Tóm tắt:

Hoạt động kiểm toán vừa là thực hiện chức năng kiểm tra của cơ quan công quyền, vừa phục vụ thúc đẩy sự đổi mới, hoàn thiện quản lý doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Việc kiểm toán các doanh nghiệp, các tổng công ty… không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của ngay chính bản thân các doanh nghiệp trong điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh minh bạch và hiệu quả. Vấn đề này được đề cập rất rõ trong nội dung bài viết dưới đây.

Từ khóa: Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán chuyên đề, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa...

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Hiện nay trên cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc Trung ương và địa phương quản lý. Nhưng tại các doanh nghiệp này thời gian gần đây liên tục bộc lộ nhiều vấn đề trong hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước. Vinalines là một ví dụ điển hình do hoạt động chậm trễ và thiếu chặt chẽ trong quá trình quản lý. Đến khi có sai phạm, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì hậu quả đã quá lớn. Đến ngày 31/12/2014 Kiểm toán Nhà nước đánh giá Vinalines là "rất khó khăn, yếu kém". Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Tổng công ty được thống kê âm hơn 3.478 tỷ đồng, trong đó 19 đơn vị lỗ hơn 4.332 tỷ đồng, trong khi 20 đơn vị chỉ lãi gần 887 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Vinalines qua đó được phía Kiểm toán Nhà nước tính toán là trên 24.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tình hình tài chính của Vinalines theo nhận định còn một số khó khăn, do đơn vị này bảo lãnh cho các đơn vị nhận bàn giao từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và các đơn vị thành viên vay số tiền hơn 6.204 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu euro. Trong khi đó, thực trạng tài chính của các đơn vị được bảo lãnh là yếu kém và khó có khả năng thanh toán. Một vấn đề khác theo Kiểm toán Nhà nước là 3 đơn vị nhận bàn giao từ Vinashin góp thiếu vốn điều lệ trên 1.314 tỷ đồng nên chưa thể thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định. Trong số trên, vốn điều lệ chưa góp lớn nhất là Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin với hơn 1.080 tỷ đồng. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Kiểm toán, những rủi ro ước tính có giá trị khá lớn. Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên được kiểm toán còn nhiều khoản nợ phải thu khó có khả năng thu hồi. Ngoài ra, nhiều khoản tổn thất dự kiến trong đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn, thiệt hại tiềm ẩn của các dự án đầu tư bị dừng, hoãn hoặc không thể tiếp tục thực hiện. Báo cáo kiểm toán cũng dẫn số liệu của các tổ chức định giá phục vụ cổ phần hóa cho thấy, giá trị thị trường của đội tàu biển của Vinalines đã thấp hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán. Riêng đội tàu của công ty mẹ theo thống kê đã giảm giá trị khoảng trên 3.522 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đội tàu khác cũng giảm giá hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng đề án thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm cổ phần tại các cảng biển của Vinalines sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành đồng bộ, liên kết đồng thời 3 loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vinalines là: vận tải biển, khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải và cũng khó trả nợ.

Có thể thấy việc thắt chặt kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước là hết sức cần thiết để tránh tình trạng các doanh nghiệp rơi vào trường hợp như Vinalines. Hoạt động Kiểm toán Nhà nước trước tiên là kiểm tra, đối chiếu số liệu trên quyết toán với tình hình thực tế của tài sản nguồn vốn, với tình hình kinh doanh, chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ, tính đầy đủ, trung thực chính xác về kết quả hoạt động, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước… Việc Kiểm toán Nhà nước xác nhận báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm của một cơ quan công quyền ghi nhận sự thật của báo cáo quyết toán, từ đó thấy được mức độ tin cậy của báo cáo, giúp công tác lãnh đạo khái quát được trình độ lãnh đạo, điều hành công việc của giám đốc, tiềm năng hay sự phát triển (thụt lùi) của doanh nghiệp… Trên cơ sở xác nhận, Kiểm toán Nhà nước có thể giúp doanh nghiệp bằng những nhận xét khách quan, trung thực, đầy đủ trong khâu kinh doanh, tổ chức quản lý, chấp hành thuế, chế độ tài chính nhà nước, công tác kế toán và kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp.

