thăng trầm nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nướ

Tự hào truyền thống

Năm 1959, Trường được thành lập ban đầu từ lớp học đặc biệt phục vụ yêu cầu phát triển của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ. Đến tháng 4/1962, từ lớp  học nghiệp vụ này, Bộ Công nghiệp nhẹ đã Quyết định thành lập Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện, do Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ trực tiếp quản lý. Theo đó, Nhà trường được phép mở rộng quy mô vừa đào tạo nhiều ngành nghề, vừa sản xuất và phục vụ sản xuất. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều lần sáp nhập, đổi tên, ngày 09/10/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 5618/QĐ-BGDĐT nâng cấp trường thành Trường Cao đẳng trên cơ sở trường Trung học Công nghiệp Thái Nguyên và từ đây Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên bắt đầu một hành trình mới.

Nhìn lại những ngày đầu đơn sơ chỉ là một lớp học với 16 học sinh, rồi qua những mốc trưởng thành, phát triển vượt bậc như đến năm 2000 và các năm học sau này, mỗi năm Trường thực hiện tuyển sinh bình quân gần 2.000 học sinh, sinh viên. Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo được trên 30.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật phục vụ cho các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

55 năm qua, cùng với thời gian với nhiều tên gọi khác nhau, song nhiệm vụ chính trị của nhà trường là đào tạo lao động có kỹ thuật, phục vụ cho sự phát triển của ngành Công nghiệp và các địa phương, cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và đã có biết bao nhiêu thế hệ thầy và trò trưởng thành từ ngôi trường này. Tuy trải qua những khó khăn, thử thách hết sức cam go của thời bao cấp, trong chiến tranh nhưng trường vẫn từng bước đổi mới nội dung hoạt động, phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo với phương châm “liên tục đổi mới, liên tục phát triển” với tinh thần đoàn kết, sáng tạo để tự khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống giáo dục và đào tạo đó chính là niềm tự hào về truyền thống của các thế hệ cán bộ, thầy và trò nhà trường.

Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Trong những năm đất nước đổi mới, Đảng bộ và Ban Giám hiệu Nhà trường xác định:Với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng với nhu cầu của thị trường việc làm. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này là đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao trình độ của giáo viên, cán bộ quản lý, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm đáp ứng nguồn lao động có tay nghề cho xã hội và là mấu chốt cơ bản để tồn tại, phát triển bền vững đối với Nhà trường.


Nhà trường đã có nhiều giải pháp đồng bộ về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng mới nhà làm việc, lớp học, thư viện, bổ sung trang thiết bị, chính vì vậy cơ sở vật chất của Nhà trường ngày một khang trang sạch đẹp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên được bổ sung về số lượng và chất lượng: Năm 1990, toàn Trường có 70 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó 14 người có trình độ đại học, cao đẳng; 9 người có trình độ trung cấp; còn lại trình độ khác. Năm 2000, Trường có 112 người, trong đó 82 người có trình độ đại học, cao đẳng; 8 người có trình độ trung cấp; còn lại trình độ khác. Đến nay nhà trường đã có 189 cán bộ,viên chức trong đó 1 người có trình độ Tiến sĩ; 6 Nghiên cứu sinh, 83 người trình độ Thạc sĩ; 84 người có trình độ đại học, cao đẳng...

Trong 20 năm gần đây, Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện dạy học, thí nghiệm theo hướng tiên tiến. Trong 4 năm (1998-2002) Nhà trường đã thực hiện có hiệu quả Dự án 6,9 tỷ đồng của Bộ Công nghiệp nhẹ để xây dựng khu nhà nội trú học sinh khép kín, có tổng diện tích xây dựng đạt 2.014 m2; nhà lớp học 4 tầng có tổng diện tích xây dựng rộng hơn 2.200 m2; bể chứa nước đạt 100m3. Nhà trường đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng, mở rộng và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm như xưởng may, nhà ở học sinh, sân vận động, đồng thời lắp đặt xong thiết bị của phòng học Điện, Điện tử, Điện lạnh, Sửa chữa ô tô, xe máy, phòng học vi tính 50 máy và phòng học tiếng 30 cabin, hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng được sửa chữa nâng cấp, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho Nhà trường.... Từ năm 2004, Nhà trường đã triển khai hoàn thành giai đoạn 1(2004-2008) Dự án Qui hoạch tổng thể phát triển Nhà trường trong đó, đã đưa vào sử dụng 2 dãy nhà lớp học lý thuyết 50 phòng, 02 xưởng thực hành với tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2008-2015) nhà trường đã triển khai và đưa vào sử dụng dự án nhà ở sinh viên với tổng mức đầu tư 53,7 tỷ đồng gồm 4 nhà ký túc xá 5 tầng, hệ thống hạ tầng, điện nước phục vụ cho học tập và sinh hoạt của HSSV và dự án nhà đa năng 7 tầng, dự án nước sạch với tổng mức đầu tư 55,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tự có, mỗi năm trường mua sắm trang thiết bị dạy học gần 2 tỷ đồng với các trang thiết bị hiện đại như Phòng lập trình, máy CNC, phòng thực hành cung cấp điện, đo lường điện, phòng thí nghiệm, thư viện... Theo đó, quy mô tuyển sinh từ 2.500 học sinh năm học 2005-2006, lên 4.500 học sinh năm học 2009-2010. Kết quả đào tạo, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các năm đạt trung bình 98%; học sinh lên lớp đạt 98,5%; học sinh khá, giỏi đạt 25%; học sinh đạt điểm rèn luyện tốt có 85%.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu xã hội, Nhà trường đã mở rộng liên kết với các trường như: Đại học Bách khoa, Công đoàn, Mỏ địa chất, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên…, với quy mô hằng năm hơn 2.000 học sinh, sinh viên/năm. Nhà trường cũng đã tổ chức đào tạo tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Bình, Quảng Ninh các bậc học: Cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề với quy mô hằng năm hơn 1.000 học sinh, sinh viên.

Ngày hôm nay, đứng trên mảnh đất Thái Nguyên tươi đẹp, giầu truyền thống hiếu học, niềm tin về sự phát triển của một ngôi trường mang nhiệm vụ cao cả “trồng người”, với sự cống hiến của các thế hệ Thầy và Trò, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng 3; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Cờ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều phần thưởng cao quí khác... đây là nguồn động viên to lớn, giúp thầy trò Nhà trường ngày càng ra sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo cao cả.