Vải thiều Thanh Hà và tầm nhìn tương lai

Vải thiều Thanh Hà đang ngày càng chiếm được cảm tình của nhiều người dân với những nét đặc trưng của quả vải vùng Hải Dương.

Theo những người dân trồng vải chính gốc ở địa phương mô tả: Vải thiều nơi đây có sắc vỏ màu hồng nhạt, lớp vỏ lụa dai căng tròn, sờ hoặc nhìn vào phần gai vỏ lì hơn vải trồng ở những nơi khác; cùi vải ráo, trắng nõn, hạt vải rất nhỏ, màu nâu sẫm, có nhiều trái gần như không có hạt. Khi ăn có cảm giá tự tan ra, không thấy vị se, vị chua chát như vải khác mà ngọt dần, có vị thanh mát.

Điều gì đã tạo nên những đặc trưng cho vải thiều Thanh Hà như vậy? Ngoài thổ nhưỡng ra, có lẽ xuất xứ của nó cũng chính là một trong những điều lý thú về loại vải thiều trứ danh này. Theo nhiều tài liệu nói rằng: “Vào khoảngcuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, cụ Hoàng Phúc Thành (sinh năm 1848 quê Thanh Hà, Hải Dương) từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu ăn quả vải rồi vứt hạt đi, Cụ đã nhặt đem về quê ươmgiống và đó chính là cây vải thiều đầu tiên ở nước ta. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăngvà phát triển đến các vùng, miền khác. Riêng cây vải đầu tiên đó, với cái tên cây vải Tổ, đến nay vẫn còn sống, được các con, cháu cụ Thành chăm sóc rất cẩn thận.

Cây vải tổ gần 150 tuổi ở Thanh Hà. Ảnh nguồn: Internet

Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, trong khi vải ở các vùng, miền được lấy giống từ đây đã có những đặc điểm khác nhau thì riêng vải thiều Thanh Hà luôn luôn giữ ổn định về hình thức cũng như chất lượng. Qua bao sóng gió của thiên nhiên, của thị trường cạnh tranh khốc liệt, những đặc điểm đáng ngạc nhiên của vải thiều Thanh Hà đã lọt vào mắt các nhà nghiên cứu. Và năm 2011, một sự kiện quan trọng mang tính “tầm vóc”đối với giống vải thiều Thanh Hà đã được hoạch định.

Xác định giống vải thiều Thanh Hà là một sản phẩm đặc trưng mang tính vùng, miền cần được giữ gìn và phát triển, năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong Tỉnh nghiên cứu, phối hợp với người dân trong Huyện thực hiện việc trồng cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,với hy vọng nó sẽ đem lại một diện mạo mới cho người dân địa phương, là niệm tự hào của toàn dân trong Tỉnh cũng như đủ sức vẫy vùng, sánh ngang với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Theo đó, một chủ trương quan trọng của Tỉnh được ra đời đối với cây vải thiều Thanh Hà, cùng với đó là một loạt các quy trình rất khoa học và bài bản đã được áp dụng cho việc trồng vải như: Xử lý đất và quản lý đất trồng, điều chỉnh lại mật độ và khoảng cách cây trồng, lựa chọn lại giống, lựa chọn thời vụ để trồng, kỹ thuật trồng và kỹ thuật chăm sóc định kỳ... Từ khi áp dụng theo các tiêu chuẩn đến nay, tuy người dân có vất vả hơn, phải đầu tư công sức cũng như kinh phí nhiều hơn, nhưng niềm vui đem đến cho họ cũng thật nhiều. Bằng chứng là cứ gần đến mỗi mùa vải, trong khi người dân trồng vải ở những nơi khác cứ nơm nớp lo đủ thứ: Nào là sâu bệnh, nào là biến đổi gien, hình thức xấu xí, không đều, thị trường giá cả bấp bênh... thì người dân Thanh Hà lại vẫn “bình chân như vại” với những đơn đặt hàng từ khắp mọi miền trong nước và nước ngoài hứa hẹn đến với họ.

Gian hàng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tại Hệ thống siêu thị của Hapro: C13 Thành Công, Hà Nội

Tại buổi khai trương Tuần lễ vải thiều Hải Dương tại Hà Nội ngày 16/6, ông Nguyễn Anh Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Những năm trước đây, thị trường vải Hải Dương chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 80% tổng sản lượng vải trong Tỉnh. Nhưng những năm gần đây đã khác, dự kiến tổng sản lượng vải của Tỉnh năm nay khoảng 60.000 tấn, đến nay đã tiêu thụ được 2/3. Trong đó 60% sản lượng tiêu thụ là thị trường trong nước, còn 40% sản lượng được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, EU, Australia, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và UAE. Ông Cương cũng cho biết, để đạt những thành quả lớn này, bên cạnh việc trồng vải theo quy trình kỹ thuật hiện đại, Lãnh đạo Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động nhằm nâng cao vị thế của cây vải trên thị trường. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của những doanh nghiệp lớn, uy tín như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn... đã luôn sát cánh, giúp đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà đến với khắp mọi miền đất nước, đặc biệt đã vào được cả những thị trường nước ngoài với những yêu cầu chất lượng rất khắt khe.

Ký kết tiêu thụ sản phẩm của Hải Dương

Từ việc đổi mới tư duy với tinh thần tự hào hàng Việt, đến nay, qua bao phong ba, bão táp của thị trường cạnh tranh khốc liệt, vải thiều Thanh Hà đã thực sự tìm được chỗ đứng trên thương trường. Và có lẽ trong tương lai không xa, cây vải thiều Thanh Hà sẽ không những là niềm tự hào của người dân Hải Dương mà còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam./.


Châu An