II. VAI TRÒ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn đến 31/12/2014 là 507.998 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỷ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỷ đồng; tổng chi phí 333.153 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể:

Thứ nhất, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, nợ trong nội bộ một số tổng công ty với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, đối với nội dung “nợ phải thu quá hạn”, Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel có tới 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có 507,21 tỷ đồng; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có 440,35 tỷ đồng... Đối với nội dung “nợ khó đòi”, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có tới 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), tại VEAM là 293 tỷ đồng (chiếm 18,87%)…

Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. Ví dụ như Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã đầu tư nhiều tài sản phải dừng hoạt động như: Hệ thống truyền hình kỹ thuật số 22,09 tỷ đồng; thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho một số trạm phát cấp tỉnh, cấp huyện; một số thiết bị thuộc dự án Hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng internet 1,76 tỷ đồng... Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể; một số đơn vị trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ. Hầu hết các tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư. Như trường hợp công ty con của Tổng công ty Xây dựng Đường thủy - Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I (âm 217,9 tỷ đồng); Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP: Công ty CP Thép tấm miền Nam 11,33 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng miền Nam 5,3 tỷ đồng, Công ty CP Thép Tấm lá Thống Nhất 12,22 tỷ đồng...

Thứ ba, mặt khác, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tiêu biểu cho tình trạng này là Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng khoáng sản Miền Trung 3,26 lần; Công ty CP 482 là 7,8 lần, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 492 là 5 lần, Công ty CP Xây dựng Công trình Giao thông 419 là 5,7 lần, Công ty CP 479 là 4 lần; Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy Miền Nam 36,2 lần; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 12,79 lần…

Thứ tư, kiểm toán cũng phát hiện nhiều đơn vị chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định, trong khi một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt chưa được xử lý; một số tổng công ty quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa chặt chẽ, xây dựng đơn giá tiền lương, trích quỹ lương chưa hợp lý, chưa nộp kịp thời các khoản trích theo lương như trường hợp Vinachem và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Thứ năm, một vấn đề nghiêm trọng khác là một số tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đã ban hành quy chế giám sát tài chính và hiệu quả hoạt động, công khai tài chính, thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá thực hiện nhiệm vụ của người đại diện vốn nhà nước; người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện quyền và nghĩa vụ, chế độ báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, kiểm toán cũng phát hiện tại một số đơn vị công tác giám sát còn hạn chế, như chưa bổ nhiệm kiểm soát viên; chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn, quy chế giám sát tài chính.

Thứ bảy, chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa. Cho đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đã xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, đề án của một số tổng công ty có nội dung chưa phù hợp; chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể doanh nghiệp. Trong đó, DIC chưa hoàn thành thoái vốn tại 5 công ty; Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV: Chưa thoái vốn tại 14 công ty; Viettel: Chưa hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty CP Công nghệ Viettel và Công ty CP Phát triển thương mại Vinaconex - Viettel; HUD: Công ty HUD Kiên Giang hoàn thành cổ phần hóa chậm 7 tháng...

Nếu không có sự kiểm tra, giám sát của Kiểm toán Nhà nước thì sẽ xuất hiện nguy cơ lớn đối với tài chính công, làm giảm sự phát triển của khu vực tư nhân, tiêu tốn nguồn vốn và nguồn lực… từ phía các doanh nghiệp nhà nước.

III. TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA CÁC HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

- Để có đánh giá tổng quát về tình hình tại các doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán Nhà nước theo hướng kết hợp kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với toàn bộ dự án thực hiện tại Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên (có thể thành chuyên đề kiểm toán) đồng thời với việc kiểm toán quyết toán vốn đầu tư tại 01 hoặc 2 dự án.

- Bổ sung thêm nhân lực là các kiểm toán viên có trình độ, kinh nghiệm theo ngành nghề chuyên môn sâu đối với các lĩnh vực. Trang bị máy móc, công cụ, phương tiện kỹ thuật phù hợp phục vụ công tác kiểm toán.

- Chọn mẫu một số công trình, hạng mục công trình đối với công ty xây dựng để kiểm tra thực tế tại hiện trường, đối chiếu với hồ sơ hoàn công và tài liệu quyết toán để xác định khối lượng quyết toán chính xác, phù hợp. Cần thiết có thể đối chiếu, xác minh với nhà thầu sau khi được sự đồng ý của trưởng đoàn kiểm toán phê duyệt.

- Thường xuyên tổ chức học tâp, hội nghị, tọa đàm để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm toán viên.

- Tiến tới thành lập riêng Đoàn kiểm toán đối với từng loại hình đầu tư cụ thể của doanh nghiệp nhà nước, độc lập với Đoàn kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp nhà nước.

- Đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của doanh nghiệp nhà nước; thu hẹp phạm vi ngành nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; tập trung vốn cho dự án đầu tư đối với các ngành nghề chính, có hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, vừa đầu tư vốn cho dự án mới, vừa thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, các doanh nghiệp không thuộc chức năng của doanh nghiệp nhà nước. Mạnh dạn cắt bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án có vốn đầu tư lớn, chưa thật cấp bách, thời gian đầu tư dài.

- Phải quy định cụ thể tiêu chuẩn, nguyên tắc phòng ngừa rủi ro trong dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khi xác định vốn cho các dự án phải tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước so với vốn chủ sở hữu, so với tổng tài sản, ngưỡng cần báo động rủi ro, phải được đánh giá lại từng năm, từng thời kỳ để điều chỉnh trong quản lý.

- Các dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước phải được bố trí vốn đầy đủ, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến sự chậm trễ tiến độ của dự án; Chỉ khi nào đủ nguồn lực mới cho thực hiện triển khai; Phải có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả sau đầu tư cũng như lãng phí vốn khi dự án chậm tiến độ.

- Cần phải tăng cường quản lý dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các dự án đầu tư xây dựng trong doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quản lý, kể cả bằng nguồn vốn vay.

- Hiệu quả dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc nhiều vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, muốn xác định rõ ràng hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ công ích, xã hội của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các nhiệm vụ công nào mà doanh nghiệp nhà nước phải đảm nhiệm cũng phải được quy định rõ ràng, tránh tình trạng nhập nhằng giữa mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận.

- Công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, minh bạch trong đấu thầu dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước, quy định bắt buộc đấu thầu trong các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn nhà nước hay nguồn vốn vay, vốn tự có của doanh nghiệp.

- Cần phải có tiêu chí rõ ràng về năng lực nhà thầu để tránh tình trạng chứng minh năng lực thì mượn năng lực nhà thầu khác cho đủ nhưng thực tế không có đủ năng lực để thực hiện, dẫn đến dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

- Các dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước cần phải được kiểm toán ngay từ khi lập dự án để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả ngay từ đầu, tránh tình trạng hậu kiểm như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Kiểm toán Nhà nước.

2. Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2014.

4. Trang web Kiểm toán Nhà nước.


Ngày nhận bài: 02/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016

Thông tin tác giả:

Nguyễn Thị Sâm

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

The role of state audit in state owned enterprises

Nguyen Thi Sam

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

Activities of state audit in Vietnam is to do mission of state management in finance. The role of state audit is also to promote innovation and enhance enterprises management in general. The conducting audit activities in state owned enterprises is responsible for both of the State and the enterprise. This article is to clarify this concept clearer.

Keywords: The State audit office of Vietnam, thematic audit, state owned enterprises, equitization.